Khoa học - Công nghệ
Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng đổi mới, sáng tạo
Chiều 8-3, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh và Chủ tịch Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng (DSC) Võ Duy Khương đồng chủ trì Hội nghị triển khai đề án “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và chương trình khởi nghiệp năm 2017 do DSC tổ chức.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Võ Duy Khương cho biết, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành điểm đến khởi nghiệp sáng tạo của khu vực ASEAN với hệ sinh thái khởi nghiệp và hệ thống pháp lý hoàn thiện, môi trường đầu tư thuận lợi.
Mục tiêu cơ bản đến năm 2020 bao gồm: hỗ trợ khoảng 200 dự án và giúp 100 doanh nghiệp khởi nghiệp thương mại hóa sản phẩm; thành lập từ 8-10 vườn ươm doanh nghiệp theo mô hình xã hội hóa hoặc đối tác công tư; đưa chương trình giảng dạy khởi nghiệp vào 100% trường đại học và cao đẳng; thành lập câu lạc bộ đổi mới sáng tạo ở hầu hết các trường THPT, trung cấp chuyên nghiệp, trường nghề; thành lập quỹ hỗ trợ khởi nghiệp thành phố song song việc thu hút 3-5 quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài; xây dựng Cổng thông tin khởi nghiệp thành phố, kết nối với Cổng thông tin khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo quốc gia…
Theo ông Võ Duy Khương, “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” là đề án về khởi nghiệp đầu tiên trong cả nước mang tính tổng quát với tầm nhìn, mục tiêu và 5 nhóm nhiệm vụ cụ thể ở các lĩnh vực văn hóa, chính sách, cơ sở hạ tầng, giáo dục, liên kết hợp tác.
Ông Khương nhận định, Đà Nẵng đi sau Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh 5-7 năm trong lĩnh vực khởi nghiệp. Tuy nhiên, thành phố có những bước đột phá, trong đó có việc thành lập DSC giúp huy động tổng nguồn lực chung cho khởi nghiệp, hay việc xây dựng vườn ươm doanh nghiệp theo mô hình đối tác công tư đầu tiên của cả nước. Vì vậy, theo ông Khương: “Tầm nhìn đến năm 2030 của khởi nghiệp Đà Nẵng là khá tham vọng nhưng vẫn có thể thực hiện”.
Trong năm 2017, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì xây dựng Cổng thông tin khởi nghiệp thành phố, cập nhật thông tin về công nghệ, sáng chế, các giải pháp thông minh; đồng thời quảng bá các hội nghị, hội thảo, triển lãm khởi nghiệp trên địa bàn thành phố. Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp (DNES) Trần Vũ Nguyên cho biết, năm nay, Đà Nẵng sẽ tổ chức Hội nghị và Triển lãm khởi nghiệp SURF 2017. Đây là một trong những sự kiện khởi nghiệp lớn nhất thành phố.
Tại hội nghị, ông Nguyên chia sẻ kế hoạch hoạt động của DNES trong năm 2017. Để tận dụng chất xám từ các trường đại học và cao đẳng, DNES sẽ hỗ trợ thương mại hóa các đề án nghiên cứu khoa học có tính khả thi cao. Được biết, năm 2016, DNES đã ươm tạo 15 dự án khởi nghiệp tại Đà Nẵng, tiêu biểu như AntBuddy (cung cấp giải pháp truyền thông cho doanh nghiệp), Sumi (trí tuệ nhân tạo và tự động hóa tiếp tin nhắn), Smart Glasses (kính cho người mù),…
Về công tác giáo dục, đào tạo, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Việt - Anh (VNUK) Nguyễn Thị Mỹ Hương cho biết, tháng 4 tới, VNUK sẽ hoàn tất bản thảo giáo trình đào tạo khởi nghiệp. Theo bà Hương, VNUK sẽ thành lập không gian làm việc chung, kết nối với DNC (không gian làm việc chung tại DNES) để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các sinh viên khởi nghiệp.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh: Để hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng có thể đạt được mục tiêu mà đề án đặt ra, các thành phần trong hệ sinh thái (gồm doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, cơ quan chính quyền…) cần chủ động liên kết với nhau và liên tục mở rộng với các tỉnh, thành phố trong nước cũng như thế giới. Phó Chủ tịch đề nghị trong thời gian đến, cần tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo thành phố và cộng đồng khởi nghiệp. Đà Nẵng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành và tạo điều kiện tốt nhất để phát triển khởi nghiệp thành phố.
KHANG NINH