.
TRUYỆN NGẮN

Bến chuyển

.

Một tin nhắn lạ trong máy M. “Anh rảnh không? Sáng mai xuống X. chơi! Em đãi anh cà-phê. Nếu xuống thì gọi cho em nhé! Em ở bệnh viện X...”. Bệnh viện X.? M. bần thần. Chuyện quái gì thế nhỉ? Anh quay ra tìm tờ lịch. Hôm nay Rằm mười bốn Tết. Đầu năm đầu tháng! Thế thì có điềm rồi! Phải đi thôi.

Trên đường đi M. nghĩ, đời mình sợ nhất bệnh viện. Vậy mà bệnh viện cứ bắt đầu những điềm báo. Và đó cũng là nơi báo tin  của K.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tết nay là Tết đầu tiên anh không gặp K. Mà cũng có thể là Tết mãi mãi. Nếu không nói muốn gặp chỉ có thể là bệnh viện X. M. đang tới X. Cuộc hẹn liệu có thực không? Và anh sẽ gặp ai? K. hay X.?

K. là ông anh M. rất quý. Một nhân viên tận tụy, ba lăng nhăng và nhiều sám hối. K. không khác bất cứ ai sống cuộc đời công chức trên xứ sở này! Một nỗi buồn lớn và luôn tìm cách quên nó đi bằng chính những nỗi buồn nho nhỏ khác!

K. có nỗi niềm riêng. Cuộc đời không được như ý anh. Do vậy anh sợ nhất là nỗi cô đơn khi nhìn vào sự thật của chính lòng mình. Anh thấy nó hoang phế, sụp đổ tất cả. Hai từ K. nói nhiều, giễu cợt trước khi chết trong những email hay những bài viết phiên phiến gửi cho M. và bạn bè là “Chờ đấy!”, “Đợi đấy!”...

Nhưng chờ cái gì và đợi cái gì thì hình như chính K. cũng không biết và cũng chưa bao giờ nói rõ.

Và cuộc chờ đợi cho một điều gì đấy cũng đã diễn ra. Gần sáu mươi, K. quyết định làm cuộc chuyển từ tỉnh lẻ vào Sài Gòn. Tin này làm náo động bạn bè. Vào cái tuổi người ta bắt đầu muốn thu vén cho gọn lại thì K. tháo bung ra. K. muốn thay đổi. Nhịp sống tỉnh lẻ bỗng một sớm ngủ dậy K. thấy chật chội. Ôi, nó đã ngốn của anh biết bao nhiêu ngày tháng tươi đẹp. K. thấy dường như mình chưa sống được gì! Mà chỉ trôi đi! Hãy thay đổi nếu vẫn còn chưa quá muộn! K. quyết định nhập cuộc Sài Gòn với mái tóc điểm sương.

Và M. chưa thấy người anh nào trẻ trung, quyết liệt yêu cuộc sống như thế! K. mải mê, gọi điện thoại cho bạn bè từ mỗi sáng sớm để rủ cà-phê. Trông anh như chạy đua riết róng với thời gian. Anh xếp đặt và bàn đủ chuyện. M. nhớ lại thấy chuyện nào, dự định nào của K. cũng vui, cũng tìm cách tiếp cận với đời sống, có ích cho mình và anh em.  

K. non tơ với những suy nghĩ rình mò, chụp bắt từng cơ hội như tuổi hai mươi. Bất chấp sự thật trái tim nhịp đập đã thoáng chùng mệt mỏi. K. biết rõ điều đó. Nhưng anh tự trấn an vượt lên. Đi tiếp. Che giấu nỗi buồn bằng vẻ mặt vui tươi khỏe mạnh và những câu đùa tuế tóa. K. muốn tìm mua một căn nhà. An cư lập nghiệp. Bằng mọi cách phải trở thành người Sài Gòn xóa sạch những nhịp bôn ba.

Và K. thường gọi M. vào buổi trưa để cùng đi xem nhà. Khó có thể kể nhớ hai anh em đã đi xem biết bao căn nhà. Và đó cũng là lần đầu tiên M. biết được bao chuyện từ nhà đến hẻm, từ ngách cụt đến giao lộ. Bao nếp ăn ở của người Sài Gòn. Để M. nhận ra một điều những ngôi nhà không phải chỉ để ở mà còn lưu giữ rất nhiều tập tục, dòng họ, huyền bí. Có cái nhà bước vào chợt thấy tươi mát, muốn nằm ngủ ngay một giấc. Có căn lại quá đỗi âm u. Có căn gác vừa bước lên đã thoáng lạnh. Nghe sóng lưng chạy dài cảm giác tức tưởi, nguyền rủa ở đâu đó. Ngày xưa một đời nhà mấy đời người. Ngày nay một đời người mấy đời nhà

Một buổi trưa K. háo hức gọi cho M. nói đã tìm được một căn nhà đúng như ý. “Nó nằm gần trung tâm. - K. nói. - Những chương trình sự kiện, giao lưu văn hóa vẫn thường diễn ra ban đêm. Ở Sài Gòn mà không sống được về đêm thì thật là uổng phí! Anh vừa thấy rao trên báo sáng nay. Chỉ mấy bước là ra tới nhà hát thành phố. Mình phải đến xem ngay không sẽ lỡ cơ hội!...”. M. chạy xe đến. Hai anh em vù đi. Đó là một căn nhà nằm sâu trong con hẻm nhỏ khu Đa Kao. Trên báo ghi số nhà đàng hoàng là vậy mà tìm mãi không ra. Vòng vèo qua năm bảy cái ngách hỏi thăm. Cuối cùng bà bán thuốc chỉ sâu hút vào trong. Hai anh em băng qua một xóm lao động nghèo. Thấp thoáng bóng những con nghiện vật vờ, những ánh mắt soi mói liếc ngang, liếc dọc thật lạnh gáy. Thì ra ở ngay trung tâm vẫn cò một đời sống ngoài biên. Đó là ngôi nhà thờ của  gia đình người Tiều cũ bao năm tháng để xiêu vẹo, hoang phế. Những đứa con đang tìm cách bán đi. Hai anh em bước đi lạc giữa những tấm ảnh thờ mốc thếch, lạnh lẽo. Những cái áo cổ cứng, tóc thẳng nếp, nụ cười lành lạnh nhợt nhạt muôn năm cũ. Như hiển hiện nơi đây một thế giới âm hồn. Không ánh sáng. Không sức sống. K. khẽ bấm vào lưng M. bùi ngùi: - “Chắc không cần phải trở lại căn nhà này nữa! Đi thôi em ơi!...”.

X. hẹn anh ở quán cà-phê Nguồn Cội. M. đi lòng vòng hóa lạc. Cuối cùng phải điện thoại thêm mấy lượt hai người mới gặp nhau. Thì ra là một cô gái trẻ, xinh xắn. Làm phòng hành chánh cho bệnh viện X. Cô tên X. lại làm ở bệnh viện X.

- Em thích đọc những chuyện nho nhỏ của anh! - X. nói. - Ngỡ vui nhưng lại rất sâu xa. Luôn có một cái gì đó ẩn sâu, thôi thúc làm người đọc tò mò phải xem cho hết… Phải công nhận sức tưởng tượng của những nhà văn giỏi thiệt...

- Em nghĩ thế giới của nhà văn chỉ là tưởng tượng thôi sao? - M. nói. - Chưa hẳn đâu nhé! - Đôi khi tất cả là những hình ảnh của sự thật đã sống qua. Nhà văn tìm cách hóa thân trở lại bằng ngòi bút để câu chuyện tiếp tục bằng  hình thức khác...

- Vậy hả anh? - X. ngạc nhiên - Em tưởng nhà văn chỉ viết những câu chuyện của sự tưởng tượng. Nếu tất cả buộc phải sống qua mới thành chất liệu viết thì một nhà văn chỉ có một cuộc đời làm sao đi hết? Với nữa, em thấy đời sống bình thường có gì để viết? Để tránh nhạt nhẽo nhà văn phải nhân cách hóa, hư cấu lên.... - X. nói. - Vì thế một truyện ngắn có nhiều cuộc đời cộng lại...

- Đúng thế em! - M. nói. - Dù có cộng lại nhiều cuộc đời thì mỗi người vẫn sẽ tìm thấy những mảnh vỡ của chính mình. Như anh và em gặp nhau chúng ta là hai mảnh vỡ, hai tâm trạng - M. đùa. - Và anh đang đi tìm gương mặt của nhân vật tâm trạng thứ ba...

- Em sẽ trở thành nhân vật trong tác phẩm của anh ư? Thú vị quá! - X. cười, đôi má hồng lên: - Nhưng nếu vậy xem chừng truyện ngắn sẽ rất nhạt nhẽo! Vì em thấy cho đến lúc này X. có đột biến gì đâu... Này nhé, tên X., làm bệnh viện X., cuộc đời vô chừng với nhiều ẩn số X. cộng lại... Chẳng ai buồn giải mã những X. tầm thường bé mọn, tạp nham ấy...

- Chẳng tầm thường tí nào - M. đột ngột cắt ngang. Anh chớm nghĩ đây sẽ là điểm mạnh của truyện ngắn mình sẽ viết nếu mở được nút thắt này. - Em biết không? Cứ cho X. là sự tổng hợp những điều bình thường. Nhưng nếu thử mở một trong những hằng số X. đi đến tận cùng những chiều sâu, cung bậc của nó sợ không thể khám phá hết... - M. im lặng một lúc nhìn X. - Em làm phòng hành chánh bệnh viện đúng không? Thế em có nhớ cách đây độ nửa năm có một người đàn ông bị đột tử trên đường đi công tác đưa vào đây lúc nửa đêm không?

- Ồ - X. nhíu mày. Cô đang cố hình dung về một sự việc nhưng đã thất vọng: - Chịu, em không thể nhớ nổi anh à! - Và X. nói: - Nhưng nếu muốn tìm thì trong biên bản giấy tờ xét nghiệm vẫn còn đầy đủ đấy anh...

- Không cần tìm đâu em! Bởi đó cũng là một trong những lý do hôm nay anh lên đây!

Những chuyện như vậy rất thương tâm nhưng  với một bệnh viện vẫn xảy ra thường anh ơi!  - Rồi đột nhiên X. mớ to hai mắt lo lắng. - Nhưng người đàn ông đó thì có liên quan gì đến việc hai anh em mình gặp nhau? Anh đừng làm em sợ nhé!...

M. ngần ngừ. Không biết có nên kể câu chuyện cho X. nghe hay không?  Sau những đắn đo, anh quyết định kể tất cả.

Một đêm khuya khoắt, M. nhận được tin K. đã đột ngột qua đời trên đường đi công tác. Lúc K. vẫn còn ngồi trên xe. Và xác của K. được đưa vào quàn ở nhà Đại thể ở một chốn xa thành phố là bệnh viện X. ở tỉnh lẻ u buồn này. Khi kiểm tra túi K. gia đình đã tìm thấy cái giấy chứng minh nhân dân mới K. chính thức là công dân Sài Gòn. Địa chỉ cư trú cũng là số một ngôi nhà K. vừa mua chuyển về ở chưa được bao lâu. Tất cả vẫn còn mới nguyên.

Có lẽ K. không bao giờ hình dung được nơi chốn cuối cùng trước khi anh rời bỏ cõi trần tuyệt đẹp này là bệnh viện X. Chẳng có một liên hệ đặc biệt nào với nó. Với K. tuy liên tục làm những cuộc chuyển dời khi đã bước vào tuổi trung niên luôn vì một niềm tin vào cuộc sống đẹp và có ích hơn. Vậy hóa ra cuộc đời vẫn cất giấu trong lòng nó những bí mật hay sao mà ngày thường chúng ta không thể nhìn thấy được. Để thấy cuộc sống luôn tràn đầy những bất ngờ. Và từ bệnh viện xa xôi này K. theo nguyện vọng gia đình K. lại được  lên đường trở về quê hương. Nơi anh đã sinh ra và lớn lên. M. chưa bao giờ đến thắp hương trên mộ K. Anh chỉ tiễn K. một đoạn đường ngắn từ bệnh viện X.

Để trong ngày đầu năm mới, M. bỗng nhận được tin nhắn hẹn gặp của một người chưa biết mặt trên mạng xã hội. Ba chữ “bệnh viện X” đó làm trái tim anh động khi nhớ về K. Những kỷ niệm rạt rào như mới xảy ra ngày hôm qua. Kẻ ra đi vẫn còn tiếc nuối trần gian đến thế sao? Cũng có thể có và cũng có thể không. Cuộc đời vẫn đầy những bất ngờ mật khải. Và đó mới chính là điều bí ẩn, kỳ diệu của lẽ sống! Vẫn còn nhớ đến nhau trong ngày mai. Tuy cuộc đời trong mắt tha nhân chỉ là quán trọ và với K. bệnh viện X. là bến chuyển nhưng vẫn còn duyên nợ. Giờ cuối lạc nhau trên bến ấy và tri âm vẫn còn thức gọi hay sao?...

Câu chuyện của M. làm X. xúc động. Nước mắt tràn trên mi cô gái. Cả hai quyết định chuẩn bị một số lễ vật đồ cúng và vào nhà Đại thể. Buổi trưa đứng nắng. M. loay hoay sửa soạn thắp hương. Thầm thì khẽ khấn vong hồn K. Thân xác đã về với đất nhưng hình như vẫn còn vương vấn lắm với trần thế nhiều nhọc nhằn và tươi đẹp này. Có thể nói, không có cõi nào đẹp hơn với những năm tháng tình bạn sống qua. Và những kỷ niệm lao xao sóng triều vỗ nhớ…

- “Anh K.! Nếu thực anh linh ứng báo điều gì đó hay em nhớ anh thì chỉ có thể gặp nhau ở bệnh viện X. này thôi! Bởi anh đã về quê nhà rất xa xôi không biết có dịp nào trong đời em được ghé qua thắp nhang cho anh!... Anh đi rồi trần gian vẫn thế! Đẹp, nhọc nhằn và mê mỏi. Từng khoảnh khắc hiện hữu vui buồn xa và gần của nó! Mọi người vẫn nhớ anh, thương tiếc anh! Em biết anh là người rất yêu cuộc sống! Luôn hết mình vượt lên để sống có ích. Rất tiếc thời gian của mỗi người những đáp số bí ẩn. Nhưng cho dù sống đến bao nhiêu tuổi vẫn là hữu hạn. Anh cũng đã cháy hết mình… Sống khôn thác thiêng, xin anh hãy phù hộ những điều may mắn tốt lành cho những người thân và anh em…  Mong anh hãy thực sự yên nghỉ!...”.

Ai trong cuộc đời không một lần chuyển bến. Ở giữa một bệnh viện xa xôi, heo hút hay chốn thị tứ ồn ào đông đảo thì vẫn xanh ngát những tiếng gọi thân yêu rì rào bất tận.

M. chia tay X. Anh loay hoay, vụng về không biết nói gì. Vì cuộc gặp gỡ quá sức bất ngờ và đặc biệt.

- Rất cảm ơn em vì một tin nhắn để anh có dịp tìm về với một kỷ niệm xưa...

- Em cám ơn anh mới phải! - X. nói. - Bởi qua câu chuyện này, em mới thấy tình bạn giữa các anh đẹp! Và cuộc đời có nhiều ý nghĩa quá...

- Anh hỏi thật! Có bao giờ em nghĩ đã có một điều gì đó thiêng liêng tình cờ gửi gắm vào cuộc gặp gỡ hai chúng ta?

X. im lặng. Một nỗi niềm trầm tư trong ánh mắt cô.

- Em cũng không chắc! Mơ hồ. Rất mơ hồ. Nhưng cuộc sống chứng thực đã có những điều kỳ diệu! Như em đâu biết lần đầu gặp nhau đã có một ngọn sóng ở giữa vỗ vào câu chuyện này. Kết nối lại rất thông suốt những điều liên quan! Điều đó tốt thôi anh! Những bí ẩn tươi mát của đời sống...

- Đúng vậy em! Làm sao hiểu hết những bờ của ngọn sóng? Thủy triều lên xuống rạt rào... Cuộc sống vì ngắn ngủi nên thiết tha và đẹp! Em thấy không? - M. nói. - Mỗi ngày là một trạm dừng thoáng chốc! Anh mong sẽ gặp lại em!...

Họ chia tay nhau trên một bến chuyển. Và chỉ một bến chuyển mà thôi!...

Biên Hòa, 3-2013

NGUYỄN HỮU HỒNG MINH

;
.
.
.
.
.