Xem - Nghe - Đọc
Dấn thân đi và viết
Nhân dịp kỷ niệm 89 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân và nhà báo Đỗ Doãn Hoàng ra mắt tuyển tập phóng sự Từ hầm lò Mông Dương đến nóc nhà thế giới Tây Tạng (NXB Thông tấn). Đây là hai cây bút phóng sự nổi tiếng trên cả nước.
Tuyển tập phóng sự của hai cây bút Huỳnh Dũng Nhân và Đỗ Doãn Hoàng. |
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân được bạn đọc, bạn viết nhớ đến từ những năm 80-90 của thế kỷ trước. Những phóng sự của anh trên các báo Tuổi Trẻ, Lao Động khiến người ta thấy sức đi bền bỉ, “tả xung hữu đột” của một nhà báo năng nổ. Nhà văn Trung Trung Đỉnh ví Huỳnh Dũng Nhân như “con sói phóng sự”. “Huỳnh Dũng Nhân rõ là tay bụi đời, lang thang khắp chốn cùng nơi, như một người lãng tử, như một trang hiệp sĩ, chàng lúc nào cũng tất bật, nhưng là cái tất bật không hề vội vàng, mà đôi lúc tất bật lùi sâu vào lòng mình, lòng người, rồi lắng lại, tự nghe, tự nghiệm, tự bạch. Chàng vui cái vui của người đời, buồn cái buồn của số phận, của thế sự, không né tránh, che đậy nỗi niềm, cũng không bốc đồng, răn đe dạy dỗ…”, nhà văn Trung Trung Đỉnh nhận xét.
Trẻ hơn, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng xuất hiện sau nhưng cũng sớm định hình một giọng điệu phóng sự riêng thông qua hàng loạt đề tài về vùng sâu vùng xa với nhiều câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn. Nhà văn Xuân Cang gọi Hoàng là “người hùng Sơn Phong Cổ”. Đặc biệt, những số phận vốn chìm khuất sau mây mù của xứ đồng rừng xa ngái được Đỗ Doãn Hoàng đưa lên mặt báo, tạo hiệu ứng xã hội giúp nhân vật đổi đời. Sau này, người ta thấy Đỗ Doãn Hoàng mở rộng “biên độ” với đời sống để tìm kiếm những đề tài mới, ở tất cả các vùng, miền trong cả nước, thậm chí có những chuyến khám phá ngoài biên giới Tổ quốc.
Cuốn sách Từ hầm lò Mông Dương đến nóc nhà thế giới Tây Tạng dày hơn 600 trang. Tựa đề cuốn sách đã phác họa phần nào chân dung hai nhà báo, ở hai mảng, như đối lập mà lại không phải. Cái chung ở đây là họ chung thể tài: phóng sự báo chí. G.Marquez từng nói: “Nếu không có phóng sự thì thời nay báo in khó lòng cạnh tranh được với báo nói và báo hình…”. Còn cái riêng là ở đề tài, mỗi người mỗi “khoảnh”. Huỳnh Dũng Nhân chọn 19 phóng sự, từ Tôi đi “bán” tôi, Ăn tết trong rừng chó sói, Voi ơi ta bảo voi này…, cho đến Con đường bia bọt, Nhật ký đi xem hoa hậu… Đỗ Doãn Hoàng ít hơn với 17 phóng sự. Đọc những bài này, dù đó là Những thước phim câm ở La Pán Tẩn hay Tiếng gà trưa ở Tam Giác Vàng, Tây Tạng - giọt nước mắt gữa lưng trời tuyết trắng, Hổ thẹn trước vẻ đẹp cổ tích của rừng Châu Phi…, nhưng vẫn nhận ra một Đỗ Doãn Hoàng đầy mê đắm với từng mảnh đất, từng con người mà anh đã đi qua, đã gặp gỡ.
Tuổi tác khác nhau, hai người sống ở hai đầu đất nước, các đề tài quan tâm cũng có nhiều khác biệt, vậy nhưng họ quyết một lần bắt tay làm chung một tuyển tập. Dù đọc sách, người đọc sẽ thấy sự vênh nhau, nhưng có sao đâu, bởi họ từng cùng làm ở báo Lao Động, gặp nhau là vui. Hay nói như nhà báo Trần Đức Chính, cái quan trọng hơn, Huỳnh Dũng Nhân và Đỗ Doãn Hoàng chọn nơi sâu nhất (hầm lò Mông Dương) và nơi cao nhất (nóc nhà thế giới Tây Tạng) làm hợp tuyển này, một lần nữa đưa độc giả về những nơi họ đã dấn thân đi và viết. Bởi một lẽ ở đời, chúng ta không thể đến hết mọi nơi và sứ mạng của những cây bút phóng sự là kể lại cho chúng ta những câu chuyện, những số phận “đẹp hơn nước mắt”.
HOÀNG THU PHỐ