Những năm gần đây, Đà Nẵng không những nổi tiếng trên cả nước về số lượng những cây cầu mới được xây dựng, mà còn là “mảnh đất màu mỡ” cho các ứng dụng công nghệ tiên tiến trên lĩnh vực xây dựng cầu.
Sản xuất dầm thép cho cầu Rồng. |
Cầu Thuận Phước từ khi khánh thành đưa vào sử dụng đã trở thành một trong những điểm tham quan hấp dẫn của thành phố Đà Nẵng. Thế nhưng với những người làm việc trên lĩnh vực xây dựng cầu đường, ngay trong thời kỳ xây dựng, công trình cầu Thuận Phước đã trở thành điểm thu hút không thể bỏ qua, đơn giản vì chiếc cầu này không những có kiểu dáng độc đáo và là cầu dây võng lớn nhất Việt Nam, mà còn là cây cầu gồm cả một bộ sưu tập về “những cái nhất của cầu Việt Nam”, đó là cáp chủ cáp treo lớn nhất, dầm hộp thép lớn nhất, trụ tháp lớn nhất và mố neo lớn nhất… Ngoài ra, tại cây cầu này, để giải bài toán đưa ra là làm sao tăng độ bám dính của nhựa đường lên dầm thép vào lúc trời nắng làm nhiệt độ dầm thép tăng lên đến 60 độ, những nhà chuyên môn đã tìm ra chất liệu phủ mặt cầu và cũng là lần đầu tiên được thi công tại Việt Nam.
Nhớ lại những ngày thi công cầu Thuận Phước, ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Sở GT-VT Đà Nẵng cho rằng, “đây không chỉ là một công trình mà còn là một giảng đường đại học cho tất cả chúng tôi. Từ chỗ mỗi tháng chỉ giao ban một lần, rồi rút xuống mỗi tuần một lần và đến lúc cao điểm thì giao ban hằng ngày”. Ông Dũng lý giải: Vì là công nghệ mới ngay cả với nhà thầu nước ngoài, nên tất cả phải ngồi lại với nhau để cùng giải quyết. Cũng chính nhờ cách làm này mà bây giờ tay nghề làm cầu của cán bộ, kỹ sư và cả cán bộ quản lý của Đà Nẵng đều tiến bộ rất nhanh. Ông Dũng khẳng định, “bây giờ cán bộ, kỹ sư, công nhân của Đà Nẵng hoàn toàn đủ sức có thể làm một cây cầu có công nghệ phức tạp như cầu Thuận Phước”.
Thực tế đã chứng minh nhận định này khi mới đây, Công ty CP Cơ điện miền Trung đã hoàn thành được 2 trong số 10 đốt dầm cầu Rồng theo hợp đồng với Ban quản lý cầu Thuận Phước. Mặc dù là đơn vị thường xuyên nhận hợp đồng sản xuất một số bộ phận cho các công trình lớn như thủy điện Sơn La và một số thủy điện ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, thế nhưng khi nhận hợp đồng sản xuất đốt dầm cho cầu Rồng cũng không tránh được lo ngại. Lý do là vì thiết kế đốt dầm này quá “khủng” và lớn nhất tại Việt Nam với kích thước rộng 8 mét, dài 14 mét và nặng từ 80-100 tấn. Qua kiểm tra, tất cả thông số của dầm đều đạt chất lượng, không bị lệch khi di chuyển từ nhà máy về vị trí tập kết. Trong khi đó, trên công trình cầu Trần Thị Lý, đơn vị thi công cũng vừa hoàn thành việc lắp gối trụ nặng đến 2,7 tấn. Đây là một trong những gối trụ cầu lớn nhất thế giới hiện nay. Ngay như ở những chiếc cầu có quy mô nhỏ hơn với chiều dài 90 mét như cầu dẫn vào Trung tâm Văn hóa thành phố (Nhà biểu diễn đa năng), nhưng lại là một công trình độc đáo về kiểu dáng lẫn giải pháp kỹ thuật. Theo kỹ sư Trần Dân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cầu đường thành phố, đột phá của công nghệ cầu này nằm ở kết cấu vòm thép ống nhồi bê tông. Với giải pháp này, đem lại rất nhiều ưu điểm như tăng khả năng chống biến dạng của kết cấu, tiết kiệm được vật tư, tạo dáng thanh mảnh cho chiếc cầu. Đặc biệt khi thi công, các kỹ sư đã thành công trong việc tạo nên vật liệu “vữa siêu bền” nhưng rất nhẹ, giảm đáng kể trọng lượng của cầu.
Ông Cấn Hồng Lai, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1, đơn vị đang thi công cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý, trong cuộc họp báo giới thiệu về cầu Rồng đã nói rằng: “Đà Nẵng quả là mảnh đất lý tưởng cho việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xây dựng cầu đường. Tôi đặc biệt ấn tượng với lãnh đạo thành phố về những ý tưởng mới và việc mạnh dạn áp dụng công nghệ mới vào xây dựng cầu. Xin kể ra một ví dụ tiêu biểu là khi nghe thành phố Đà Nẵng thi công cầu Rồng, một số lãnh đạo thành phố Hà Nội đã “thở dài” rằng ý tưởng hay thế mà đã bị Đà Nẵng lấy trước rồi, nếu Thăng Long-Hà Nội mà có cầu Rồng thì hay biết mấy”. Còn ông Đặng Việt Dũng thì tâm sự: “Làm cầu với công nghệ tiên tiến là áp lực lớn đối với cán bộ quản lý, kỹ sư và cả công nhân thi công trực tiếp. Thế nhưng cái được rất nhiều, vì mình tiếp cận nhanh với công nghệ mới của thế giới và ngay cả các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cũng có sự phát triển khi nhận sản xuất những bộ phận của chiếc cầu”.
Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN