.
Cafe sáng

Tiếng ốc u

.

“Thương đất nước trên ba ngàn
             hòn đảo
Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn
               chập chờn…”

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến viết năm nào bỗng lại ùa về khi sáng nay mở trang báo thấy chật căng những hình ảnh, tin tức về biển đảo Hoàng Sa. Lại nhớ tối qua, trước khi đi ngủ vào mạng xã hội thấy tràn ngập avata, hình ảnh biển đảo, áp-phích, cờ Tổ quốc, thơ, các ca khúc thể hiện việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. “Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình/ Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá/ Sóng cuồn cuộn lên dáng hình đất nước/ Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau” (thơ Nguyễn Phan Quế Mai).

Cũng sớm nay, từ Hà Lan, bạn gửi thư về sau khi đêm qua “trắng đêm” quan sát trên báo chí và các trang mạng xã hội. Bạn nhận xét rằng, điều quan tâm lớn nhất của người dân trong nước tuần qua là việc Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan HD 981 trong vùng biển Việt Nam, chỉ cách đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi 119 hải lý (221km). Đúng là động đến vấn đề biển đảo thì người dân không thể ngồi yên. Từng tấc đất chủ quyền đều đã thấm đẫm bao công sức, máu xương của cha ông thuở trước đang bị đe dọa nên ăn ngủ không yên, hừng hực khí thế, bày tỏ lòng yêu nước bằng cách này hay cách khác. Tất cả đều có chung lòng yêu nước, nhưng dường như cái cách thì có khác nhau. Người muốn thế này, người mong thế khác. Chợt nhớ tới nhà báo Thomas Friedman, trong buổi ra mắt phiên bản mới của cuốn Thế giới phẳng ở Việt Nam mới đây đã nói đại ý rằng, Việt Nam đang chơi với con hổ, mà con hổ không chỉ muốn uống sữa của mình mà còn muốn uống sữa của người khác. Vấn đề là Việt Nam phải tạo thành bó đũa chứ không nên là đôi đũa.

Một con hổ luôn khát sữa. Và những đôi đũa Việt thì rất cần chụm lại. Đó là những hình ảnh rất đáng để suy nghĩ.

Nhớ 2 năm trước, trong chuyến đi ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đúng dịp lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, bên cạnh những phần nghi lễ mang tính tâm linh, tôi lại chú ý tới tiếng ốc u trầm trầm - một thứ âm thanh độc đáo như lời thúc giục dân binh nhanh chân xuống biển làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Đêm đó, nằm bên bờ biển, nghe các cụ cao niên trong làng kể, xưa, cứ vào tháng hai lịch âm hằng năm, những người làng An Hải lại làm lễ để tiễn đưa những binh phu đi Hoàng Sa làm nhiệm vụ. Sau phần nghi lễ là đến phần giục quân xuống thuyền, bằng hiệu lệnh ốc u. Khi tiếng ốc u trầm hùng vang lên là lúc đoàn binh phu chia tay gia đình, người thân bước chân xuống thuyền dong buồm đạp sóng ra khơi. Giữa biển cả mênh mông, tiếng ốc u được chọn làm hiệu lệnh cho đoàn binh, ngoài tác dụng động viên, khuyến khích tinh thần dân binh cùng đoàn kết vượt qua sóng to gió lớn để làm nhiệm vụ vua ban, còn là hiệu lệnh để tập trung quân khi có sự cố xảy ra.

Ốc u đã thổi lên rồi, tiễn đưa cha xuống dưới thuyền vươn khơi, cha đi giữ biển trời Hoàng Sa...”. Ai đã từng một lần nghe tiếng ốc u cùng những lời tế đầy bi tráng ấy trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa thì hẳn khó có thể nào quên. Hòa quyện với tiếng sóng gió, với những nghi lễ thiêng liêng, đậm màu sắc tâm linh, tiếng ốc u vừa mang hồn biển cả, vừa như lời nước non, như tiếng quyết tâm nén chặt trong lòng, lại như lời tiễn đưa chẳng mong ngày gặp lại. Nghe tiếng ốc u ấy, cứ thấm đượm vào tâm hồn mình lịch sử của dân tộc hướng mặt ra biển lớn, chịu biết bao bão giông nhưng cũng hết sức kiên cường.

Bây giờ, chỉ cách đảo Lý Sơn hơn 200km, biển Việt quê hương đang dậy sóng. Cơn bão giông lần sau dường như càng to hơn lần trước, thử thách ý trí, nghị lực của người dân Việt. Nóng bỏng, sôi sục là đương nhiên, vì đất nước là của dân, người dân có quyền quan tâm, bày tỏ quan điểm của mình. Song, ứng xử thế nào, hành động ra sao với người láng giềng Trung Quốc là cả một chiến lược và nghệ thuật. Suốt bao nhiêu thế kỷ nay, dù lao đao trước đầu sóng ngọn gió, nhưng bao giờ đất nước ta cũng chiến đấu, chiến thắng một cách ngạo nghễ, tự hào. Cái tinh thần ấy thấm đẫm, làm nên một phần hồn vía, cốt cách người Việt. Tôi tin, ý chí, nghị lực kiên cường ấy chỉ có thể bồi đắp, mạnh mẽ dần lên theo năm tháng mà thôi. Bởi thế, lần này mong sao biển sẽ lặng sóng; tiếng ốc u sẽ không phải nổi lên như tiếng hiệu triệu, như lời thúc giục bước chân xuống biển…

MAI HOÀNG
 

;
.
.
.
.
.