Thể thao

Câu chuyện thể thao

Nỗi lo SHB

07:50, 24/12/2014 (GMT+7)

Ngày 15-12-2011, khi Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHBank) khởi công dự án Trung tâm TDTT SHB Đà Nẵng (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), đã có không ít ngờ vực.

Bởi tiếp nhận một vùng đồi núi với diện tích đến gần 30 héc-ta cùng phác thảo tuyệt vời về tương lai của một Trung tâm TDTT mang tầm vóc quốc tế, như phát biểu của ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT SHBank - trong ngày khởi công không dễ thuyết phục tất cả.

Khu nhà ở của CLB Chuyên nghiệp đang được hoàn thiện, sẽ giúp SHB Đà Nẵng “an cư”. Nhưng bài toán “lạc nghiệp” vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.
Khu nhà ở của CLB Chuyên nghiệp đang được hoàn thiện, sẽ giúp SHB Đà Nẵng “an cư”. Nhưng bài toán “lạc nghiệp” vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.

Với tổng mức đầu tư lên đến hơn 700 tỷ đồng, Trung tâm TDTT SHB Đà Nẵng có một sân vận động đến 10.000 chỗ ngồi, một số sân tập cỏ tự nhiên lẫn cỏ nhân tạo; sân bóng rổ; bể bơi; khu dịch vụ - mua sắm, nhà vật lý trị liệu, khu nhà ở cho VĐV…

Cũng theo ông Đỗ Quang Hiển, việc xây dựng dự án này là một bước nhằm cụ thể hóa quy hoạch chung của ngành TDTT thành phố Đà Nẵng nói chung; cũng như chiến lược phát triển của CLB SHB Đà Nẵng nói riêng, giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; tạo tiền đề cho chủ trương xã hội hóa hoạt động đầu tư trong ngành TDTT.

Đến nay, một số hạng mục chính gồm khu nhà ở 3 tầng cho CLB chuyên nghiệp SHB Đà Nẵng, khu nhà ở 5 tầng cho các tuyến trẻ, 5 sân bóng đá (gồm 3 sân cỏ tự nhiên và 2 sân cỏ nhân tạo) đang từng bước được hoàn thiện… với tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng. Như người xưa nói “có an cư, mới lạc nghiệp”, nhưng với CLB SHB Đà Nẵng, nỗi lo cứ canh cánh khi sân vận động Chi Lăng trong tình trạng có thể bị giải tỏa bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, sân vận động Hòa Xuân vẫn chưa được hoàn thiện đủ để đáp ứng yêu cầu chuyên môn, theo quy định của VFF và VPF. Suốt thời gian qua, do Tập đoàn Thiên Thanh đã sở hữu sân Chi Lăng nên công tác bảo dưỡng, duy tu mặt sân, khán đài lẫn các phòng chức năng không còn được chú trọng như lúc còn thuộc quyền quản lý của thành phố.

Vì thế, ngoài các khán đài, mặt sân Chi Lăng đã xuống cấp nghiêm trọng, dù trước kia, sân Chi Lăng là một trong những sân vận động chất lượng nhất của cả nước. Chính điều này khiến công tác chuẩn bị của CLB SHB Đà Nẵng bị ảnh hưởng không nhỏ. Mái che của khán đài A cũng bị dỡ bỏ sau khi chịu ảnh hưởng của cơn bão số 11 hồi tháng 10-2013.

Trong một buổi tiếp xúc cùng lãnh đạo thành phố, đại diện CLB SHB Đà Nẵng từng có đề xuất, cần thiết có những sửa chữa nhỏ đối với sân Chi Lăng và trong trường hợp được tham gia đấu trường châu Á, việc CLB SHB Đà Nẵng phải bỏ cuộc như Hải Phòng là rất rõ, do cơ sở vật chất không đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu của AFC (Liên đoàn Bóng đá châu Á).

Nếu thế, nỗi lo “lạc nghiệp” với thầy trò HLV Lê Huỳnh Đức vẫn còn đó và lớn hơn, Đà Nẵng sẽ bỏ lỡ cơ hội quảng bá hình ảnh của mình trên sân cỏ châu lục nếu CLB SHB Đà Nẵng giành được thành tích khả quan ở mùa giải năm nay.

Bài và ảnh: NGUYÊN AN

.