Đà Nẵng cuối tuần
Từ những suy nghĩ nhân văn
Ô nhiễm môi trường và điều kiện sống của người dân, đặc biệt là những người nằm trong vùng còn khó khăn và chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai chính là những câu chuyện thời sự chạm đến trái tim của chàng sinh viên trẻ Nguyễn Huỳnh Nhật Thương, lớp 12DT4, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng. Dự án cảnh báo lũ của Nhật Thương và các bạn ra đời từ những suy nghĩ đầy tính nhân văn đó.
Vì cộng đồng, hầu hết các đề tài nghiên cứu khoa học của Nhật Thương (phải) đều hướng đến bảo vệ môi trường và người dân yếu thế. Ảnh: Q.L |
Nỗi khốn khổ của bà con mỗi khi mưa lớn kéo dài và đập thủy điện xả lũ… xảy ra ngày càng nghiêm trọng khiến Nhật Thương không thể ngồi yên và bạn đã biến trăn trở dành cho cộng đồng thành những ngày miệt mài trên bàn nghiên cứu và cho ra đời nhiều đề tài nhằm vào mục đích khắc phục, hạn chế những hậu quả từ biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường gây ra cho người dân.
Nếu có dịp đến thăm phòng nghiên cứu khoa học của Nhật Thương và nhóm đề tài, bạn sẽ trầm trồ bởi “gia tài” nghiên cứu khoa học mà nhóm đã tích lũy được. Cùng với niềm đam mê của những người trẻ, nơi đây đã cho ra đời nhiều sản phẩm công nghệ hữu ích như: Kính thông minh cho người khuyết tật, Hệ thống thông báo cho người thân khi gặp sự cố té ngã của người già hay dự án Cảnh báo lũ mang đầy tính thời sự...
Dự án Cảnh báo lũ được xây dựng nhằm phát triển hệ thống cảnh báo sớm và hỗ trợ ra quyết định ban đầu cho cán bộ phòng chống lụt bão cấp tỉnh ở miền Trung – Tây Nguyên và các khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam. Với hệ thống này, các nhà quản lý thiên tai của Việt Nam có thể giám sát các đợt lũ lụt, cung cấp cảnh báo kịp thời đến địa phương và chia sẻ với các cơ quan ứng phó liên quan về các kết quả nắm bắt tình hình và đánh giá thiệt hại.
Các quyết định trong toàn bộ chu trình quản lý thiên tai hiện tại được đưa ra dựa trên dữ liệu gần thời gian thực, được cụ thể hóa và trình bày theo hình thức dễ tiếp cận, dễ hiểu và hoàn toàn có thể chia sẻ, trong đó bao gồm các cộng đồng và tài sản bị ảnh hưởng, thông tin nguy cơ và hơn thế nữa.
Trong môi trường này, cảnh báo sớm có thể và sẽ cứu nhiều sinh mạng, hoạt động sinh kế và các nguồn lực kinh tế quý giá. Mới nghe qua tưởng như đây chỉ là một hệ thống đơn giản nhưng thực chất, công trình này thực sự ấp ủ trong đó nhiều tình cảm và cống hiến mang tính khoa học của Nhật Thương dành cho người dân vùng gặp thiên tai, lũ lụt.
Đề tài này không chỉ mang về cho Nhật Thương giải nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2015 – 2016, mà còn gợi rất nhiều cảm hứng cho các bạn sinh viên có cùng đam mê nghiên cứu khoa học như Thương. Nguyễn Văn Long, sinh viên Trường ĐH Bách khoa, thành viên cùng nhóm nghiên cứu với Nhật Thương cho rằng: “Chính sự máu lửa và tính tiên phong của Nhật Thương đã liên kết được các thành viên trong nhóm, gây dựng được lòng tin và sự cố gắng để hoàn thành đề tài, dù quá trình thực hiện nó, nhóm gặp không ít những khó khăn”.
Chính mục đích và ý thức nghiên cứu khoa học trong Nhật Thương đã tạo nên những ấn tượng tốt đẹp về một thanh niên có nhiều hiểu biết, đam mê sáng tạo và có lý tưởng phục vụ cộng đồng. Thầy Vũ Vân Thanh, Giảng viên Trường ĐH Bách khoa, người đồng hành với nhóm nghiên cứu của Nhật Thương suốt nhiều năm qua, chia sẻ: “Đam mê nghiên cứu khoa học đã giúp Thương sáng tạo được những sản phẩm có ý nghĩa, thiết thực phục vụ cộng đồng. Hơn nữa, chính sự năng động, sáng tạo này sẽ trở thành một tiền đề tốt cho Thương trong công việc và sự nghiệp sau này”.
Là một cán bộ Đoàn, Nhật Thương rất ý thức trong tham gia các công tác xã hội. Với bạn, sáng tạo ra những sản phẩm phục vụ cộng đồng, có ý nghĩa bảo vệ môi trường và hỗ trợ tích cực cho những người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh cũng là một cách hoạt động xã hội tích cực.
Ngoài những đề tài đã thực hiện và gặt hái được thành công nhất định, Nhật Thương vẫn đang ấp ủ những dự định mới, kế hoạch mới. Hiện tại nhóm nghiên cứu của Nhật Thương đã bắt tay vào thực hiện một đề tài mang tính thời sự là xác định độ an toàn của nước dựa vào chỉ số đo đạc được từ đường bơi của cá. Đề tài này được nhóm nghiên cứu chia sẻ một cách khiêm tốn bởi nhóm còn cần nhiều điều kiện và thời gian để hoàn thiện trước khi công bố.
Trong lần gặp mặt này, chúng tôi dành thời gian ghé thăm chỗ trọ của Nhật Thương. Ngoài một góc dành cho việc học và chia sẻ những kiến thức kỹ thuật, Nhật Thương dành hẳn một căn phòng cho những đề tài khoa học của mình. Quan sát Thương hứng khởi chia sẻ những nghiên cứu của mình, chúng tôi có thể cảm nhận được một ngọn lửa của tình yêu dành cho khoa học và ý thức phục vụ cộng đồng luôn âm ỉ và khao khát được lan tỏa.
QUỲNH LINH