Khoa học - Công nghệ

"Sân chơi" cho sinh viên công nghệ

14:14, 25/02/2016 (GMT+7)

Là lĩnh vực “khô khan” nhưng các cuộc thi về công nghệ thông tin (CNTT) luôn là “sân chơi” hấp dẫn thu hút nhiều sinh viên trên địa bàn thành phố tham gia. Nhiều ý tưởng về công nghệ như: thiết kế trò chơi điện tử (game), trình diễn pháo hoa trên máy tính, sáng tạo các thiết bị thông minh… đã dần được áp dụng trong cuộc sống, tạo cơ hội việc làm cho sinh viên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Nhiều giải pháp của sinh viên được ứng dụng trong thực tiễn.  TRONG ẢNH: Sinh viên Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) thuyết trình về ý tưởng “Điều khiển các thiết bị trong nhà bằng di động”.
Nhiều giải pháp của sinh viên được ứng dụng trong thực tiễn. TRONG ẢNH: Sinh viên Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) thuyết trình về ý tưởng “Điều khiển các thiết bị trong nhà bằng di động”.

Trau dồi kiến thức

 Là cuộc thi dành cho những bạn trẻ mong muốn trở thành một phần của kỷ nguyên “Internet of Things”, Monokon 2016 do Công ty Global Cybersoft phối hợp với Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) tổ chức đã đem lại “làn gió mới” cho sinh viên trên địa bàn thành phố. Tại sân chơi này, sinh viên được thỏa sức sáng tạo công nghệ với nhiều gợi ý do Ban tổ chức đưa ra như đồng hồ thông minh, kính thông minh, robot thông minh, nhà thông minh…

“Thông điệp của cuộc thi này là kêu gọi các bạn sinh viên đang theo học ngành CNTT trên địa bàn thành phố mạnh dạn đưa ra những ý tưởng, giải pháp ứng dụng hiệu quả, đặc biệt là ứng dụng ngay vào thực tiễn cuộc sống”, ông Đặng Hoàng Long, Giám đốc Chi nhánh Công ty Global Cybersoft tại Đà Nẵng cho hay.

Một “sân chơi” CNTT khác không kém phần hấp dẫn mà những người “ngoại đạo” cũng có thể tham gia là Cuộc thi Trình diễn pháo hoa trên máy tính 2016. Đây là “sân chơi” truyền thống tạo điều kiện cho giới trẻ khai thác, sử dụng CNTT vào học tập, nâng cao tri thức và giải trí một cách lành mạnh. Không chỉ có cơ hội “săn” tiền thưởng lớn, sinh viên CNTT còn được nâng cao hiểu biết, kỹ năng thực hành, được nghe những góp ý từ những người trong nghề để có thể trau dồi thêm kinh nghiệm.

“Tham gia các cuộc thi công nghệ sẽ giúp em nâng cao tầm hiểu biết, ví dụ như các kiến thức tổng thể của một hệ thống công nghệ tầng mạng, các ứng dụng thiết thực trong cuộc sống”, Võ Viết Tùng, sinh viên khoa CNTT, Trường Đại học Duy Tân chia sẻ.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) đang hướng đến mục tiêu tăng cường mối liên hệ với các trường đại học, cao đẳng phát động các cuộc thi công nghệ nhằm tạo cơ hội để giới trẻ hiện thực hóa những ý tưởng, giải pháp ứng dụng công nghệ.

Theo các nhà quản lý giáo dục, trong bối cảnh nguồn nhân lực CNTT đang thiếu và yếu thì cái “bắt tay” giữa nhà trường và DN giúp nâng cao chất lượng đào tạo để sinh viên ra trường có kiến thức, kỹ năng thực hành đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

“Cộng đồng ASEAN đã chính thức ra đời vào cuối năm 2015 mở ra cánh cửa rất rộng cho người lao động có nhiều hơn sự lựa chọn. Vì vậy cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Thay vì thực hiện đào tạo lại, vừa tốn kém chi phí vừa tốn kém thời gian, DN nên hợp tác với nhà trường thông qua các cuộc thi công nghệ để sinh viên có cơ hội trau dồi kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp”, PGS,TS Lê Thị Kim Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) nhấn mạnh.

Cơ hội để doanh nghiệp tuyển dụng

Theo đại diện các DN CNTT trên địa bàn thành phố, việc tham gia các cuộc thi CNTT và giành giải thưởng sẽ giúp sinh viên ngành công nghệ có thêm cơ hội ưu tiên khi ứng tuyển việc làm.

“Trong các chương trình tọa đàm hướng nghiệp cũng như tuyển dụng nhân sự, các DN đều ưu tiên các ứng viên đã từng tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học hay các cuộc thi công nghệ. Vì vậy, các bạn sinh viên không nên bỏ lỡ cơ hội tham gia các “sân chơi” công nghệ để có thêm “tấm bằng” khi xin việc làm ở DN”, ông Đặng Hoàng Long nói.

Theo ông Long, hầu hết các sinh viên mới ra trường, kỹ năng chuyên môn chưa sát với yêu cầu của DN, đặc biệt là kỹ năng làm việc với đối tác nước ngoài và yếu ngoại ngữ. Vì vậy, ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, sinh viên hoàn toàn có thể tạo lập được kinh nghiệm, kỹ năng làm việc qua các cuộc thi công nghệ để khi xin việc thuyết phục nhà tuyển dụng.

Các chuyên gia đầu ngành CNTT cho rằng, hiện nay nguồn nhân lực CNTT trên địa bàn thành phố thiếu tính chuyên nghiệp do kỹ năng mềm hạn chế, khả năng làm việc nhóm chưa cao. Vì vậy, khi tuyển dụng, DN bao giờ cũng đòi hỏi đến kỹ năng mềm mà qua các cuộc thi công nghệ, sinh viên có thể tích lũy dần. “CNTT là lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng mềm và kỹ năng làm việc nhóm rất cao.

DN luôn xem trọng những kỹ năng này và xem đây là một trong những yêu cầu khi tuyển dụng. Trường học chỉ dạy cho sinh viên kiến thức nền, còn những kỹ năng mềm thì các bạn phải tích lũy ở các cuộc thi công nghệ. Đó không chỉ là “sân chơi” khơi gợi niềm đam mê mà còn là môi trường thuận lợi để các bạn làm việc nhóm, thích ứng với công việc và giải quyết nhiều tình huống khác nhau trong thực tiễn”, ông Trần Xuân Vượng, Giám đốc Chi nhánh Công ty Gameloft Sea tại Đà Nẵng chia sẻ.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

.