Khoa học - Công nghệ

Nuôi dưỡng ước mơ khởi nghiệp

07:16, 25/10/2015 (GMT+7)

ĐNĐT - Chương trình “Ươm mầm ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp công nghệ thông tin”(gọi tắt là PISI-CIT), do Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin - Đại học Đà Nẵng triển khai, đã thu hút sự tham gia sôi nổi của học sinh, sinh viên khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Chương trình là cơ hội cho các bạn trẻ thể hiện khả năng sáng tạo ở lĩnh vực công nghệ, tạo cầu nối giữa sinh viên, học sinh với các nhà đầu tư, chuyên gia công nghệ hàng đầu Việt Nam và khu vực.

Sân chơi cho dân IT

Phát động từ tháng 8-2015, Chương trình PISI-CIT được hỗ trợ về tài chính bởi Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo (IPP) – một dự án ODA đồng tài trợ bởi Chính phủ Việt Nam và Phần Lan. Bên cạnh đó, chương trình còn được bảo trợ ý tưởng bởi Quỹ Lotus – Hoa Kỳ.

Các nhóm sinh viên đang thuyết trình dự án với hội đồng thẩm định ( Ảnh trường CĐCNTT cung cấp)
Các nhóm sinh viên đang thuyết trình dự án với hội đồng thẩm định là các nhà đầu tư, chuyên gia công nghệ hàng đầu Việt Nam và khu vực. (Ảnh: Trường CĐCNTT cung cấp)

Không chỉ riêng địa bàn thành phố Đà Nẵng, mà các sinh viên, học sinh đến từ các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên cũng có cơ hội gửi ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp về lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông đến chương trình PISI-CIT.

Chương trình sẽ hỗ trợ và đào tạo miễn phí tất cả các cá nhân hoặc nhóm tác giả có ý tưởng được lựa chọn thông qua các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm đến từ các tổ chức và doanh nghiệp uy tín. Theo đó, việc hỗ trợ sẽ được thực hiện trên các lĩnh vực: đào tạo về khởi nghiệp, tư vấn giải pháp hoàn thiện và triển khai ý tưởng...

Tiến sĩ Huỳnh Công Pháp, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin đánh giá, PISI-CIT là sân chơi bổ ích cho giới trẻ đam mê công nghệ, họ có thể vừa triển khai các ý tưởng của mình, vừa được hỗ trợ khởi nghiệp dựa trên các ý tưởng đó. Hiện tại, sinh viên, học sinh trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với các chương trình hỗ trợ và tư vấn khởi nghiệp. Đặc biệt, khối ngành công nghệ thông tin chưa có nhiều đơn vị mạnh dạn tổ chức những chương trình khởi nghiệp vì gặp nhiều vướng mắc về kinh phí, nhà tài trợ.

Theo ông Pháp, sau 2 tháng phát động, đã có 27 dự án khởi nghiệp và sáng tạo rất tiềm năng của các nhóm học sinh, sinh viên tham gia, nhiều dự án có tính ứng dụng cao, phù hợp với đời sống thực tiễn. Đặc biệt, chương trình nhận được sự đồng hành, tham gia hỗ trợ, thẩm định, đào tạo và tư vấn cho các nhóm dự án của gần 40 chuyên gia, tổ chức và doanh nghiệp uy tín trong nước và quốc tế.

Ông Steve Landman, Giám đốc Tập đoàn Carego International - Mỹ, thành viên hội đồng thẩm định các dự án cho biết: “Đây là một chương trình tuyệt vời, hữu ích dành cho các bạn học sinh, sinh viên đam mê công nghệ thông tin. Đến với chương trình, nhiều nhóm sinh viên đã trình bày những ý tưởng rất sáng tạo, có tính lan tỏa cao trong cộng đồng. Tôi đánh giá rất cao những dự án tham gia chương trình”.

Xây dựng tinh thần khởi nghiệp

Nhóm 3 sinh viên đến từ khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Bách Khoa gồm: Trần Đức Huy, Huỳnh Vũ Tiến, Lê Thanh Sang tham gia chương trình với dự án Động cơ điện thông minh dạng module cho xe lăn.

“Với thiết bị mà chúng em phát triển, người đi xe lăn có thể di chuyển dễ dàng và an toàn hơn, từ đó có thể giảm bớt những khó khăn mà người khuyết tật phải gánh chịu ở Việt Nam nói chung và xa hơn nữa là có thể vươn ra tầm khu vực” - Đức Huy, trưởng nhóm chia sẻ.

Theo Đức Huy, thông qua chương trình, cả nhóm có thêm nhiều kiến thức mà trước đây chưa được trang bị, như: kỹ năng làm việc nhóm, thuyết phục nhà đầu tư, kỹ năng phân tích thị trường… "Cả nhóm ý thức được rằng việc xây dựng một dự án đã khó, việc khởi nghiệp từ dự án đó là một điều còn khó hơn. Chính vì lẽ đó, chúng em tham gia chương trình với mục đích hiện thực hóa giấc mơ kinh doanh và phát triển sản phẩm sáng tạo mà cả nhóm xây dựng” - Đức Huy tâm sự.

Nói về vấn đề khởi nghiệp, ông Pháp trăn trở: "Các bạn sinh viên luôn có những ý tưởng rất sáng tạo nhưng để biến ý tưởng đó thành hiện thực không hề dễ dàng, nhiều bạn không biết bắt đầu từ đâu. Những kiến thức về khởi nghiệp ở các sinh viên khu vực miền Trung - Tây Nguyên vẫn còn khá hạn chế, các bạn vẫn chưa được trang bị toàn diện những kiến thức về khởi nghiệp như đánh giá thị trường, nghiên cứu sản phẩm và hoạch định chiến lược. Những chương trình như PISI-CIT là cơ hội để những người trẻ có thể dần dần xây dựng tinh thần khởi nghiệp cho bản thân trong tương lai."

Theo ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, chương trình PISI-CIT là sân chơi bổ ích để các em sinh viên, học sinh có cơ hội thể hiện khả năng sáng tạo, ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Chương trình PISI-CIT nói riêng và những chương trình khởi nghiệp công nghệ thông tin nói chung đem lại lợi ích cho cả hai phía: trong khi sinh viên có được “bàn đạp” để biến những ý tưởng thành hiện thực, thì phía doanh nghiệp công nghệ thông tin qua đó vừa tuyển chọn nguồn nhân lực chất lượng cao, vừa có thể phát triển, đầu tư vào những dự án hay, độc đáo.

Ông Thanh còn nêu rõ: “Với vai trò là đơn vị tham mưu và quản lý cho UBND thành phố về lĩnh vực công nghệ thông tin, hằng năm Sở đều có kế hoạch phối hợp với các cơ sở giáo dục - đào tạo trên địa bàn nhằm tạo điều kiện tổ chức những chương trình, sân chơi khởi nghiệp cho bạn trẻ đam mê công nghệ thông tin, qua đó có thể bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố.

Trong tương lai, Sở sẽ tổ chức nhiều khóa đào tạo ngắn hạn cho sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin và các buổi tọa đàm nhằm hỗ trợ các bạn sinh viên đến gần hơn với ước mơ khởi nghiệp”.

          QUỐC KHẢI

.