Đà Nẵng cuối tuần
Mất gốc và chuyện đến hẹn lại lên
Khán đài trống vắng khán giả, sàn đấu thưa thớt người xem, các cuộc tranh tài hầu như chỉ nhằm phục vụ cho chính quan chức thể thao và vận động viên các đoàn, đại hội thể dục thể thao toàn quốc vừa kết thúc tại Nam Định trong không khí lặng lẽ và gần như trôi tuột trong mắt công chúng thể thao cả nước.
Ít người tìm thấy dấu ấn đáng nhớ cho sự kiện thể thao lớn nhất toàn quốc 4 năm diễn ra một lần dù vô số kỷ lục được thiết lập, dù các đoàn vẫn níu giữ số lượng về huy chương để làm cơ sở tổng kết năm thể thao bận rộn của địa phương mình.
Hờ hững, bàng quan là điều dễ nhận ra từ phía công chúng dù về lý thuyết đây là vận hội thể thao đỉnh cao của cả nước giữ vai trò phô diễn, chắt lọc, tổng kết tất cả những tinh túy, ưu việt của nền thể thao nước nhà.
Sự trái ngược giữa khán đài sân Mỹ Đình ở giải AFF Cup và Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII diễn ra tại Nam Định.Ảnh: Thethaovanhoa.vn |
Các chuyên gia có trách nhiệm, từng gắn bó với sự nghiệp thể thao bỗng nhìn lại ý nghĩa, mục đích của đại hội thể dục thể thao để đặt câu hỏi liệu có nên tiếp tục đầu tư vào các đại hội lãng phí công của như thế. Có thể còn nhiều tranh luận xung quanh chủ đề này nhưng điều dễ tìm ra sự đồng tình chính là lập luận: nếu không cải tiến phương thức tổ chức, nếu cứ bổn cũ soạn lại cách làm từng diễn ra hằng vài chục năm trước thì thà đừng tổ chức đại hội thể dục thể thao vẫn hay hơn.
Ai cũng thấy thói chạy theo thành tích đang kìm hãm phong trào thể thao của các địa phương, từ đó dẫn đến cảnh dậm chân tại chỗ của thể thao nước nhà so với bè bạn khu vực. Cảnh các địa phương chạy đua xây dựng cơ sở vật chất- nổi bật nhất là cảnh nảy nở vô tội vạ các nhà thi đấu cao to, hoành tráng- trong lúc thờ ơ với công tác đầu tư, đào tạo nguồn lực thể thao trẻ trở thành hiện tượng phổ biến.
Như nhận xét của ông Hà Quang Dự, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao, các đại hội thể dục thể thao toàn quốc hiện mang nặng tính hình thức, tranh đua thành tích giữa các địa phương, dẫn đến hiện tượng mua bán vận động viên để giành giật huy chương.
Các cuộc tranh tài, vì thế, không phản ánh trung thực trình độ, sức phát triển thể thao ở cơ sở, địa phương để từ đó giúp cơ quan chức năng có cái nhìn chính xác về thực trạng thể thao nước nhà nhằm định hướng phát triển.
Nghịch lý phải chăng nằm ở chỗ ai cũng biết giá trị thực tế kém thuyết phục của các đại hội thể dục thể thao nhưng các đại hội thì vẫn tuần tự… đến hẹn lại lên. Ai cũng biết đồng tiền đổ vào các đại hội thể dục thể thao toàn quốc không mang lại hiệu quả thiết thực nhưng cảnh lãng phí thì vẫn tiếp tục!
Mất gốc là cảnh báo của nhiều chuyên gia trước thực trạng thể thao nước nhà hờ hững với thể thao cơ sở, buông lơi thể thao học đường. Giáo sư Dương Nghiệp Chí, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học thể dục thể thao, cho rằng thể thao Việt Nam hiện mất toàn bộ hệ thống đào tạo vận động viên trẻ, mờ nhạt phong trào thể thao học đường.
Theo ông, thay vì đổ tiền vào các đại hội thể dục thể thao, cần đầu tư công của, sức lực vào thể thao ở các trường học. Có như vậy, cơ quan chức năng mới phát hiện được các nhân tố mới để kịp thời đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực thể thao cho nước nhà.
Vào lúc tính cạnh tranh thao trường giữa các nước ngày càng quyết liệt, ngay cả các nước vốn chậm phát triển trong khu vực như Myanmar, Campuchia cũng đang chuyển hướng theo hướng tiên tiến, cần biết bao những cái đầu thể thao Việt Nam mạnh dạn thoát khỏi sức ì để kịp chuyển đổi!
ĐÌNH XÊ