.

Bao giờ hết khổ vì tin nhắn rác?

.

Khách hàng dịch vụ viễn thông di động là một trong những đối tượng đang mong chờ việc thực thi Luật và các văn bản dưới Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu quả để không còn bị quấy rầy bởi tin nhắn rác.
 

Những tin nhắn
Những tin nhắn "gạt" để lấy tiền.

Sẽ không có người tiêu dùng nào chịu nổi tần suất đón nhận tin nhắn rác 10 phút/tin, tức là khoảng 100 tin/ngày, cái mà các nhà mạng gọi là dịch vụ “Super Sim”. Vậy mà sự thật đó đang diễn ra đối với rất nhiều khách hàng đang sử dụng dịch vụ viễn thông của bất cứ nhà mạng nào nếu không sành điệu về “công nghệ” để tự giải thoát. Dù là sim mới toanh hay sim cũ đều bị các dịch vụ quảng cáo “tấn công”, theo kiểu “Vận mệnh và tình duyên của bạn sẽ ra sao? soạn: TV-năm sinh gửi 8713”…

Đáng nói hơn là các tin nhắn lôi kéo khách hàng có máu “đỏ đen” như “Hiện nay đã có cặp LÔ TÔ chắc ăn trong ngày. Để lấy soạn VNT gửi 7393 giá 3.000 đồng”... Nhiều tin có nội dung dễ hiểu nhầm như “cô bạn gái đáng yêu tên Hxxx gửi tặng TB 09134975… một nhạc phẩm và lời nhắn  * Hy vọng nhận ra em qua bài  hát này*. Nếu chấp nhận làm theo hướng dẫn của tin nhắn thì phải trả đến 15 ngàn đồng/tin nhưng chẳng tin nào đúng sự thật. Đây chẳng khác nào là hình thức lừa đảo để lấy tiền. Về mặt kỹ thuật, máy điện thoại cũng dễ bị hỏng pin do phải sạc điện liên tục hằng ngày.

Mặc dù Nghị định 90 ngày 18-3-2008 của Chính phủ về chống thư rác nhắn trên 5 tin/ngày/nhà cung cấp nhưng xem ra Nghị định này đã không được thực thi. Giữa năm 2011, Sở Thông tin và Truyền thông  Đà Nẵng đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông giảm số lượng tin nhắn của nhà cung cấp dịch vụ còn 3 tin/ngày và chỉ được nhắn tin khi chủ thuê bao có yêu cầu sử dụng dịch vụ này, đồng thời có chế tài đối với nhà cung cấp dịch vụ nhắn tin bừa bãi như hiện nay. Thế nhưng theo ông Lương Hồng Khanh, Giám đốc Viễn thông Đà Nẵng, đây là vấn đề rất khó, tuy nhiên vẫn có thể dùng các biện pháp hành chính và kỹ thuật để hạn chế. Về hành chính, cần hoàn thiện, bổ sung các văn bản hướng dẫn phát hiện, ngăn ngừa và xử lý xử phạt thật nặng.

Các nhà mạng phải nghiêm túc thực hiện và có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Hệ thống dữ liệu quản lý thuê bao phải chính xác để bảo đảm xử lý đúng chủ thuê bao đã vi phạm. Về kỹ thuật, tăng cường các biện pháp kỹ thuật trong việc kết nối, phát hiện và ngăn chặn tin rác từ phía nhà mạng. Ngoài ra, nhà mạng cần phát triển các dịch vụ hỗ trợ cho người dùng tự đặt chế độ chặn tin rác như dịch vụ SMSplus của Vinaphone, một số loại máy đầu cuối cũng hỗ trợ tính năng này (ví dụ đặt chế độ từ chối tất cả các tin nhắn có mang chữ” QC – quảng cáo”…

Tuy nhiên xét cho cùng, mấu chốt vấn đề chính là sự bảo mật thông tin cá nhân. Phần lớn thông tin của người sử dụng dịch vụ viễn thông như tên tuổi, nghề nghiệp, số điện thoại di động đã không được bảo đảm an toàn. Nếu tất cả các thuê bao đều đăng ký thông tin cá nhân và được bảo mật theo đúng Điều 6 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì không thể có chuyện số thuê bao bị bán, hay tiết lộ cho các dịch vụ quảng cáo. Chúng ta không thể đổ lỗi cho xu hướng thương mại điện tử phát triển, quảng cáo điện tử cũng phát triển theo, mà cần tìm đến các giải pháp lành mạnh hóa môi trường thương mại điện tử, bảo đảm mang lại sự tiện lợi và an toàn cho khách hàng, nhất là khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có hiệu lực. Đây chính là cơ sở bảo đảm cho thương mại điện tử phát triển và hội nhập.

Bài và ảnh: THU PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.