Xem - Nghe - Đọc

Tháng tư về với người "tri kỷ vụn"

14:06, 07/04/2014 (GMT+7)

“Tháng Tư về, gió hát mùa hè/ Có những chân trời xanh thế/ Mây xa vời, nắng xa vời/ Con sông xa lững lờ trôi”… Ca khúc đó vang lên mỗi độ tháng tư về khiến tôi bỗng nhớ tới người viết ra những giai điệu ấy: nhạc sĩ Dương Thụ.

Nhiều người gọi Dương Thụ là nhạc sĩ của tình yêu.
Nhiều người gọi Dương Thụ là nhạc sĩ của tình yêu.

Người ta bảo nhạc sĩ Dương Thụ đào hoa. Lại có người bảo đường tình của ông trắc trở, dù ông có giọng nói ngọt ngào, thầm thì và nói chung là... “nguy hiểm”. Bạn thân thì bảo, Dương Thụ khó tính lắm. Tôi chả biết những điều ấy có đúng thật không. Nhưng có một điều tôi biết, vợ ông là một nhà báo còn trẻ, chiều được hết những tính khí ấy của chồng. Và nếu Lê Hoàng là người viết báo nhiều nhất trong giới đạo diễn thì vị trí này trong giới nhạc sĩ, có lẽ Dương Thụ “ẵm” gọn.

Viết sách không phải để thành… nhà văn

Nói điều ấy là bởi mấy năm gần đây thấy nhạc sĩ Dương Thụ ít công bố những ca khúc mới. Nhưng bù lại, có dạo tuần nào mở báo ra cũng thấy bài viết của ông. Hoặc không có bài thì ông xuất hiện trả lời phỏng vấn, rồi giao lưu trực tuyến. Và nếu Lê Hoàng có dăm ba đầu sách thì cộng gộp lại số trang cũng chỉ hơn cuốn Cà phê... mưa của Dương Thụ tí chút.

Không ra sách lắt nhắt, mỗi cuốn mỏng dính mà đã làm sách là phải dày. Cà phê... mưa của Dương Thụ dày tới hơn 700 trang, không những thế, còn in khổ to đùng. Cầm cuốn sách của ông, nặng trịch. Như một cục gạch. Nhưng đọc thì thú vô cùng, gom được vô khối chuyện trong giới văn nghệ. “Con đường” đến với viết lách, Dương Thụ bảo, cũng tình cờ lắm. “Trong những lúc tri kỷ vụn với bạn bè thỉnh thoảng cũng kể được những chuyện gì đó, nói ra được điều gì đó mà họ cho là thú vị. Thế là đám bạn làm báo đặt viết bài và tôi cũng thử viết”, ông kể.

Cứ viết “trả nợ” như thế, sau thấy nhuận bút cũng kha khá, đâm ham. Bây giờ, sau vài chục năm, những bài viết rời ấy đã thành một cuốn sách dày, được tái bản vài lần. Ở đó, độc giả không chỉ được đọc những bài tản văn, ký sự rất thâm trầm, sâu sắc của vị nhạc sĩ quê gốc ở Vân Đình về Hà Nội và những làng quê xứ Bắc mà còn có dịp chiêm ngưỡng những bản nhạc viết tay của tác giả. Không chỉ ngắm bút tích mà còn có tương đối đủ các cuộc phỏng vấn mà Dương Thụ là nhân vật chính. Dương Thụ có thói quen trả lời phỏng vấn qua văn bản. “Giấy trắng mực đen” để tránh những “tai nạn chữ”.

Vài trăm trang sách là những cuộc chuyện trò, vậy nhưng Dương Thụ vẫn tâm sự rất thật là đọc lại ông vẫn thấy mình còn vô khối chuyện chưa kể. Chuyện gì thì chỉ Dương Thụ biết, và ông hứa khi nào… không làm nhạc nữa sẽ ngồi viết sách. Dương Thụ sẽ nhảy qua làm… nhà văn? Ồ không, đó không phải là âm mưu của ông. Dù bạn bè văn chương của ông rất nhiều, ông quen Hoàng Cầm, Trần Dần, Dương Tường, Lê Đạt… “Viết không phải để làm nhà văn mà để gần hơn với mọi người bằng những điều mình đã sống qua, đã hiểu, đã yêu, đã buồn bã và đau khổ”, Dương Thụ tâm sự.

Dáng người vạm vỡ, cao 1,80m, ưa mặc quần soóc, Dương Thụ đi bộ cứ thoăn thoắt. Bữa đó đi cùng ông trên một chuyến tàu cao tốc từ Vũng Tàu về thành phố Hồ Chí Minh. Tàu vừa cập bến, thoáng cái đã thấy bóng ông mất hút giữa một rừng người lô nhô. Dáng ấy, nếu không đeo đôi kính cận thì nhác trông Dương Thụ có vẻ giống một người làm việc tay chân hơn là một nhạc sĩ với các bài tình ca say đắm, trong sáng mà không quá khắc khoải đớn đau.

Âm nhạc nhiều… nước

Với công chúng, mỗi khi nhắc đến nhạc sĩ Dương Thụ là nhớ ngay tới những ca khúc. “Tháng tư về, gió hát mùa hè/ Có những chân trời xanh thế/ Mây xa vời, nắng xa vời/ Con sông xa lững lờ trôi”. Nhưng nhớ nhất vẫn là những ca khúc xuân như: Hơi thở mùa xuân, Đánh thức tầm xuân, Lắng nghe mùa xuân về…

Những năm 80 của thế kỷ trước, Dương Thụ phụ trách chỉ đạo nghệ thuật một tụ điểm ở quận 10 (thành phố Hồ Chí Minh) nhưng những bài hát ông viết ra đành phải “đắp chiếu” vì không một ca sĩ nào hát, không một nhà sản xuất băng đĩa nào ngó tới. Một nghệ sĩ nổi danh lúc ấy đã nói thẳng với Dương Thụ: “Em chẳng thấy có ấn tượng gì với những bài hát này!”. Thị hiếu âm nhạc lúc ấy đã khiến Dương Thụ dằn lòng mình để thực hiện những đêm nhạc tụ điểm với mục đích duy nhất là... kiếm tiền.

Gần đây, Dương Thụ quả quyết rằng ông không phải là người viết nhạc theo đề tài. “Sở dĩ có nhiều bài về mùa xuân, thường viết những bài đó vào giao thừa vì giờ phút đó nội tâm mình đọng lại, mình được sống với mình nhiều nhất. May mà có người hát nên các bạn mới được nghe. Vì khi tôi viết ra không phải để cho các ca sĩ hát mà nó là một phản ứng tự nhiên của nội tâm. Tôi là một nhạc sĩ thì cái đó sẽ thành bài hát thôi”.

Ngoài nhiều “xuân”, còn dễ nhận ra nhạc Dương Thụ có nhiều… nước. Thật “tinh khiết” có: “Một ngày mới, một ngày đang tới/ Đóa tầm xuân vẫn ngủ trong hoang dại/ Giọt sương trắng, giọt sương tan nắng...” (Đánh thức tầm xuân). Thật “dịu dàng” ở: “Tiếng mưa rơi ngoài hiên/ Gió mưa như lạnh thêm/ Có con chim họa mi hót trong mưa buồn lắm...” (Họa mi hót trong mưa). Thật “mãnh liệt” khi nghe: “Tiếng sóng biển hát tia nắng đầu tiên, tiếng sóng biển” (Tiếng sóng)...

Nhưng nhắc tới nhạc Dương Thụ, cái nhiều nhất lại là... tình yêu. Tình yêu được thể hiện trong những giai điệu “không nhất thiết phải du dương, nó có thể dung dị hay gai góc - miễn là thể hiện được cảm xúc”. Còn tại sao viết nhiều về tình yêu? Là bởi Dương Thụ thường nương vào cái đẹp và nỗi khát khao được sống trong tình yêu, sự dịu dàng để làm điểm tựa cho mỗi sáng tác.

Nhạc sĩ Dương Thụ sinh ngày 10-2-1943, quê ở Vân Đình, Hà Tây (cũ), ông từng ký nhiều bút danh Trần Xuân Nam, Vân Đình, Nguyễn Mai Vũ… Ông là cháu gọi nhạc sĩ tiền chiến Dương Thiệu Tước bằng bác. Ít ai biết, ngày xưa, Dương Thụ từng đi kéo xe bò và bị khách chê… gầy quá.  Tốt nghiệp khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1965, Dương Thụ từng có thời gian làm giáo viên.

MAI HOÀNG

.