.
Tản văn

Tiếng chim bên nhà

.

Nhà xưa thường có cây cau góc sân, hay ngay bên hiên nhà. Buổi sớm, chim rinh rích chuyền cành, hót líu lo. Hót từ lúc sáng sớm cho đến khi mặt trời chiếu vào những tàu cau, màu vàng nhạt của nắng chan vào sắc xanh của cây. Bức tranh buổi sớm có thêm một “nhân vật” nữa, đủ để buổi bình minh thêm tươi đẹp.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Giờ quê tôi vẫn còn nhiều ngôi nhà có cây cau như thế, thậm chí có cả một khoảnh vườn để… đón tiếng chim. Cuộc sống tuy thay đổi, nhưng cha tôi vẫn giữ cái nếp xưa, giữ tài sản là tiếng chim như giữ bầu sữa trong tâm hồn, như mạch nguồn tươi trẻ. Vườn không quá lớn nhưng có ổi, có xoài, có nhãn, lại có cả cây khế ngọt sai trĩu quả. Đất lành thì chim đậu, người hiền chim quý mến. Những tiếng chim lảnh lót đã cho cuộc sống của gia đình tôi giàu thêm, đến nỗi cha bảo đi bất cứ nơi đâu cũng không bằng nhà mình, có ai trả tiền tỷ để đổi lấy những tiếng chim này, cha cũng không chịu. Cũng bởi cha tôi biết thế nào là đủ, thế nào là sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người. Cha cũng yêu tiếng cựa nhẹ của chân chim chuyền cành thoăn thoắt, yêu màu lông của những chú chim sâu, yêu tấm thân có vẻ kiêu kỳ của chú chào mào. Và thật kỳ lạ, chẳng cần phải nuôi nhốt chim trong lồng như một số người, chỉ cần giữ cho một không gian thật sự thanh khiết, một sự ứng xử dịu dàng, thì cha đã có cả kho tiếng chim, mà dường như lúc nào đứng ngắm cây cảnh, tỉa cành, những chú chim cũng tặng cha bản nhạc, giọng hát của chúng.

“Lặng mà nghe tiếng chim hót bên đời/ Tha thiết quá, từng cuống hoa động cựa/ Quanh hiên nhà những âm thanh lộng lẫy/ Tưởng là em ghé đến cất hoan ca”. Trong một lần xúc động, cha đã buột miệng thốt ra những câu thơ đó, như từ thời trai trẻ, từ tiềm thức của cha vọng về. Như thể từ thời trai, cha đã si mê tiếng chim và chưng cất tình yêu ấy thành cả một triết lý sống, để đến giờ, bên những ván cờ trong vườn cùng bạn bè, dưới tiếng chim cổ vũ, cha thấy mình thanh thản. Bạn của cha cũng có nhiều người yêu chim, yêu tiếng nó hót, yêu bầu trời xanh là thế giới để chim bay, nhưng không có được sự trọn vẹn và tận tụy như cha. Họ không thể phân biệt được những thanh điệu trong hàng chục “giọng ca” trong vườn. Cha thì có, đến nỗi chú chim nào đứng hót ở độ cao chừng bao nhiêu, là chim gì, chỉ cần nghe tiếng là ông đã biết.

Năm nay, một sự kiện lạ lùng chưa từng có trong khu vườn. Cha đã loan báo cho rất nhiều người về điều đó. Đó là vào một buổi sáng đầu hè, cả một giàn tiếng chim đã nổi lên trong khu vườn cha. Như có một vị chỉ huy trong số đó, đã bắt nhịp cho tất cả chục loài cùng hót, một bản nhạc ngẫu hứng nào đó. Cha đã đắm chìm trong suốt một ngày hôm đó, đến nỗi sung sướng quá nên cứ như người mất hồn.

Tôi sinh ra trong màu rơm rạ, những lọn khói đồng, lớn lên trên lưng trâu, những buổi chiều thả diều trên đồng quê và gác lên gió khát vọng. Tôi thừa hưởng từ cha, yêu tiếng chim hót và ngay trong thời ấu thơ đã được cha dạy cho tình yêu các con vật, trong đó có những chú chim trời. Từ tình yêu bố, yêu những chú chim hót bên góc vườn nhà mình, tôi đã yêu những chú chim khác, ngoài bờ tre, trên những ngọn cây cao đầu làng hay lũy tre lối cánh đồng. Cha rồi cũng sẽ già, tôi sẽ trưởng thành rồi cũng sẽ già. Ai có thể nói trước được, tiếng chim trong vườn của cha là bất biến?

Từ hàng chục năm qua, những chú chim, giọng hót của chúng, linh hồn của chúng đã hiện diện ở đó. Chúng hiện diện trong đời cha và thắp niềm vui cho cả nhà. Như chưa từng có sự già nua nào trong giọng hót chúng. Có nghĩa là chúng đã sinh sôi, đã thế hệ này tiếp nối thế hệ khác để làm nên một ngôi vườn nhỏ mà đẹp như cổ tích. Đam mê và khát vọng của con người là vô biên, chỉ tiếc cuộc đời lại hữu hạn, và những chuyện sau này xảy ra thế nào không ai nói được trước. Nhưng có một điều, tiếng chim sẽ mãi mãi được lưu giữ trong tâm khảm những thành viên của gia đình tôi, như thể đó là miền ký ức, đó là thứ tài sản tinh thần kỳ diệu nhất.

NGUYỄN VĂN HỌC

(Báo Nhân dân Cuối tuần)

;
.
.
.
.
.