Đà Nẵng cuối tuần

Giới thiệu sách:

Nguyên vẹn một tình yêu

09:15, 05/09/2010 (GMT+7)

Cầm tập sách “Đôi bờ thời gian”* – thơ Nguyễn Văn Gia, do Nhà Xuất bản Văn học cấp phép vừa mới in xong và phát hành vào trung tuần tháng tám này, điều gieo vào tôi những thiện cảm đầu tiên ấy là sự trĩu nặng thời gian trên một tác phẩm.

Mô tả ảnh.

Làm thơ từ thuở còn là học sinh trung học, rồi đại học, và có đến hơn ba mươi lăm năm đứng trên bục giảng, cho đến thời tuổi tác bước qua lớp “lục thập” Nguyễn Văn Gia mới có dịp trình làng tập thơ đầu tay của anh. Cộng hết thời gian ấy lại, quả đã tròm trèm nửa thế kỷ anh mới gom góp nên hình vóc một thi phẩm mỏng mảnh 120 trang in có hơn 60 bài thơ, mà chừng như với Nguyễn Văn Gia đấy là sự gói gắm, sự tự trả lời một câu hỏi “Ai bảo giùm ta có ta không” (Chế Lan Viên).

“Đôi bờ thời gian”, ngoài thơ của tác giả còn là cuộc hội ngộ do chính tác giả xếp đặt bày biện ra, với cái vốn như là sự tích góp, ủ men lâu ngày chờ dịp để hội ngộ, để vỗ tay reo vui mừng đứa con tinh thần muộn mằn sinh nở! Đấy là những bài viết, bài thơ, những ca khúc phổ từ thơ của tác giả cho đến bìa và phụ bản của những anh em, bạn bè: Đông Trình, Hoài Khanh, Phạm Ngọc Lư, Trần Hoàng Thụy, Hoàng Tư Thiện, Nguyễn Văn Nho, Lê Thị Ái Niệm, Hoàng Đặng, Phan Ngọc Minh…

Có lẽ hiếm có một tập thơ riêng nào mà sự góp mặt chúc tụng nhau đông vui đủ đầy những thanh âm như thế. Chúc mừng nhau ở đây không hề là sự lên gân hoặc tô màu vẽ vời gì, mà là một hòa điệu nồng ấm tình anh em. Và đấy cũng là chất xúc tác góp thêm phần thi liệu để Nguyễn Văn Gia rong chơi với thơ mình: Có cũng vui/ Không cũng vui/ Vẫn còn ấm một nụ cười ban sơ/ Có - không là cái tình cờ/ Trước kia chẳng có/ Bây giờ cũng không (Tình cờ).

Tôi đã làm quen với thơ Nguyễn Văn Gia bắt đầu từ những bài đã đăng trên một số tờ báo và tạp chí, cũng chẳng nhớ rõ từ bài nào và từ bao giờ. Hình như là những lúc thơ mơ lạc đường lạc ngõ đâu đó giống như anh viết: Chắc gì đâu giữa vô thường/ Ai không một thuở lạc đường nổi trôi/ Xưa ai cánh nhạn lạc trời/ Vì đâu nên nỗi thuyền trôi lạc dòng? (Trở về). Hỏi một câu hỏi tựa như vu vơ mà hỏi, xem ra nó bình thường, thậm chí, nói như thi sĩ Bùi Giáng: “Người qua tôi cũng đi qua. Người dừng tôi cũng qua loa tạm dừng”. Thế có nghĩa là, chẳng có gì đáng để lưu tâm hết, vậy mà từ cái phút chốc tạm bợ “qua loa” ấy, có ai ngờ gióng lên một tiếng ngân vang: Chuông chùa vẫn giọt hư không/ Cỏ cây xưa vẫn thủy chung một màu (Trở về).

Thi thoảng gặp nhau, ngồi trong cái quán cóc cà-phê nào đó, tôi lại nghe Nguyễn Văn Gia đọc vài bài thơ anh mới viết. Giả dụ như bài “Rằm tháng giêng lên chùa”: Lên chùa tìm chút thảnh thơi/ Ai dè chùa cũng như… đời ngoài kia. Và rồi anh lại triết lý bằng thơ: Cũng thứ hạn, cũng phân chia/ Chỗ này vô nhiễm, chỗ kia thị trường/ Đành rằng tất cả vô thường/ Thôi ta về lại phố phường ẩn tu. Cái chất giọng Quảng hồn hậu của anh, mỗi lúc đọc thơ tuồng như cũng góp phần cắt nghĩa cho người nghe thơ của mình. Chính những lúc mênh mang thơ phú bất tận ấy, trong anh thi sĩ hơn bất cứ lúc nào.

Cố nhiên trường lực của mỗi dòng sông sẽ tự nói về lưu tốc của mình: Và cứ thế/ Đôi lần tôi chết ngộp/ Sông thì trôi/ Tôi cố lội ngược dòng (Tự họa). Chẳng phải nhà thơ làm cái công việc quẫy cựa ngược ngạo gì đâu, mà đấy là những bước lẻ loi trên con đường vô tận lấp lánh những hồi quang của một quê nhà, nơi xứ sở vĩnh hằng nuôi dưỡng những giấc mơ đẹp để anh tha hồ mà tuần hoàn nhi nhiên: Đã lăn hết một vòng đời/ Mừng ta trờ lại cái thời trẻ con (Hồn nhiên).

Đọc “Đôi bờ thời gian” người đọc còn nghe lại vang hưởng thơ của một thời giữ lửa từ các phong trào học sinh - sinh viên đô thị miền Nam trước năm 1975. Hình như cho đến bây giờ tôi vẫn còn bắt gặp thứ lửa ấy thi thoảng trong thơ Nguyễn Văn Gia. Có điều nó không cháy thành ngọn bùng lên như thuở mười tám đôi mươi, mà là một thứ lửa ngầm cháy âm ỉ lan tỏa không bao giờ chịu tắt. Biển Đông/ Biển Đông/ Thanh thản bên nhau/ Các anh nằm lại/ Mặc cho sóng biển chôn vùi. Tôi chắc rằng đấy là những lời Nguyễn Văn Gia đã rút ruột ra mà thành, mà phơi bày trước nhật nguyệt vằng vặc một tình yêu trước sau nguyên vẹn!

Nguyễn Nhã Tiên

(*)  “Đôi bờ thời gian”, thơ Nguyễn Văn Gia. NXB Văn học 8-2010.

 

 

 

.