Dù theo Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân, Nguyễn Nhược Pháp ngoài thơ có viết nhiều truyện ngắn và kịch, nhưng, chỉ với 10 bài trong tập tập thơ Ngày xưa (1935) đủ khiến Nguyễn Nhược Pháp có vị trí xứng đáng trong làng Thơ mới.
Chân dung nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp và tập thơ Ngày xưa do Cảo Thơm ấn hành năm 1966. |
Nguyễn Nhược Pháp là con trai thứ của học giả, dịch giả văn học, nhà báo lừng danh Nguyễn Văn Vĩnh và là em của nhà thơ Nguyễn Giang. Ông sinh năm 1914 tại Hà Nội, mất năm 1938, hưởng dương 24 tuổi. Ông làm thơ từ năm 18 tuổi. Tác phẩm đã đăng trên các báo L’Annam nouveau, Tinh hoa, Đông Dương tạp chí, Nhật Tân, Hà Nội báo…
Ngày xưa là thi phẩm đầu tay của Nguyễn Nhược Pháp. Bản sách in lần đầu do Nguyễn Dương xuất bản tại Hà Nội năm 1935. Về sau in lại nhiều lần, nhưng bản in của Nhà sách Cảo Thơm (Sài Gòn, 1966), do họa sĩ Thái Tuấn vẽ minh họa, được nhiều người ưa chuông nhất.
Tác phẩm thứ hai và là tác phẩm cuối cùng của Nguyễn Nhược Pháp có tên Người học vẽ (kịch), do nhà in Trung Bắc Tân Văn xuất bản tại Hà Nội năm 1936. Đây là hài kịch ba hồi, trước kia đã đăng tải trên Hà Nội báo. Ngoài ra, trên bìa sau thi phẩm Ngày xưa, người đọc còn thấy lời rao xuất bản tập thơ Ngày xanh nhưng hiện chưa ai biết số phận tập thơ này ra sao.
Thời xưa đã biết cười
Với tác phẩm Ngày xưa, ngay sau 3 năm ngày mất của Nguyễn Nhược Pháp, Hoài Thanh viết: “Thơ in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp. Không mến sao được? Với đôi ba nét đơn sơ, Nguyễn Nhược Pháp đã làm sống lại cả một thời xưa. Không phải cái thời xưa nặng nề của nhà sử học, cũng không phải cái thời xưa tráng lệ hay mơ màng của Huy Thông, mà là một thời xưa gồm những sắc màu tươi vui, những hình dáng ngộ nghĩnh. Thời xưa ở đây đã mất hết cái vẻ rầu rỉ cố hữu và đã biết cười, cái cười của những “thắt lưng dài đỏ hoe”, những đôi “dép cong” nho nhỏ…”.
Nhà phê bình Tự Trị, người cùng thời Nguyễn Nhược Pháp cũng cho rằng: “Tôi chắc là Nguyễn Nhược Pháp vừa viết thơ vừa tủm tỉm cười. Tôi chắc ông Giang đọc thơ em cũng tủm tỉm cười. Những bác thợ xếp chữ ở nhà in cũng đã cười, và ai đọc đến cũng sẽ cười…”.
Thật vậy, có thể xuyên suốt 10 bài thơ của thi phẩm Ngày xưa, Nguyễn Nhược Pháp đã thể hiện những bức tranh hoài cổ, thơ mộng, nhưng đầy tươi sáng, bởi tứ thơ thông minh, với những vần điệu vui tươi, dí dỏm. Đặc biệt, nơi đây, mỗi bài thơ có thể được xem là một câu chuyện nhỏ, mà tác giả thường dùng chữ “xưa” để làm nền dẫn dắt người đọc bước vào một quá khứ mờ ảo, lung linh: Ngày xưa, khi rừng mây u ám/ Sông núi còn vang um tiếng thần (Sơn Tinh, Thủy Tinh), Ta ngồi bên tảng đá/ Mơ lều chiếu ngày xưa (Tay ngà), Tưởng lại cờ xưa vàng chói lọi/ Nên yêu người cũ hồn trên cao (Đi cống), Người xưa mơ nhìn mây/ Đen, đỏ, vàng đua bay (Mây)...
Theo một số nhà lý luận, cái “ngày xưa” trong thơ Nguyễn Nhược Pháp chính là cái “hiện tại” của tác giả mà thôi. Thế nhưng, nếu nhìn lại cách sắp xếp thứ tự trước sau của 10 bài thơ, chúng ta dễ dàng nhận ra có sự cố ý mang tính biên niên sử. Cụ thể: Sơn Tinh, Thủy Tinh, đến Mỵ Châu, Giếng Trọng Thủy… rồi cuối cùng mới đến Mây, Chùa Hương. Trong số đó, hai bài được nhiều người nhắc nhớ hơn cả là Sơn Tinh, Thủy Tinh và Chùa Hương. Cả hai bài đều là thơ kể chuyện và đều rất dài (bài Sơn Tinh, Thủy Tinh dài 124 câu; bài Chùa Hương dài 136 câu).
“Tính cách Việt Nam rõ rệt”
Tích truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh theo tóm tắt của nhà sử học Trần Trọng Kim: “Tục truyền rằng vua Hùng Vương thứ 18 có người con gái tên là Mỵ Nương nhan sắc tuyệt trần. Sơn Tinh và Thủy Tinh đều muốn hỏi làm vợ. Hùng Vương hẹn rằng ngày hôm sau ai đem đồ lễ đến trước thì gả cho người ấy. Ngày hôm sau Sơn Tinh đến trước lấy được Mỵ Nương đem về núi Tản Viên (tức là núi Ba Vì ở tỉnh Sơn Tây). Thủy Tinh đến sau, thấy Sơn Tinh lấy mất Mỵ Nương, tức giận vô cùng, mới làm ra mưa to gió lớn, rồi dâng nước lên đánh Sơn Tinh. Sơn Tinh ở trên núi không việc gì, hễ nước lên cao bao nhiêu thì Sơn Tinh làm núi cao lên bấy nhiêu. Sơn Tinh lại dùng sấm sét đánh xuống. Thủy Tinh phải rút nước chạy về. Từ đó, Sơn Tinh và Thủy Tinh thù nhau, mỗi năm đánh nhau một lần, dân gian thật là cực khổ”. Vẫn bám sát theo cốt truyện ấy, nhưng Nguyễn Nhược Pháp đã thể hiện bằng nhiều liên tưởng đẹp, khiến câu chuyện trở nên sinh động và duyên dáng lạ thường. Mỵ Nương thuở huyền sử được tác giả viết một cách hồn nhiên: Mê nàng, bao nhiêu người làm thơ. Thú vị hơn nữa, vị Vua Hùng mà Nguyễn Nhược Pháp xây dựng nơi đây thật đáng yêu và gần gũi với cuộc sống đương đại:
Hai thần bên cửa thành thi lễ
Hùng Vương âu yếm nhìn con
yêu
Nhưng có một nàng mà hai rể
Vua cho như thế cũng hơi nhiều!
Độc đáo hơn nữa là ở đoạn kết bài thơ này:
Mỵ Nương kinh hãi ngồi trong
kiệu
Bỗng chợt nàng kêu mắt lệ nhòa
(Giọng kiêu hay buồn không ai
hiểu
Nhưng thật dễ thương): “Ô! Vì
ta!”.
Thủy Tinh năm năm dâng nước
bể
Đục núi hò reo đòi Mỵ Nương
Trần gian đâu có người dai thế
Cũng bởi thần yêu nên khác
thường!
Còn với bài thơ Chùa Hương, dưới nhan đề tác phẩm, tác giả ghi dòng chữ: Thiên ký sự của một cô bé ngày xưa. Có nghĩa là trọng tâm cảm hứng của cả tập thơ rõ ràng được đặt ở thời đã qua, chứ không phải đặt vào cái “ở đây”, “bây giờ”.
Tuy nhiên, theo tài liệu của nhà thơ Nguyễn Vỹ (Phổ thông số 20, ngày 1-10-1959), vào Hội chùa Hương năm 1934, ông Nguyễn Nhược Pháp và hai người bạn nữ sinh Hà thành đi trẩy hội. Đến rừng mơ, hai thi nhân gặp một bà mẹ cùng cô gái độ tuổi trăng tròn vừa bước lên những bậc đá vừa niệm Phật “Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Đại Từ Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát”. Vẻ đẹp chân quê và khuôn mặt thánh thiện của cô gái đã hớp hồn hai chàng thi sĩ khiến họ say mê ngắm nhìn mà quên hai cô bạn gái cùng đi.
Đêm đó, Nguyễn Nhược Pháp trằn trọc không nguôi. Hình ảnh cô gái chân quê đi chùa Hương khiến chàng trai xúc động viết lên những vần thơ có sắc màu rực rỡ, hình ảnh tươi vui, tất cả cảnh tượng sống động của mùa trẩy hội chùa Hương ngày xưa hiện lên trên từng câu, từng chữ:
Hôm nay đi chùa Hương,
Hoa cỏ mờ hơi sương
Cùng thầy me em dậy,
Em vấn đầu soi gương.
Khăn nhỏ, đuôi gà cao;
Em đeo dải yếm đào;
Quần lĩnh, áo the mới;
Tay cầm nón quai thao...
Bên cạnh Chùa Hương, người đọc còn gặp yếu tố tự sự ở một bài khác: Một buổi chiều xuân, hoặc bài Đi cống cũng được vận dụng thủ pháp này ít nhiều.
Hoài Thanh trong bài viết Một thời đại trong thi ca đã xếp Nguyễn Nhược Pháp vào dòng “có tính cách Việt Nam rõ rệt”. Bởi, chỉ với tập thơ mỏng Ngày xưa, bằng một nét riêng, độc sáng đã phác họa cả bức tranh không chỉ là huyền thoại, mà còn mang đậm hơi thở phong tục cùng những nét văn hóa tâm linh và trí thức của hàng ngàn năm văn hiến, mà dường như chưa có tác giả nào làm được. Vì vậy, nhìn lại giai đoạn văn học sử 1930-1945, thật khó thể hình dung, nếu thiếu đi Ngày xưa thì Thơ mới sẽ để lộ ra một khoảng trống buồn tẻ biết bao!
TRẦN TRUNG SÁNG