40 năm sau ngày giải phóng, Đà Nẵng đã phát triển vượt bậc để trở thành “thành phố đáng sống”, động lực của miền Trung và cả nước. Song hành với nhịp đập của thành phố, bóng đá sông Hàn cũng có bước phát triển rất đáng tự hào.
SHB Đà Nẵng (trái) gặt hái nhiều thành công trong những năm gần đây nhờ công tác đào tạo trẻ tốt. Ảnh: Quang Nhựt |
Bóng đá Đà Nẵng đến thời điểm này đã trở thành một thế lực của cả nước, với đầy đủ danh hiệu trong nước cho bộ sưu tập thành tích. Nhắc đến những chặng đường phát triển, những đỉnh điểm vinh quang thì người hâm mộ sông Hàn vẫn tự hào nhất về “Thế hệ vàng” vô địch giải A1 năm 1992.
Nhớ mãi thế hệ vàng
Năm 1976, bóng đá Quảng - Đà đá giải Trường Sơn với hai đại diện là Công nhân Quảng Nam - Đà Nẵng và Thanh niên Đà Nẵng, cùng với các đối thủ khác là Nghĩa Bình, Bình Trị Thiên, Phú Khánh, Gia Lai - Kon Tum, Đăk Lăk.. Năm đó, Thanh niên Đà Nẵng lập chiến tích khi cầm chân Bình - Trị - Thiên trên sân Buôn Ma Thuột để giúp Công nhân Quảng Nam-Đà Nẵng đoạt chức vô địch. Năm 1979, Quảng Nam Đà Nẵng thi đấu phân hạng nhưng không được lên A1 (tương đương giải VĐQG bây giờ) khi xếp sau Phú Khánh và Nghĩa Bình.
Phải đến năm 1982, giấc mơ giành quyền tham dự giải VĐQG của bóng đá Quảng Nam – Đà Nẵng mới được hiện thực khi đội Cảng Đà Nẵng dưới sự chỉ đạo của HLV Lê Đình Chính đã về nhất giải A2 toàn quốc. Giành quyền thăng hạng, bóng đá Quảng-Đà tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ đăng quang giải VĐQG. Sau 3 lần giành á quân (1987, 1990 và 1991), đến mùa giải 1992, đội bóng Quảng Nam – Đà Nẵng do Trần Vũ dẫn dắt đã đăng quang giải vô địch QG lần đầu tiên trong lịch sử. Một năm sau, họ vô địch Cúp QG.
Ông Phạm Phú Hùng, người trưởng thành từ phong trào bóng đá học đường, gia nhập đội Cảng Đà Nẵng, thanh niên Quảng Nam - Đà Nẵng thi đấu ở giải Trường Sơn 1976 trước khi được tuyển vào đội Quảng Nam – Đà Nẵng hồi tưởng: “Từ giai đoạn 1992-1995 trở về trước, sân Chi Lăng tổ chức trận then chốt là người xếp hàng rồng rắn lúc giữa trưa, nối hàng dài từ đường Lê Duẩn, Hùng Vương… đợi mua vé vào sân. Dân Đà Nẵng yêu bóng đá, thương cầu thủ lắm. Lứa “Thế hệ vàng” làm nên lịch sử cho bóng đá Đà Nẵng năm 1992 có Phan Thanh Hùng, Phan Công Thìn, Trần Minh Toàn, Bùi Thông Tân, Bùi Thông Tuân, Trương Văn Lợi, Hoàng Kim Tuấn, Bùi Nam, Phương Trung, Hữu Cầu, Lê Văn Sinh...”.
Phát triển nhờ đào tạo trẻ
Sau hai chức vô địch 1992 và 1993, bóng đá Đà Nẵng bước vào giai đoạn thoái trào, đến năm 1995 xuống hạng. Năm 1997 giao cho Cấp nước đá hạng Nhất. Năm 1997 tách tỉnh, ông Nguyễn Bá Thanh (hồi đó là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) chỉ đạo nhập đội Cấp nước và một số đội trong thành phố thành đội Đà Nẵng.
Đến năm 2001, Đà Nẵng thăng hạng chuyên nghiệp từ đó đến nay. Trước mùa giải 2008, CLB Đà Nẵng đổi tên thành SHB Đà Nẵng sau khi Sở TDTT Đà Nẵng chuyển giao đội bóng cho Ngân Hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB.
Mùa giải 2009, SHB Đà Nẵng đã giải cơn khát danh hiệu kéo dài 17 năm khi giành cú đúp là chức vô địch V-League và Cup QG. Kể từ đó, bóng đá Đà Nẵng trở thành một thế lực V-League và giành thêm 1 chức vô địch V-League (2012), 1 Siêu cúp QG (2012). Tất cả những thành công này gắn liền với cái tên Lê Huỳnh Đức.
Theo TT&VH