.

Thiếu nhân lực phần mềm

.

Đà Nẵng đang tập trung nhiều công ty sản xuất phần mềm, nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin (CNTT), đặc biệt là công nghệ phần mềm khá lớn và cấp bách. Mặt khác, thành phố đã và đang triển khai đầu tư xây dựng Khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung với diện tích 131ha tại xã Hòa Liên, dự kiến năm 2012 đi vào hoạt động, càng đòi hỏi “nóng” về nguồn nhân lực của lĩnh vực trên cả về số lượng lẫn chất lượng.

Nguồn nhân lực CNTT, đặc biệt là công nghệ phần mềm đang thiếu hụt

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, trong 3 năm trở lại đây đã có một số tập đoàn, công ty phần mềm lớn trong nước và cả nước ngoài như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,… đến tìm hiểu và đầu tư tại Đà Nẵng. Kết quả đến nay thành phố đã có một số công ty, tập đoàn phần mềm mở chi nhánh, văn phòng đại diện như: FPT, Magrabit, Enclave, MileStone Inc, Juniper,… Và năm 2007, Công ty FPT đã ký thỏa thuận xây dựng khu đô thị công nghệ FPT có diện tích 181ha, với tổng kinh phí đầu tư lên đến gần 1 tỷ USD.

Bên cạnh đó, một số công ty lớn như IBM, ORID, VTC cũng đang hoàn tất các thủ tục để đầu tư một số dự án CNTT tại Đà Nẵng. Số đơn vị có đăng ký sản xuất và kinh doanh phần mềm ở Đà Nẵng hiện nay khoảng trên 200; với những công ty phần mềm hàng đầu có thể kể đến như: Công ty CP phần mềm FPT, Công ty phần mềm Enclave, Công ty CP Công nghệ phần mềm Đà Nẵng, Công ty phần mềm 3T, Công ty Cổ phần công nghệ Tâm Hợp Nhất, v.v…
 
Các công ty này có vai trò lớn trong việc phát triển phần mềm và ứng dụng tin học, chiếm tới 70 - 80% phần mềm ứng dụng chuyên nghiệp trong ngành. Ngoài ra, các đơn vị này còn thực hiện tư vấn về công nghệ thông tin, xử lý thông tin nội bộ. Bên cạnh đó, một số công ty còn hướng đến thị trường nước ngoài bằng các đơn hàng gia công cho các thị trường Nhật, Đức, Mỹ, tập trung thị trường trọng điểm là Nhật Bản. Tuy nhiên, lại đang thiếu hụt nghiêm trọng về nhân lực để sản xuất gia công phần mềm cho Nhật.

Hiện nay thành phố có trên 3.000 người làm trong lĩnh vực CNTT, trong đó lực lượng làm phần mềm chiếm khoảng 30% nguồn nhân lực CNTT. Trong những năm gần đây, lực lượng phát triển và ứng dụng phần mềm được tăng cường chủ yếu là sinh viên tốt nghiệp từ các khoa CNTT thuộc các trường cao đẳng, đại học khu vực miền Trung. Đà Nẵng hiện cũng có trên 30 trung tâm và 19 trường có hình thức đào tạo CNTT phi chính quy, mỗi năm cho ra trường hơn 4.000 kỹ thuật viên CNTT với các lĩnh vực như: Tin học, điện tử, kỹ thuật viên phần cứng, thiết kế xây dựng (CAD/CAM),... trong đó có hơn 500 lập trình viên và kỹ thuật viên quốc tế.
 
Tuy nhiên, theo chân các nhà tuyển dụng của một công ty phần mềm của Nhật (đặt trụ sở tại Hà Nội) đến Đà Nẵng chọn lựa, phỏng vấn, tuyển dụng thêm cho đội ngũ gia công phần mềm (vốn đã có hơn 100 nhân viên) mới thật buồn về chất lượng nguồn nhân lực CNTT. Bởi có khá nhiều ứng cử viên lọt vào vòng phỏng vấn (hồ sơ gồm các bằng cấp, chứng chỉ… tạm đạt yêu cầu), thì phỏng vấn đến 10 ứng cử viên, trong đó có nhiều ứng cử viên lập trình viên quốc tế mới tuyển dụng được 1 người.

Sở Thông tin và Truyền thông cũng thừa nhận, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghiệp CNTT cho thành phố còn bộc lộ những vấn đề tồn tại do chương trình đào tạo còn nhiều bất cập, thiếu cập nhật, mất cân đối; phần lớn đội ngũ giáo viên thiếu kinh nghiệm thực tế, chỉ tập trung chủ yếu vào giảng dạy mà ít làm công tác nghiên cứu; cơ sở phòng thí nghiệm, thiết bị cho đào tạo thực hành còn sơ sài; phần lớn các sinh viên tốt nghiệp đều thiếu hoặc yếu những kỹ năng cần thiết của người làm phần mềm, trình độ ngoại ngữ yếu, dẫn đến một nghịch lý là số kỹ sư tin học ra trường nhiều nhưng các doanh nghiệp phần mềm vẫn thiếu nhân lực trầm trọng, tạo nên khoảng cách lớn giữa nội dung đào tạo và yêu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đội ngũ chuyên viên CNTT, thiết kế sản phẩm điện tử có trình độ cao vẫn còn rất mỏng; thiếu cán bộ lãnh đạo CNTT (CIO) và cán bộ quản lý trong lĩnh vực công nghiệp CNTT...

Nhu cầu rất lớn về nhân lực CNTT, công nghệ phần mềm, đặc biệt là trong vòng 2 năm tới khi Khu Công nghiệp CNTT bắt đầu đi vào hoạt động, đòi hỏi bức xúc là phải thu hút và tạo điều kiện thuận lợi để các trường đại học quốc tế về CNTT liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố; xây dựng các chính sách nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài thành phố tham gia vào công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT theo yêu cầu thực tế của doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường CNTT; cho phép thành lập các cơ sở đào tạo phi chính quy về CNTT với 100% vốn nước ngoài...

Bài và ảnh: NAM TRÂN

;
.
.
.
.
.