.

Những triển lãm... lạ

.

Năm 2012 đã khép lại nhưng chưa có con số thống kê chính thức trên cả nước có bao nhiêu triển lãm. Nhưng con số ấy hẳn rất nhiều. Chúng ta cùng điểm qua 5 triển lãm… là lạ của năm qua.

Họa sĩ Tôn Đức Lượng. 		    Ảnh: HOÀNG THU PHỐ
Họa sĩ Tôn Đức Lượng. Ảnh: HOÀNG THU PHỐ

1- Độc đáo “Mã vạch”

Bảo là độc đáo cũng được, mà có cảm giác đau đớn, gai người cũng không sai, bởi mỗi cá nhân khi bước chân vào xem triển lãm Mã vạch của nhiếp ảnh gia Na Sơn trưng bày tại Hà Nội đều có những cảm xúc khác biệt. Đây là một phần của triển lãm nghệ thuật về đề tài chống buôn bán người diễn ra tại rạp Công Nhân (42 Tràng Tiền, Hà Nội) hồi tháng 5-2012.

20 bức ảnh đen trắng chụp phụ nữ, trẻ em Hà Giang, tất cả đều bị một mảnh “mã vạch” che chắn khuôn mặt. Trên tấm mã vạch ấy có một dãy chữ số, ví dụ: 8932006280207, trong đó 893 là con số thông báo “nguồn gốc” hàng hóa từ Việt Nam, 2006 là năm sinh, còn lại là ngày, tháng, năm bị bán.

Mới chỉ có 20 bức ảnh được công bố, nhưng dự án “chống buôn bán người” thông qua ảnh của Na Sơn vẫn chưa dừng lại. Anh muốn “tiếp tục thực hiện nó như một dự án hoàn chỉnh chứ không đơn thuần chỉ bó hẹp trong một cuộc triển lãm”.

Hơn 2 tháng ở Hà Giang, Na Sơn mới thực hiện xong 20 tấm hình này. “Những nạn nhân đều là người dân tộc thiểu số rất thật thà, hồn nhiên nên việc thuyết phục họ để chụp ảnh không khó lắm. Cái khó nhất là phải lục lọi hàng trăm hồ sơ, tài liệu và tìm ra được họ. Tôi muốn góp một lời cảnh báo đến cộng đồng, xã hội về nạn bắt cóc, buôn bán người thường xảy ra tại các tỉnh biên giới phía Bắc. Nhưng để nêu bật được thông điệp và để bảo vệ nhân thân cho nạn nhân, tôi đã để họ tự che mặt bằng những bảng mã vạch mà tôi đã in ra, một số trường hợp khác thì tôi che mặt họ thông qua xử lý hậu kỳ. Khi lột mã vạch ra, đó là những bức ảnh chân dung hoặc đời sống rất đẹp nhưng khi gắn nó vào cái đẹp ấy đã cào xước cảm xúc của người xem”, Na Sơn tâm sự.

Có quá nhiều triển lãm ảnh, thậm chí người ta đua nhau xin cấp phép triển lãm ảnh nude, nhưng lại có quá ít triển lãm ảnh có ngôn ngữ riêng, mạnh mẽ như Mã vạch.

Một tác phẩm trong Mã vạch của Na Sơn.  				Ảnh: NA SƠN
Một tác phẩm trong Mã vạch của Na Sơn. Ảnh: NA SƠN

2- 87 tuổi mới “xuất chiêu”… triển lãm

Đó là họa sĩ Tôn Đức Lượng, sinh năm 1925, là học sinh khóa cuối cùng của Trường CĐ Mỹ thuật Đông Dương, từng được họa sư Nam Sơn trực tiếp chỉ dạy.

Rất ít người biết Tôn Đức Lượng là ai. Cả họa sĩ Phan Cẩm Thượng cũng rất bất ngờ khi xem hơn 200 bức tranh ký họa của ông trong triển lãm Ký họa lịch sử tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vào tháng 11-2012.

Tôn Đức Lượng thuộc thế hệ họa sĩ đầu tiên của Báo Tiền Phong, chính ông là người vẽ măng-sét cho tờ báo này. Có trong tay hàng trăm bức tranh ký họa mang đậm dấu ấn lịch sử về những người thanh niên xung phong, nhưng ông chưa bao giờ nghĩ tới việc tự tổ chức triển lãm. Thế nên những tác phẩm của ông, dù là sơn dầu hay ký họa bút sắt, bút máy cũng phủ bụi thời gian, thậm chí bị mối xông lỗ chỗ trong căn nhà cũ kỹ ở tập thể 128 Hàng Trống, Hà Nội. Mãi năm 2011, cơ duyên đã đưa nhà sưu tập người Thái Lan - ông Tira Vanichtheeranont - tìm đến và nhanh chóng quyết định mua gần hết số tác phẩm của ông. Tôn Đức Lượng đắn đo, cân nhắc rồi ông quyết định bán.

Ông Vanichtheeranont đã quyết định tổ chức triển lãm và in bộ tranh này trong cuốn sách Ký họa lịch sử (NXB Mỹ thuật). Họa sĩ, nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân cho biết: “Xem tranh, ta thấy người Việt Nam đang làm gì, đất nước đang chuyển biến thế nào, lúc nào ở đâu có sự kiện gì… Tác giả hy sinh cá tính sáng tạo, khiêm tốn lùi lại phía sau làm một thư ký của thời đại”.

Tác phẩm Loa cây của Nguyễn Ngọc Dân. 			      Ảnh: NGỌC TÂM
Tác phẩm Loa cây của Nguyễn Ngọc Dân. Ảnh: NGỌC TÂM

3- Triển lãm tranh - sắp đặt đồ sộ nhất ở Việt Nam

Đó là triển lãm Phố của họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân, biệt danh “Dân dây điện” tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ (số 2 Hoa Lư, Hà Nội). Nguyễn Ngọc Dân sinh năm 1972, quê gốc Hải Phòng. Quan niệm nghệ thuật quán xuyết tất cả những công việc của Nguyễn Ngọc Dân là “không nhất thiết phải đẹp, mà phải làm khác đi”. Vì vậy, từ cách tổ chức triển lãm đến giấy mời cũng được anh làm khá độc đáo. Giấy mời được làm bằng gốm sứ Bát Tràng, cách điệu từ quả sứ cách điện thường gắn trên các cột điện (ý tưởng này lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam và anh đã đăng ký bản quyền).

Bên cạnh những bức tranh được thiết kế từ các chất liệu liên quan đến điện, ước tính còn 20 tấn thiết bị, gồm nhiều “hạng mục” như cột điện tròn, cột điện sắt, dây điện, con sứ điện, vài chục chiếc loa các kích cỡ, rồi xe taxi, xe trộn bê-tông, xe lu… đã có mặt trong cuộc triển lãm này. Theo họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân, phải mất 8 năm chuẩn bị, anh mới cơ bản hoàn tất ý tưởng để ra mắt triển lãm Phố vào tháng 12-2012.

Nếu các triển lãm khác thường được mở cửa đón khách theo giờ hành chính, thì điều góp phần làm nên sự khác biệt của Phố là mở cửa tới 21 giờ với sự hỗ trợ đầy biến ảo của hệ thống đèn điện. Ngoài ra, trên nền những hỗn độn của các sắp đặt là những bản nhạc Hà Nội đầy da diết. Nhà phê bình Nguyễn Quân cho rằng, thông qua triển lãm này, Nguyễn Ngọc Dân muốn nói cái gì mang tới hạnh phúc thì cũng có thể mang tới tai ương. Đời sống đô thị là vậy, có cái hay cái dở.

4- Triển lãm đồ vật từ... phế liệu chiến tranh

Tháng 12-2012, nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, Báo Hà Nội mới đã tổ chức triển lãm Tôi kể chuyện này tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội) với hơn 50 đồ vật được làm từ các phế liệu chiến tranh.

Phần lớn hiện vật trong triển lãm do nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến (Ban Phóng sự - Báo Hà Nội mới) sưu tầm, số còn lại được mượn của các cá nhân. Các đồ vật gồm: hộp đựng xi-lanh từ mảnh xác máy bay, vỏ quả bom 250 cân Anh làm thành kẻng, vỏ đạn pháo 130mm, 105mm làm thành các loại lọ cắm hoa, dây dù hàng đan thành võng, dù pháo sáng làm thành khăn choàng cắt tóc, mũ sắt làm cối giã cua, đèn làm từ vỏ quả đạn M79, những chiếc lược làm từ mảnh xác máy bay B-52 rơi xuống làng hoa Ngọc Hà năm 1972…

Dù chưa phải là bộ sưu tập với đầy đủ hết các vật dụng, nhưng Tôi kể chuyện này giúp người xem nhớ về chiến thắng của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến trong thế kỷ XX, về sự khéo tay và sáng tạo của họ. Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, Tôi kể chuyện này chỉ là gợi ý cho các câu chuyện mà người xem triển lãm sẽ kể cho nhau về một thời họ đã sống. Song mục đích lớn hơn, anh muốn gửi thông điệp hòa bình đến tất cả mọi người.

Giấy mời độc đáo của triển lãm Phố. 		      Ảnh: NGỌC TÂM
Giấy mời độc đáo của triển lãm Phố. Ảnh: NGỌC TÂM

5- Khi người dân tộc… kể chuyện bằng hình ảnh

Trong số rất nhiều triển lãm ảnh của năm 2012, đáng chú ý là triển lãm ảnh Văn hóa của mình - Đối thoại trong không gian mở được tổ chức tại Lào Cai, Hà Nội, và thành phố Hồ Chí Minh. Có lẽ đây là lần đầu tiên có một cuộc triển lãm ảnh quy mô như thế, với thành phần tác giả là bà con dân tộc đến từ 9 nhóm dân tộc thuộc 3 miền Bắc, Trung, Nam, gồm dân tộc Mông Si, Dao đen (Yên Bái), Mông đen, Dao đỏ (Lào Cai), Mường, Thái (Thanh Hóa), Pa Cô, Vân Kiều (Quảng Trị), Khmer (Sóc Trăng).

Tổng cộng 143 bức ảnh của 64 tác giả được chọn từ hơn 70.000 tấm ảnh do người dân tộc thiểu số 3 miền Bắc, Trung, Nam tự chụp và kể về cộng đồng mình. Những bức ảnh được trưng bày là góc nhìn của bà con dân tộc đã tham gia Dự án Photovoice (kể chuyện bằng hình ảnh) do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường tiến hành. Những người tham gia dự án đã được phát máy ảnh và tự chụp những bức ảnh về cuộc sống, về dân tộc của mình.

Dù là ảnh của những tay máy “nghiệp dư”, nhiều người lần đầu tiên được cầm máy ảnh, nhưng những bức ảnh đã thật sự “biết nói”. Thú vị ở sự chân thực, cái nhìn trong trẻo, và hơn nữa đi cùng ảnh là những dòng chữ mộc mạc, để bất cứ ai cũng đều biết được tên nhân vật trong ảnh, địa điểm chụp và những hoạt động gắn liền với bức ảnh.

NGỌC TÂM - HOÀNG THU PHỐ

;
.
.
.
.
.