Ông Tứ là em ông nội tôi. Ông chỉ có mỗi một cô con gái là cô Hạ, lại lấy chồng xa, mà nhà tôi với nhà ông chỉ cách nhau một cây rơm với một cây xoan nên suốt ngày tôi ở bên nhà ông. Cô Hạ sinh con, bà Tứ phải vào chăm sóc, ông chỉ ở nhà một mình, buổi tối, tôi thường mang sách vở sang nhà ông học bài rồi ngủ lại. Nhà ông thấp nên mùa đông rất ấm, tôi thường cuộn mình trong chăn, gác lên người ông và ngủ một mạch tới sáng bảnh mắt. Hôm nào ông đi chợ thị trấn bán ống trúc lại mua cho tôi khi thì mấy cuốn vở, đôi dép, cái thước kẻ, kẹo dồi. Chẳng bao giờ tôi thấy ông mua thịt, họa hoằn lắm chỉ chục cá trích, cá thèn, miếng mỡ lá. Nhưng bù lại, ông nấu ăn rất khéo, chỉ vài món đơn giản nhưng nhìn chiếc mâm đồng rất thích mắt.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Một món luôn có trong bếp của ông Tứ là lạc rang muối. Tôi chưa thấy ai làm món này ngon như ông. Lớp muối trắng mịn bám chặt, đều vào những hạt lạc nâu nâu, nhón thử một hạt, vị đậm đà, bùi ngon đọng mãi trên đầu lưỡi. Lạc rang muối ông thường để trong một cái nồi đất nho nhỏ. Đó vừa là đồ nhắm uống rượu, vừa là thức ăn hằng ngày, thức để nhón tay ăn vặt, để đỡ lúc đói lòng. Đứa trẻ nào đến nhà ông đều có thể sà lại cái mươn tre, nhấc vung nồi đất, lia thia trong tay những hạt lạc rang muối, nhấm nháp cái vị mằn mặn ngon lành ấy. Tôi có thể ăn lạc rang muối nhà ông Tứ đến no. Những trưa hè, chạy chơi bắt chuồn chuồn cùng đám bạn, thỉnh thoảng tôi lại đảo về nhà ông Tứ, nhiều lần thấy ông vừa uống rượu với lạc rang muối vừa nghe băng cải lương, đến là thích.
Đến mùa xuân, sau khi cày luống gieo lạc ở mảnh vườn bao quanh nhà, để xua đuổi lũ gà, chim chóc quậy phá, ông cháu tôi chăng tháo những cuộn băng đã hỏng, chăng những sợi dây lấp lánh khắp vườn. Mẹ tôi thấy ông cứ ăn cơm với lạc mãi nên tối nào cũng bảo tôi bê cái rá nhỏ, hôm thì có đĩa cá, bát thịt, canh cua sang rồi ở lại ăn cơm luôn với ông. Mang tiếng thế nhưng bao nhiêu thức ăn ngon ông đều gắp vào bát tôi. Nhưng đúng là trẻ con, tôi thấy chẳng món nào ngon như lạc rang muối của ông. Vì thế, việc đi học về chạy sang nhà ông không thấy chiếc nồi đất chứa lạc rang đặt trên chiếc mươn tre với tôi là một cú sốc. “Trẻ con ăn nhiều muối dễ sinh bệnh. Với lại ăn nhiều lạc cũng dễ buồn ngủ bỏ bê bài tập về nhà”. Ông nói lảng đi, không nhìn mắt tôi. Từ hôm ấy ông ăn cơm với canh rau, cá vụn. Tôi dỗi nên một mực không chịu mang thức ăn sang ăn cơm với ông như trước nữa. Về sau mới biết mẹ bảo ông đừng cho tôi ăn lạc nữa không đến bữa cơm lại không ăn được là bao. Được mấy hôm thì bà Tứ về. Tôi nghe lóm thấy bà than thở với mẹ “Vào trong ấy, thím trông cháu còn chú mày đạp xích lô hoặc bán hàng rong còn ăn đứt ở nhà làm ruộng. Vợ chồng con Hạ khó khăn lắm, mình đỡ đần được tí nào hay tí ấy. Thế mà ông lần lữa mãi, bảo còn ruộng vườn, bà cứ vào trước, đợi thu hoạch lạc xong, bán lấy ít tiền rồi ông vào sau”.
Mùa hè năm đó mới thật khủng khiếp. Nắng dài ngày, gay gắt đến mức lá lạc cũng phải khô cong. Ông sang nhà tôi, bảo “Lạc già lắm rồi, đợi đến mức có mưa thì chắc rời rễ nảy mầm hết”. “Nhưng kiểu này mà nhổ thì trầy cả da tay ông ạ. Con thử rồi. Đợi đợt công tác này về con gọi thêm mấy chú ở đơn vị về làm một nhoáng là xong”, cha tôi can. Thế mà không biết ông dỗi hay đã quyết, cứ trời nắng chang chang, từ sáng đến tối ông kiên trì cái cuốc trong tay, dẫy từng bụi lạc một. Chiều nào học về, tôi và mẹ cũng lẳng lặng ra sắp gọn đám lạc lại, thấy mồ hôi ướt lưng ông như tắm. Lạc nhổ vào chất kín cả một gian bếp lợp gianh, ông lại kiên trì ngồi nhặt từng củ một. Mẹ tôi có tranh thủ sang giúp ông nhặt được vài buổi tối lại phải về soạn giáo án. Tôi quanh quẩn bên ông nhưng vẫn ra điều giận. Lạc sắp nhặt xong thì trời đổ mưa to, mặc kệ mưa dột mái gianh, ông vẫn cố bứt từng củ một ra khỏi thân dai nhăng nhẳng. Một buổi chiều, trời vừa tạnh, ông gọi người tới, bán tươi gần tạ lạc. Cầm nắm tiền trong bàn tay gầy guộc, lấm bẩn, ông nhìn tôi bằng đôi mắt đỏ kè nhưng vui vẻ: “Ông nhờ người mua vé rồi, sáng mai tàu chạy. Đây, ông cho con mấy đồng thỉnh thoảng mua kẹo dừa”. Dúi tiền vào tay tôi, ông ra giếng múc mấy gàu nước liền, dội ào ào như chưa bao giờ được tắm. Tôi sực nhớ ra có lẽ phải mấy hôm rồi mải mê với đống lạc, rời tay ra là ông ăn uống qua loa rồi đặt lưng xuống giường ngủ li bì, có thiết gì tắm rửa.
Sáng hôm sau, khi tôi thức dậy, trời mưa nổi bong bóng cả mặt sân. Mẹ đứng nhìn mưa, xuýt xoa “May mà ông Tứ đi lúc trời chưa nổi mưa. Ông đi giường nằm xịn nhé. Ông bảo tạnh mưa con sang bế con miu về chăm cho ông”. Mưa mãi, mưa hoài. Mưa to đến mức tôi phải nghỉ học. Hai mẹ con đang ôm nhau ngủ ấm thì cha tôi ào về. Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì đến tối người ta đưa ông về.
Ông Tứ nằm đó, trên chiếc giường cũ kỹ, như thể đang say ngủ. Họ hàng ùa vào khóc râm ran vừa kể lể chuyện ông cảm thương hàn mất đột ngột trên tàu, mãi mới được phát hiện. Tôi chỉ được nhìn ông một lúc rồi bị bà ngoại cắp về nhà. Con miu đói chạy theo tôi, kêu yếu ớt như tiếng khóc, rồi vừa quay ngược lại, vừa ngoái nhìn tôi như chờ đợi. Tôi tụt xuống, chạy theo nó vào bếp. Một tiếng vỡ vụn, tôi sững sờ, rón rén lại gần, con miu vừa làm đổ vung, đang cào cào chiếc nồi đất, bên trong đầy ắp lạc rang muối, món mà tôi vẫn hằng yêu thích.
Tôi ngồi thụp xuống nền đất, khóc hu hu. Trời vẫn mưa mãi không thôi. Mãi về sau, mỗi năm tôi chỉ ăn lạc rang muối một lần duy nhất là vào dịp giỗ ông Tứ. Mâm cỗ toàn của ngon vật lạ nhưng không bao giờ thiếu món lạc rang muối. Và chỉ mình tôi nhấm nháp những hạt lạc bùi bẫm với nỗi nghẹn ngào không ai hiểu thấu.
MỘC ANH