Đà Nẵng cuối tuần
Dòng phim đua xe hành động hút khách
Dù không thành công tại quê nhà, nhưng bộ phim Need for Speed (Đam mê tốc độ) lại tỏ ra ăn khách tại thị trường quốc tế với tổng doanh thu 45,6 triệu USD.
Bộ phim đã ra mắt tại hầu hết các thị trường lớn như Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Hàn Quốc và Nhật Bản và đã có những thành công tương đối dù chắc chắn không thể sánh bằng những gì loạt phim đua xe hành động Fast & Furious từng làm được.
Một cảnh quay mạo hiểm trong phim Need for Speed. |
Được đầu tư 66 triệu USD, dựa trên tựa game đua xe bán chạy nhất mọi thời và có sự góp mặt của diễn viên Aaron Paul, ngôi sao loạt phim truyền hình Breaking Bad, song Need for Speed chỉ thu về 17,8 triệu USD trong dịp cuối tuần đầu tiên ra rạp và xếp thứ ba tại phòng vé Bắc Mỹ sau bộ phim hoạt hình Mr. Peabody & Sherman và 300: Rise of an Empire.
Trong phim, Aaron Paul vào vai Tobey Marshall, một người thợ máy trung thực tham gia một cuộc đua quy tụ toàn những siêu xe để báo thù cho một người bạn, đồng thời cứu xưởng xe của mình khỏi nguy cơ phá sản. Bộ phim có phần mở đầu khá nhàm chán và cả màn đua xe đầu tiên cũng không hề hấp dẫn. Tuy nhiên, càng về sau phim lại càng trở nên gay cấn, kịch tính hơn. Những màn đua xe cũng táo bạo và mãn nhãn hơn. Nếu như trong loạt phim Fast & Furious, những chiếc xe là một trong những yếu tố góp mặt trong câu chuyện thì ở Need for Speed lại ngược lại, câu chuyện lại là về những chiếc xe, đường đua và đam mê tốc độ. Đích đến cuối cùng của Tobey và các nhân vật khác là cuộc thi đua xe đường phố.
Với nhiều cảnh quay đẹp mắt trải dài ở nhiều thành phố, bang trên khắp nước Mỹ như Georgia, Atlanta, Detroit, San Francisco, Utah…, bộ phim tạo được sự hồi hộp, kích thích cho khán giả bằng những trường đoạn quay trên cánh đồng muối Bonneville, rặng núi đá đỏ ở Colorado hay đường đến ngọn hải đăng Point Arena ở bang California. Cách quay phim của Need for Speed cũng khá giống với trò chơi và mang lại cảm giác đã tai như tiếng rồ ga, tiếng xe lao vun vút trên đường cao tốc...
Không có nhiều chiếc xế hiện đại như trong Fast & Furious, nhưng Need for Speed vẫn mang lại cho khán giả sự choáng ngợp khi được chiêm ngưỡng cả một “rừng xe” đồ sộ nổi tiếng ở nước Mỹ trong thập niên 1960 - 1970 như Koenigsegg Agera R, McLaren P1, Saleen S7, Lamborghini Sesto Elemento hay Bugatti Veyron… Những cảnh nổ xe hay đâm xe cũng được làm rất dữ dội. Có thể nói Need for Speed là bộ phim thuần túy dành cho những ai yêu mến bộ môn này. Toàn bộ cảnh quay đua xe đều được quay thật trên những khu phố được quay lại, diễn viên cũng phải lái xe thật chứ không quay trên phông xanh hay trong trường quay được dựng sẵn.
Để hoàn thành tốt vai diễn của mình, Paul đã tham gia trường học dạy lái xe dành cho các diễn viên đóng thế. Anh cho biết: “Tôi đã nắm lấy cơ hội. Chúng tôi đã học cách lái xe đầy quyết liệt và nó thật thú vị”.
Cuối năm nay, Paul sẽ lại xuất hiện trong một dự án lớn khác mang tên Exodus của đạo diễn Ridley Scott. Anh chia sẻ rằng: “Mình muốn được thấy những phần tiếp theo của Need for Speed, để có cơ hội đào sâu thêm vào quá khứ của Tobey Marshall”. Điều này là một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra, khi chứng kiến một đại diện tiêu biểu của dòng phim đua xe hành động là Fast and Furious với 6 tập và 2,3 tỷ USD doanh thu.
GIA HUY