.

Công việc thầm lặng

.

Năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ Tết, khi mọi người được quây quần bên nhau cùng đón thời khắc giao thừa thiêng liêng, ấm cúng thì nhiều cán bộ, nhân viên ngành Bưu chính-Viễn thông lại bận bịu ngày đêm với công việc trực Tết nhằm bảo đảm thông tin liên lạc, các dịch vụ viễn thông thông suốt, an toàn.

 

Mô tả ảnh.
Nhân viên Bưu cục Sông Hàn bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt.

Anh Nguyễn Nghĩa Nam, Trưởng Trung tâm Điều hành Viễn thông Đà Nẵng, cho biết: “Năm nào cũng vậy, trước Tết, mọi công việc chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng, kiểm tra hoàn tất các mạng lưới, tăng kết nối để chống nghẽn mạch, rớt mạng một cách tối đa. Hầu hết chúng tôi điều hành công việc qua điện thoại và Internet nhưng lúc nào trung tâm cũng phải có người trực để phòng khi có công văn khẩn phải xử lý và triển khai kịp thời”.

Trung tâm Điều hành Viễn thông Đà Nẵng quản lý tất cả các dịch vụ điện thoại cố định, các mạng di động của VNPT, Internet băng rộng và các dịch vụ khác như My TV, Sông Hàn TV, Mega Wan… Vì vậy, công việc của họ là phải thường xuyên giám sát mạng lưới liên tục, bảo đảm an toàn mạng lưới, chất lượng các dịch vụ viễn thông.

“Trong những ngày Tết, dù không phải là người trực tiếp nhưng tôi cũng phải trực 24/24 giờ để xử lý tất cả mọi cảnh báo nhỏ trên mạng, kiểm tra nguyên nhân và điều hành đơn vị, quản lý các dịch vụ, giám sát mọi lưu lượng để tránh hiện tượng nghẽn mạng xảy ra. Tết năm nay, ngành Viễn thông Đà Nẵng rất phấn khởi vì đã thành công trong việc khắc phục tối đa tình trạng nghẽn mạng. Tối 30 Tết, chúng tôi trực từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau. Biết rằng giờ này, vợ con ở nhà đang đón giao thừa nhưng vì nhiệm vụ, anh em ai cũng cố gắng. Công việc làm lâu rồi cũng quen. Chúng tôi lại được các lãnh đạo quan tâm chăm lo chu đáo. Anh em chúng tôi đã chuẩn bị sẵn mâm cơm cúng giao thừa. Sau khi mọi việc hoàn tất, anh em mở rượu và cùng nhau nâng ly chúc mừng năm mới”, anh Nam chia sẻ thêm.

Anh Đào Ngọc Hưng, nhân viên trực tổng đài 119 Trung tâm Điều hành Viễn thông Đà Nẵng, cho biết: “Đêm 30 Tết, tôi cùng một anh nữa trực tổng đài. Đây là lần đầu tiên đón Tết xa gia đình nên tâm trạng của tôi không khỏi nôn nao, nhớ nhà lắm nhưng nghĩ rằng mình đang làm nhiệm vụ trực Tết nên chúng tôi đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao”. Anh kể: “Đêm giao thừa, sau khi pháo hoa bắn xong chừng 15 phút, có một khách hàng gọi đến tổng đài 119 vì gặp sự cố đường truyền ADSL. Anh em chúng tôi đã nhanh chóng hướng dẫn khách hàng cách sử dụng ADSL qua cổng mạng Lan và cổng USB. Chỉ sau ít phút, khách hàng đó đã dùng được. Anh em chúng tôi rất vui, hy vọng khởi đầu một năm mới thành công, suôn sẻ”.

Đối với những người trong ngành Viễn thông là vậy, còn với những người làm Bưu chính, có lẽ họ cũng không bao giờ được hưởng một cái Tết trọn vẹn bởi công việc của họ luôn gắn với những bức thư, kiện hàng, bưu phẩm chuyển về từ trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Cô Phạm Thị Liêu, Trưởng Bưu cục Sông Hàn thuộc Bưu điện thành phố Đà Nẵng, người gần 30 năm trong nghề, chia sẻ: “Công việc chúng tôi thì ngày nào cũng như ngày nào, rất bận rộn và dường như không có ngày nghỉ. Chúng tôi làm việc theo ca và phải thay phiên trực 24/24 giờ. Những lần đầu trực Tết, chúng tôi cũng thèm được đón giây phút giao thừa bên gia đình nhưng công việc buộc chúng tôi phải hoàn thành.

Khách hàng đến bưu cục vào thời điểm này có khi chỉ gọi một cuộc điện thoại chúc Tết người thân thôi nhưng hiểu được hoàn cảnh của họ, dù muộn đến đâu và ở thời khắc nào, chúng tôi vẫn phục vụ tận tình, mong rằng sẽ làm họ vơi bớt nỗi buồn, nỗi nhớ khi phải đón Tết xa quê”. “Bình thường công việc ở các Bưu cục bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối, làm theo ca. Bưu cục có lưu lượng sử dụng dịch vụ bưu chính, bưu điện nhiều thì mở cửa đến 9-10 giờ tối để phục vụ khách hàng. Trong những ngày Tết, mặc dù thi thoảng mới có một, hai người vào gọi điện nhưng chúng tôi vẫn trực bưu cục 24/24 giờ”, cô Liêu cho biết thêm.

Bài và ảnh: Thanh Tình

;
.
.
.
.
.