Mở rộng hợp tác toàn diện với các đối tác trong và ngoài nước trên lĩnh vực khoa học-công nghệ (KH-CN) nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã được các cơ quan chức năng thực hiện trong những năm qua với hàng loạt chương trình hoạt động có hiệu quả.
Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh ký kết biên bản ghi nhớ với đại diện Ngân hàng Tái thiết Đức về dự án xây dựng hệ thống xe buýt thân thiện môi trường. |
Dấu ấn đầu tiên cũng mang tính chất “mở hàng” cho hoạt động này, chính là việc thành phố ký kết chương trình hợp tác với Đại học Đà Nẵng và Học viện Chính trị-Hành chính khu vực III, xây dựng được 8 chương trình trọng điểm phát triển về KH-CN của thành phố đến năm 2020. Đến nay, một số chương trình bắt đầu triển khai thực tế. Điển hình là Đại học Đà Nẵng đã thành lập Viện Ứng dụng KH-CN Đà Nẵng (DASTRI). DASTRI hoạt động hầu hết các lĩnh vực mà thành phố có nhu cầu hiện nay, cũng như sẵn sàng cho những công nghệ tiên tiến có tính đón đầu như công nghệ sinh học, công nghệ gene, công nghệ chế biến thủy sản, cơ khí, vật liệu xây dựng mới… Đây là những công nghệ mà các nước tiên tiến trên thế giới đang theo đuổi và phát triển, đòi hỏi công nghệ rất phức tạp. Đến nay, ngoài Phòng nuôi cấy mô đã bán sản phẩm ra thị trường, các phòng thí nghiệm khác đều trong giai đoạn chuẩn bị triển khai trong thời gian đến, như Phòng thí nghiệm Enzym-Protein đang hoàn chỉnh thiết kế.
Thành phố cũng đã ký chương trình hợp tác với Đại học Griffith của Úc trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, xử lý môi trường… Thông qua chương trình này, hàng trăm lượt sinh viên, viên chức thành phố đã đến Úc học liên thông sau đại học để đào tạo thạc sĩ, kể cả tiến sĩ. Với nguồn đào tạo có chất lượng từ Griffith và các đối tác của Griffith, hứa hẹn trong một tương lai không xa, Đà Nẵng không những có cán bộ kỹ thuật cao mà còn có khả năng quản lý các dự án lớn về KHCN.
Đặc biệt với đối tác Nhật Bản, thành phố đạt kết quả rất tốt trên lĩnh vực đầu tư và chuyển giao công nghệ trực tiếp thông qua các doanh nghiệp (DN). Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn thành phố đã có trên 30 DN Nhật Bản hoạt động trên các lĩnh vực từ chế tạo máy công cụ, dụng cụ đánh bắt thủy sản, vật liệu xây dựng… Đáng chú ý là sau hội thảo “Kích cầu cung-cầu công nghệ” trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt-Nhật tổ chức tại Đà Nẵng năm 2009, nhiều Viện Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của Nhật Bản như Học viện Katayanaki, Viện Nghiên cứu công nghệ AIST, Viện Công nghệ Monohakobi… đã ký kết chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho thành phố. Theo đánh giá của ông Nakamura, Giám đốc điều hành Công ty GLIN, quá trình chuyển giao công nghệ từ đối tác Nhật Bản đến Đà Nẵng rất triển vọng. Trong thời gian đến, sự hợp tác này sẽ được nâng lên tầm cao mới, vì các dự án đang đi vào giai đoạn chuyển giao trực tiếp.
Phòng nuôi cấy mô-sản phẩm hợp tác giữa Sở Khoa học và Công nghệ với Viện Công nghệ sinh học quốc gia. |
Trong năm 2009, Sở KH-CN đã ký kết chương trình hợp tác với Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ. Đây là sự hợp tác phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó ưu tiên cho các lĩnh vực như công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chế tạo máy, dược phẩm, hàng tiêu dùng cao cấp, khai thác chế biến thủy sản xuất khẩu… Theo ông Chu Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ, đơn vị sẽ làm cầu nối cho thành phố hợp tác chuyển giao công nghệ từ các nước, viện nghiên cứu và các trường đại học nổi tiếng trên thế giới, với hy vọng đây sẽ là hình mẫu tiêu biểu giữa đơn vị và Đà Nẵng, để từ đó nhân rộng ra cả nước.
Một kênh hợp tác và chuyển giao công nghệ nữa được thành phố quan tâm phát triển là từ các nhà đầu tư trực tiếp. Sự thành công của một số đơn vị như Lilama 7, Tadico, Cienco 5… có thể xem là điển hình, nhờ sự hợp tác và chuyển giao công nghệ từ các quốc gia khác mà các đơn vị này đang ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến.
Hợp tác trên lĩnh vưc KH-CN với đối tác trong và ngoài nước đã chứng minh được hướng đi đầy triển vọng cho thành phố, là “đòn bẩy” để thành phố thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bài và ảnh: Trần Luân Sơn