Nhặt nhạnh từ võ thuật là cuốn sách luận về võ, nhưng cũng là luận về đời, về nhân sinh thế sự, về những lẽ sống muôn thuở của nhân loại mà rốt cuộc vẫn xoay quanh những điều thiện - ác, được - mất, những có - không mà thôi.
Những người biết tới nhà điêu khắc Trần Luân Tín và quan tâm tới tác phẩm của anh hẳn còn nhớ hai cuốn sách Được sống và kể lại và Tháng ngày miên man. Do sự gắn bó chặt chẽ giữa thân thế tác giả và những nội dung được viết trong sách mà dù muốn hay không, những cuốn sách ấy của Trần Luân Tín đều bị NXB gắn cho hai chữ “hồi ký” hoặc “tự truyện” khi in. Còn theo ý riêng của tác giả, vì những cuốn sách của anh đều có những số phận nhân vật riêng của nó, nên hợp lý hơn, phải gọi chúng là “truyện ký”.
Ở cuốn sách thứ 3 này, tôi chưa biết NXB sẽ định danh thể loại nó là gì, nhưng với tư cách người đọc, tôi gọi đó là cuốn luận về võ thuật. Chính vì tính chất “luận” này mà cả người học võ hay không học võ đều có thể “nhặt nhạnh” được điều gì đó tâm đắc từ cuốn sách.
Người ta vẫn nói, viết văn, nếu muốn thành công, hãy bắt đầu từ những gì anh “thuộc” nhất. Có lẽ nhà điêu khắc Trần Luân Tín vô cùng thấm thía tính hữu dụng của lời khuyên chí lý ấy. Nhìn lại các tác phẩm của anh sẽ thấy anh vẫn chỉ đang đi vào những vỉa mạch nội dung mà anh gắn bó nhiều năm và hiểu về chúng sâu sắc nhất. Ở cuốn Được sống và kể lại, Trần Luân Tín viết về những năm tháng chống Mỹ, anh cùng đồng đội chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Ở Tháng ngày miên man, anh viết về thời thơ ấu của lứa họa sĩ thuộc khóa đào tạo sơ trung 7 năm cuối cùng của Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội, mà giờ ta quen gọi là ĐH Mỹ thuật Yết Kiêu. Ở cuốn Nhặt nhạnh từ võ thuật, Trần Luân Tín chia sẻ những suy nghĩ của anh về Vịnh Xuân - môn quyền thuật anh đã say mê rèn luyện trong hơn 30 năm qua.
Dĩ nhiên, viết về một trường phái võ lâm, ở nước ta, Trần Luân Tín không phải người đầu tiên. Nhưng chia sẻ những suy ngẫm được đúc rút từ quá trình luyện võ thì có lẽ nhà điêu khắc này cũng là một trong số ít người đóng vai trò khai mở. Nhặt nhạnh từ võ thuật không phải cuốn sách dạy võ, mặc dù những người học võ có thể rút ra từ đây một số điều căn cốt trong quá trình rèn luyện. Có lạ không khi tôi gọi đó là cuốn sách văn học đích thực, mặc dù nội dung lại bàn về võ? Trần Luân Tín đã làm được một điều thật thú vị, anh dùng những vẻ đẹp giản dị, chắt lọc của văn chương để truyền cảm hứng say sưa đầy chất thiền về sức mạnh và vẻ đẹp của một môn nhu quyền như Vịnh Xuân.
Đọc Nhặt nhạnh từ võ thuật, người ta ấn tượng với những chương tác giả bàn về sức mạnh của sự nhẹ nhàng. Chẳng gì mềm như nước, chẳng gì nhẹ và vu vơ như gió, chẳng gì lả lướt hơn một dáng liễu bên hồ, ấy vậy mà khi nước, khi gió nổi giận, một cây cổ thụ thì bật gốc còn một cành liễu vẫn duyên dáng ung dung. Sức mạnh của nhẹ nhàng là triết lý thấm sâu lẽ sinh tồn tất yếu của tự nhiên. Vậy nên, hãy học thiên nhiên để biết sống hòa hợp với nó, để không vô lối áp đặt những điều đi ngược với lẽ sinh tồn tất yếu của tạo hóa.
Thực tế, những ngẫm ngợi về vẻ đẹp và sự kỳ diệu của thiên nhiên được Trần Luân Tín chia sẻ phần nào trong cuốn sách Tháng ngày miên man. Và còn nhớ, cũng trong cuốn sách đó, anh cảnh báo một sự lệ thuộc tới mức thụ động và vô cảm của con người vào công nghệ. Tới cuốn sách này, trong các vấn đề ngẫm ngợi từ việc luyện võ, Trần Luân Tín cũng trở lại với những nguy cơ đe dọa của thời hiện đại. Anh ngần ngại trước thói quen cái gì cũng công thức hóa, lập trình hóa mọi vấn đề của đời sống con người. Như một hệ quả tất yếu của các thao tác bấm nút, những tổ hợp phím nóng trong phần mềm, trong thiết bị điện tử gia dụng, con người dường như cũng đang có nguy cơ lập trình cả những cảm xúc yêu thương, cả thái độ hành vi ứng xử, lĩnh vực vốn lâu nay thuộc độc quyền mách bảo từ trái tim và chỉ phần nào đó từ lý trí. Cái “vô chiêu” của Vịnh Xuân phần nào gợi ý cho người viết về sự tự do và linh hoạt vô tận trong sức sáng tạo con người. Khi con người bị ràng buộc vào những nguyên tắc cứng nhắc, bất di bất dịch kiểu như “có A thì sẽ có B” hay “có C tất phải có B”, con người dễ mất đi những khoảng trống dành cho bay bổng sáng tạo. Cuộc sống công nghiệp với những việc, những cảnh được lập sẵn thành công thức, nguyên tắc, phần nào tạo sự dễ dàng, không cần cố gắng cho con người hiện đại, nhưng mặt khác, nó cũng làm tổn hại tới xúc cảm, tới chất người vốn luôn cần một chữ “tình” bên cạnh chữ “lý” khô khan, rành mạch. Sự trói buộc của công thức đôi khi làm con người ảo tưởng về sự “biết” của mình. Đó là điều vô cùng nguy hiểm. Vì công thức hay nguyên tắc bao giờ cũng đi kèm những điều kiện kèm theo của hoàn cảnh để có thể thực hiện trơn tru, không xảy ra sai sót. Vậy khi không có những điều kiện kèm theo đó, liệu con người có còn đủ linh hoạt để ứng biến, để giải quyết những mâu thuẫn đời sống đặt ra cho họ? Hay khi đó, họ quay ra thất vọng, chán nản và đổ thừa cho số phận? Sự ngạo nghễ của một người nắm được nhiều công thức cũng đáng ngại như vẻ huênh hoang đắc thắng của một người có trong tay những thiết bị công nghệ hiện đại nhất, song đôi khi lại không thể giải quyết được một việc cơ bản, thiết thân của đời sống, giản dị như việc tìm một ngôi nhà giữa khu phố xa lạ đông đúc dân cư. Sự ví von đó có thể chưa hẳn đã chính xác hoàn toàn, nhưng sự thật, khi lệ thuộc vào nguyên tắc, con người ta dễ trở nên thụ động và vô cảm.
Cũng từ nguyên lý “tùy” của Vịnh Xuân, Trần Luân Tín muốn bàn về lẽ ứng xử của con người luôn cần linh hoạt trước sự biến ảo khôn lường của hoàn cảnh. Tùy để không cứng nhắc, tùy để không đẩy mình vào thế ức, vào sự dồn ép tới mức căng thẳng mà ta vẫn gọi là stress, căn bệnh thời hiện đại. Những lý lẽ về sự tùy của nhu quyền đã được Trần Luân Tín soi chiếu thấu đáo vào đời sống, vào cách con người ứng xử với công việc, với nhau và quan trọng hơn, với chính mình. Cũng từ nguyên lý tùy, người viết bàn về sự thả lỏng của tinh thần, thoải mái về tâm lý. Cũng là người thích thể thao, đặc biệt là quyền anh và bóng đá, Trần Luân Tín nhìn rõ vai trò quan trọng của cái mà chúng ta quen gọi là “tâm lý thi đấu” trong những cuộc thi thố tài năng. Nhìn rộng ra là thế, còn nhìn gần hơn một chút, tâm lý thoải mái luôn là phần quan trọng giúp con người thành công, dù làm bất cứ việc gì.
Đọc Nhặt nhạnh từ võ thuật, có thể thấy, người viết như đang gợi nên một khung cảnh thật tĩnh, thật thiền trong cuộc trò chuyện bên bàn trà nho nhỏ. Ở đó, bên những chén trà phảng phất hơi khói thơm hương, tác giả sau một giờ đổ mồ hôi bên phòng tập, tĩnh tại ngồi nghỉ, ngẫm ngợi về những lý lẽ thâm trầm của các thế võ vừa trải qua. Trong văn có võ, trong võ có văn, những triết lý ẩn tàng sâu nhất của võ phải chăng không phải chỉ để người tu tập biết cách tự vệ, mà còn muốn con người, ngay từ bản ngã, phải biết tự vệ cho cái ngã trước sự khuấy đảo của ngũ quan. Điều đó thiết tưởng quan trọng hơn hết thảy. Cái mầm thiện khó trồng và mất sức vô cùng để gây dựng, nhưng màu bạc ác thì thoáng chút đã có thể dấy bẩn lòng người. Tất cả những ngẫm ngợi đó thực chất không phải chỉ có trong võ, mà võ chỉ là một phần để người luyện ngẫm nghĩ thêm. Viết về võ mà thực ra lại rất văn, đó phải chăng là thành công đầu tiên về cuốn sách của nhà điêu khắc Trần Luân Tín.
DƯƠNG KIM THOA
(Đọc Nhặt nhạnh từ võ thuật - nhà điêu khắc Trần Luân Tín, NXB Từ điển Bách khoa, tháng 5-2013)