.

Thu hồi tên

.

Nghe có vẻ lạ đời nhưng trên thực tế, “thu hồi tên” là khái niệm mới xuất hiện liên quan đến một chuyện dùng dằng ảnh hưởng trực tiếp đến số phận một đội bóng. Tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo Câu lạc bộ bóng đá TP. Hồ Chí Minh, vị đại diện chính quyền TP. Hồ Chí Minh đã khuyến cáo đội bóng này cần cụ thể hóa mục tiêu phát triển và kế hoạch đầu tư hẳn hoi nếu không muốn bị cấp thẩm quyền thu hồi tên gọi mà đội bóng đang mang.

Mô tả ảnh.

Đội bóng Navibank Sài Gòn. Ảnh tư liệu

Lời đe dọa có lẽ xuất phát từ hình ảnh èo uột, thành tích mờ nhạt của đội bóng này trong mùa giải vừa kết thúc (trụ hạng trong thế ngàn cân treo sợi tóc). Nó chắc chắn cũng bắt nguồn từ không khí uể oải gần đây của bóng đá thành phố này sau khi Câu lạc bộ TP. Hồ Chí Minh và Navibank Sài Gòn thi đấu trầy trật ở giải hạng nhất quốc gia và V-League.

Trước lúc xuất hiện khuyến cáo trên, bóng đá ở nơi từng là trung tâm lớn thứ hai của cả nước sống trong không khí khá ảm đạm: Đại diện duy nhất của họ ở sân chơi đỉnh cao phải hú hồn trụ hạng bằng trận play-off nhiều tai tiếng, sau đó là tuyên bố từ chức của Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá thành phố - ông Lê Hùng Dũng.

Cùng với việc từ nhiệm, nhân vật đứng đầu làng bóng thành phố đã than thở huỵch toẹt bao nhiêu trở lực, sức ì khiến bóng đá TP. Hồ Chí Minh ngày càng đi xuống, đặc biệt cho rằng Liên đoàn Bóng đá ở thành phố này chỉ là tổ chức hữu danh vô thực, thiếu quyền hành, không sai khiến được các đội bóng. Điều oái oăm là, theo ông Dũng, khi các đội bóng thi đấu không hiệu quả thì bao nhiêu chê trách lại trút lên đầu của liên đoàn trong khi chính lãnh đạo các câu lạc bộ mới là địa chỉ chịu trách nhiệm chính.

Thực hư lời than vãn của người đứng đầu làng bóng thành phố là chuyện còn bàn cãi - có người chia sẻ với các khó khăn của lãnh đạo liên đoàn, không ít người chỉ ra chỗ yếu kém, thiếu trách nhiệm của chính các vị này - song những khủng hoảng mà làng bóng TP. Hồ Chí Minh đang gánh chịu khiến công chúng không khỏi giật mình.

Từ một trung tâm lớn của bóng đá cả nước, nơi in đậm dấu ấn vàng son của những Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Sở Công nghiệp, Công an TP. Hồ Chí Minh một thời gian dài ngự trị trên cương vị cao nhất đến một vùng đất nhiều phen trầy trật, lay lắt vì cuộc chiến trụ hạng ở hai sân chơi hạng nhất, V-League, từ một cái nôi sản sinh nhiều tài năng sân cỏ cung cấp cho các đội tuyển quốc gia đến thực tế phải chạy vạy, vay mượn tên tuổi, mua lại thương hiệu để sống sót trên chiếc chiếu V-League, sự trượt dốc bi thảm này xuất phát từ đâu?

Vì sao nhân tài bóng đá thành phố này cứ tha phương cầu thực ở những làng cầu vốn mang danh là bóng đá tỉnh lẻ, việc đào tạo các tuyển trẻ không tạo được sự tin cậy của phụ huynh? Rất nhiều câu hỏi đặt ra và câu hỏi nào cũng dễ khiến người ta kinh ngạc về sự tắc trách, thói chủ quan tự phụ và tình trạng “cha chung không ai khóc” xảy ra trong đội ngũ những người được giao trọng trách lèo lái con thuyền bóng đá của thành phố này.

“Xin hãy ra tay cứu lấy bóng đá Sài Gòn”, người đưa ra lời đề nghị khẩn khoản này là ông Mai Đức Chung, một người làm bóng đá trưởng thành từ sân cỏ phía Bắc hiện dẫn dắt đội Navibank Sài Gòn. Chẳng biết những người có trách nhiệm cao nhất của bóng đá TP. Hồ Chí Minh có thấy xốn xang trước lời kêu cứu này và một nhân vật từ nhiệm liệu có phải là giải pháp căn cơ vực dậy một làng bóng trên đường rệu rã? Chưa thấy tia sáng nào lóe lên từ bóng đêm tăm tối đang vây bủa làng bóng thành phố này.

Tường Phước

;
.
.
.
.
.