Thể thao

“Vua” có là “Vua”?

10:00, 15/04/2008 (GMT+7)

Sau trận thua 2-3 trước đội chủ nhà SHB Đà Nẵng, HLV Nguyễn Văn Thịnh của Sông Lam Nghệ An không ngần ngại khẳng định, trọng tài xử ép đội của ông khi “quất” Sông Lam đến 8 thẻ vàng!

Bước vào trận đấu, các trọng tài phải xác định rất rõ nhiệm vụ của mình.

Quả là một số thẻ kỷ lục - có lẽ của cả mùa bóng này - khi SHB Đà Nẵng cũng lãnh đến 4 thẻ vàng. Nhưng liệu có “oan khuất” gì hay không thì lại khác. Rồi ông thầy của Sông Lam lại liên hệ theo kiểu: “Trận tới, Sông Lam Nghệ An gặp Thể Công và trọng tài là người Hà Nội nên cứ phạt thẻ quân của tôi. Thế là đội của tôi mất người mà không chỉ trận đấu tới”.

Cái kiểu “mát mẻ” này chẳng mới bởi trước đây, lắm HLV còn liên hệ theo kiểu “ông ngoại của trọng tài Võ Minh Trí là người Long An” nên trọng tài này thường “xử ép” đối thủ của Đồng Tâm (!). Hay như ông Calisto lại khăng khăng, do quá trực tính nên lắm trọng tài “ghét lây” cầu thủ Long An vì những “ông Vua sân cỏ” không thích ông thầy người Bồ Đào Nha này. Thậm chí, có đội còn gây áp lực bằng cách khẳng định, “sẽ không thi đấu nếu bố trí trọng tài A, trọng tài B… điều hành trận đấu” (?).

Chưa hết, mới đây, liên tiếp 2 vụ ì xèo khi các trọng tài Phùng Đình Dũng bị tố cáo đã “chửi tục” cầu thủ Tăng Tuấn của Hoàng Anh Gia Lai và trọng tài Đỗ Quốc Hoài “đe dọa” tiền đạo Lê Công Vinh.

Và để điều hành tốt trận đấu, mỗi trọng tài phải biết vượt qua những áp lực không chỉ từ khán giả.

Trả lời báo chí, Chủ tịch Hội đồng Trọng tài Quốc gia Nguyễn Văn Mùi nói: Không. Trong lúc đó, cầu thủ lẫn lãnh đạo 2 đội đều bảo: Có. Có người, tin lời cầu thủ hay lãnh đạo đội bóng thì nhanh nhẩu phê phán trọng tài. Và sự nhanh nhẩu ấy khiến nhiều người quên rằng, Công Vinh cũng khẳng định: “Tôi ít khi giả vờ ngã”. Nghĩa là, cầu thủ này chẳng phải chưa từng “vờ” để qua mặt trọng tài. Có người lại bảo, cầu thủ bây giờ tinh tướng lắm nên cứ “đổ vạ” cho trọng tài. Còn vị lãnh đạo “các ông Vua sân cỏ”, dĩ nhiên, phải biết bảo vệ quân của mình. Song quả thực, chẳng ai dám khẳng định “có” hay “không” khi chẳng phải tất cả đều nghe thấy toàn bộ sự việc. Có điều, không thể phủ nhận, chẳng phải không có những “ông Vua” ưa quát tháo cầu thủ và xem đấy là một trong những cách thể hiện quyền uy của mình.

Tuy nhiên, giữa “quát tháo” và “chửi bới” cầu thủ, khoảng cách lại rất lớn. Đáng tiếc hơn khi phần lớn các lãnh đạo lẫn những ông thầy lại thường bênh vực quân của mình như ông Thịnh nghiêng về Công Vinh hay một lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai khẳng định chắc nịch việc Tăng Tuấn bị “chửi” vì tội câu giờ.
Một vị giám sát - từng là lãnh đạo một đội bóng mạnh ở miền Trung - tâm sự: “Điều đáng tiếc là không ít trưởng đoàn hay HLV lại hay hùa theo cầu thủ mà không cần biết bản chất của sự việc như thế nào. Từng là người cầm quân nên tôi hoàn toàn thông cảm với những bức xúc (nếu có) của các đội. Nhưng điều này không đồng nghĩa với những hành vi, lời nói và cả phản ứng phi thể thao, thiếu đạo đức mà một số cá nhân, một số đội bóng đối với trọng tài”.

Còn trong những vụ việc cụ thể này, quả rất khó để xác định cái sai, cái đúng ra sao khi mỗi người một phách. Song có lẽ, đây là kinh nghiệm mà cả Hội đồng Trọng tài Quốc gia lẫn những “ông Vua sân cỏ” cần rút kinh nghiệm cho bản thân mình. Bởi, như ông bà ta từng bảo: “Không có lửa làm sao có khói!”. Ở những đội bóng, cái kiểu “mát mẻ” như Công Vinh với trọng tài Đỗ Quốc Hoài rằng: “Anh bắt hay quá!”, liệu có nên cổ xúy chăng? Đó chính là trách nhiệm của các đội bóng trong việc uốn nắn, giáo dục cầu thủ của mình, thay vì cứ chăm chăm vào trọng tài sau mỗi lần thất bại.

Cái lỗi của trọng tài ở đây là chưa sử dụng đúng quyền hạn cần thiết của mình. Chỉ hình ảnh rất đông cầu thủ “xúm đen, xúm đỏ” quanh trọng tài sau mỗi chiếc thẻ phạt nhưng không được xử lý kiên quyết cũng là một dẫn chứng cho khả năng hành xử của những “ông Vua” chưa đúng mức. Trong lúc đó, quy định của luật chỉ cho mỗi đội trưởng mới có quyền trao đổi với trọng tài. Nhưng với bóng đá Việt Nam, dường như việc thi hành điều luật này vẫn là một điều xa xỉ chăng? Cho nên, nếu các “ông Vua sân cỏ” chưa thể hiện đúng quyền năng của mình cũng như những ông thầy hay lãnh đạo các đội bóng vẫn không tỉnh táo để phân định đúng - sai, sân cỏ Việt Nam vẫn cứ “loạn” dài dài…

BẢO AN

.