Xem - Nghe - Đọc
Bông Tết
Mồng 10 tháng Chạp, má gọi điện kể: “Quê mình năm nay không có lụt nên xung quanh nhà bông Tết bắt đầu nở rồi! Nếu còn ba thì sân nhà mình bữa ni cũng đầy mấy chậu hoa thược dược, sống đời và mào gà…”. Rồi má khóc. Tôi biết, má đang nhớ ba! Ba đã dặn tôi đừng bao giờ khóc khi ba đi xa, nhưng nghe má nói đến chuyện bông Tết, tôi tự thấy tim mình đau lặng lẽ quá!
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Mảnh sân nhà tôi hồi ấy, những ngày giáp Tết luôn đẹp nhất xóm. Giữa sân là một cây mai chúm chím từng chùm búp xanh. Mỗi một góc sân là hơn 10 chậu thược dược mơn mởn các nụ to, nhỏ. Đến bây giờ, tôi vẫn không quên cảm giác háo hức cùng ba đoán xem phía trong cái nụ ấy là cánh hoa màu gì. Ba có tay trồng bông nên chuyện canh cho thược dược nở đúng Tết được bạn bè ba gọi là “số dzách”.
Sáng mồng một, xúng xính quần áo mới, cầm một cái bong bóng thiệt to, đứng bên chậu bông thược dược có mùi nồng nàn, ngai ngái. Hình ảnh con bé tóc ngắn củn cỡn có cái răng sún đứng chờ ba chở đi tảo mộ còn vẹn nguyên trong tôi suốt chừng ấy năm.
33 cái Tết đi qua. Mùi của nắng xuân thoảng trong gió se se lạnh. Mấy cái chậu bông Tết của ba đến bây chừ cũng còn nguyên đó ở góc sân. Chỉ có khác là mấy cái chậu đó lâu lắm rồi không được sơn quét lại. Tôi vẫn nhớ cái mùi tanh tanh hăng hăng của rêu bám vào thành chậu được tôi cào ra. Tôi nhớ cái mùi vôi trắng được tôi quét lên từ tốn xung quanh cái chậu cũ kỹ, rồi ba pha thêm chút màu vàng nghệ nữa là mấy cái chậu được thay áo mới. Vậy nên, bông Tết là điều gì đó rất gần gũi, dung dị, thiêng liêng và đầy nỗi nhớ khi ba đã đi xa, và tôi cũng đã đi rất xa quê hương mình.
Ngày nay, bông Tết được người ta tụ tập lại thành chợ hoa xuân, đường hoa xuân với bao nhiêu chủ đề, bao nhiêu ý tưởng. Tôi chợt nhớ ba từng nói: “Người ta trồng bông Tết không phải để những ngày Tết có thêm sắc xuân. Người ta trồng bông Tết để mọi thứ nhựa sống tiềm ẩn của cuộc đời này được nảy nở, đâm chồi và kết nên bông trái. Dẫu là một bông hoa thiệt nhỏ giữa đường, dẫu chỉ là một vài nụ mai của một mùa xuân lạnh. Mọi nhánh bông ngày Tết đều luôn mang trong mình về một sự đổi thay, một cố gắng vươn mình không ngừng nghỉ”.
Chiều 30, ba và tôi hì hục bê chậu mai vàng nho nhỏ, có hé mấy cái nụ vào để ngay trước bộ bàn ghế chính trong nhà. Tôi khẽ khàng vắt nhẹ lên nhánh mai mấy cái thiệp chúc Tết của bạn bè. Những lời chúc ngây ngô, chân thành và sáng trong được nằm gần những bông hoa hiền lành thơm tho ngày Tết. Chiều 30, ba còn nháy nháy mắt với tôi rằng: Năm nay không lụt nên bông Tết nở đẹp quá! Chắc sáng mồng 1, nhà mình rực rỡ sắc xuân.
Sài Gòn, nắng những ngày này thơm mùi Tết. Tôi bỏ mặc cả phố xá đông vui để chạy về một ngôi làng có tên Nhị Bình nằm ở huyện Hóc Môn. Ở đó, tôi gặp hai cha con của một cô bé có mái tóc cháy nắng đang nâng niu từng cây bông mào gà để bỏ vào chậu. Ở đó, tôi bắt gặp cả một trời thương nhớ khi nhìn thấy một chậu hoa thược dược màu tím cánh sen nằm tươi cười giữa nắng. Ở đó, tôi thấy người ta đề cái bảng nho nhỏ: Ở đây có bán bông Tết!
Tự dưng muốn khóc òa như trẻ con. Tự dưng thèm chạy ngay về góc sân nhà. Nơi có những chiếc chậu cũ kỹ của ba còn để lại. Nơi có mấy cây sống đời vẫn chưa một lần được thay đất lại bắt đầu nở rộ màu đỏ tươi. “Chú tặng con chậu thược dược nè! Con đem về chưng ở nhà cho vui. Thời này người ta chơi lan hồ điệp, thủy tiên ông, mai cả tỷ… Mấy cái cây thược dược này chú trồng chỉ vì chú và con gái chú đều thích…”. Tôi ngẩn người, không biết nói lời cảm ơn làm sao cho đúng! Với tôi, bông Tết chỉ là những bông thược dược, mào gà, sống đời, vạn thọ. Chỉ đơn giản vậy thôi! Dù là ký ức hay hiện tại. Điều còn lại trong mỗi con người là những cảm xúc vỡ òa của Tết đoàn viên, sum vầy và nhiều yêu thương.
MỸ DUNG