.
PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ VH-TT&DL NGUYỄN PHÚC LINH:

Phải xây dựng thái độ chuyên nghiệp để thành công

.

Một mùa thi đấu không thể được xem là thành công của Thể thao Đà Nẵng khi những môn chủ lực và có khả năng tranh chấp rất cao như Điền kinh, Bơi lội, Cử tạ, Billiards, Đua thuyền truyền thống... đều không thể hiện được năng lực chuyên môn. Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng NGUYỄN PHÚC LINH đã phân tích những nguyên nhân chủ yếu về những kết quả không mỹ mãn này:

- Dù Bùi Thị Nhật Thanh giành 2 HCV điền kinh nhưng thành tích không vượt trội, chưa kể đến VĐV này đã qua thời kỳ đỉnh cao. Ngọc Ly mất HCV ném búa nữ khi đối thủ đến từ Vĩnh Long giành chiến thắng thuyết phục. Trong khi đó, đội tuyển Cử tạ đã gây thất vọng với nguyên nhân chủ yếu do HLV chỉ đạo thiếu sát sao. Trên đường bơi, nếu không tính đến thành tích huy chương, những chỉ số chuyên môn của Hoàng Quý Phước phù hợp với nhịp độ tăng trưởng, bởi em còn khá trẻ và thời gian tập luyện chỉ mới bằng 1/3 so với những tay bơi đàn anh. Nếu được đầu tư về chuyên môn, được cung cấp chế độ dinh dưỡng hợp lý, được giáo dục đạo đức chuẩn mực, Hoàng Quý Phước hoàn toàn có thể là một trong những tay bơi hàng đầu của quốc gia.

Nhìn tổng quan, nếu năm 2010, Thể thao Đà Nẵng giành được số lượng HCV như mùa thi đấu 2009 thì có thể được xem là thành công, nhưng chắc chắn tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010), tính quyết liệt sẽ cao hơn hẳn. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng, nếu các đội tuyển Thể thao Đà Nẵng tập trung tập huấn đạt chất lượng thì khả năng cải thiện thành tích là rất lớn...

* Ông dự báo thế nào về những thành quả mà Thể thao Đà Nẵng có thể giành được tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010)?

- Có những VĐV xuất sắc song chính sự chủ quan, tự mãn đã khiến chúng ta phải trả giá trong năm 2009. Để hướng đến thành công, Thể thao Đà Nẵng và bản thân mỗi VĐV phải xây dựng cho mình thái độ chuyên nghiệp, dù đã đứng trên đỉnh vinh quang.

Từ thực tế hiện nay, xét về giác độ chuyên môn, việc nằm trong nhóm 10 đơn vị dẫn đầu Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010) là hoàn toàn trong khả năng của Thể thao Đà Nẵng. Vấn đề là chúng ta ở vị trí cụ thể nào. Ngay việc đề ra mục tiêu lọt vào top 7 với 28-32 HCV, thực ra cũng mang tính dự báo khi vị trí và số lượng HCV chưa hẳn đã tương thích vì còn phụ thuộc rất nhiều vào sự phân chia số lượng huy chương của các đơn vị bạn.

Với Thể thao Đà Nẵng, ngành TDTT đã xây dựng kế hoạch năm 2010 và đã được UBND thành phố phê duyệt. Qua đó, một số môn đã triển khai tập huấn; đặc biệt ưu tiên cho những VĐV trong vùng tranh chấp HCV và những VĐV có tiềm năng. Có thể thấy, ngành TDTT đã được lãnh đạo thành phố tạo mọi điều kiện thuận lợi như ngành được tự điều chỉnh kế hoạch tập huấn phù hợp; các chế độ, chính sách đãi ngộ được nâng cao hơn trước. Vấn đề còn lại là ngành TDTT tổ chức, triển khai như thế nào để đạt hiệu quả mong muốn.

* Theo quan điểm cá nhân, ông có ý kiến gì về việc ngành TDTT đang có định hướng dừng việc chuyển nhượng VĐV để thay bằng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo?

- Công tác đào tạo, đầu tư lực lượng tại chỗ vẫn là nền tảng để Thể thao Đà Nẵng phát triển bền vững trong tương lai. Và đó là một định hướng hoàn toàn đúng đắn.

Hiện tại, để phục vụ yêu cầu của Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010), vì không có nhiều thời gian nên chúng ta phải chấp nhận giải pháp tạm thời. Thế nhưng, với một số VĐV chuyển nhượng mới cũng chỉ giúp Thể thao Đà Nẵng nâng cao xác suất tranh chấp huy chương và phục vụ đủ các nội dung thi đấu hơn là chờ đợi sự đóng góp thành tích HCV. Hơn thế nữa, đây chính là những VĐV sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền tảng vững chắc cho Thể thao Đà Nẵng trong tương lai...

NGUYÊN AN (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.