Thể thao
Phấn đấu vượt qua khó khăn
Gần như “trắng” cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị phục vụ nhu cầu luyện tập thể thao của người dân bằng không, ngành TDTT Liên Chiểu vẫn cứ loay hoay giữa những khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, Trung tâm Văn hóa - Thể thao (VH-TT) quận buộc phải tìm những giải pháp khả dĩ nhất cho mình.
Với sự đầu tư có chiều sâu, hy vọng các cầu thủ “nhí” Liên Chiểu (phải) sẽ có được kết quả khả quan tại giải Bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng Báo Đà Nẵng lần thứ 4 (2015). |
Xác định những bộ môn thế mạnh và căn cứ vào thực tế của địa phương, ngành TDTT Liên Chiểu tập trung xây dựng các loại sân trong bộ môn bóng đá, từ sân 11 người đến bóng đá mini, bóng đá bãi biển cũng như futsal, đua thuyền, bóng chuyền bãi biển lẫn bóng chuyền trong nhà rồi võ cổ truyền. Tận dụng mối quan hệ gắn kết từ lâu với Trung tâm Giáo dục thể chất (Đại học Đà Nẵng) hoặc với các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn, từ đó, Trung tâm VH-TT quận nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ các đơn vị bạn.
Trong đó, việc tập trung đầu tư chiều sâu cho lứa vận động viên (VĐV) thiếu niên - nhi đồng được xem là nền tảng cho chiến lược phát triển thể thao của Liên Chiểu.
Với gần 50 sân cỏ nhân tạo trên địa bàn, từ dịp hè 2014, cùng với Ban chỉ đạo hoạt động hè, Trung tâm VH-TT quận đã tổ chức các lớp bóng đá (U-11 và U-13) hay bóng bàn (U-11đến U-15) cho các em thiếu niên - nhi đồng có năng khiếu và đam mê thể thao, mỗi lớp khoảng 20-25 học viên. Đến nay, các lớp năng khiếu này tiếp tục được duy trì thường xuyên và liên tục. Để đánh giá chất lượng đào tạo, sau từng khóa huấn luyện, các VĐV nhí được tham gia thi đấu các giải bóng đá, bóng bàn do Trung tâm VH-TT quận tổ chức. Nhờ đó, khi về lại trường, lứa VĐV này trở thành những “hạt nhân” để góp phần thúc đẩy phong trào thể thao học đường của quận.
Trước những thắc mắc về những khó khăn trong việc đào tạo cơ bản cho các VĐV lứa U-11 và U-13, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT Đặng Anh Tuấn giải thích: “4 cán bộ chuyên trách thể thao của Trung tâm đều tốt nghiệp Đại học TDTT, chúng tôi tổ chức các khóa đào tạo, hướng dẫn cho lực lượng cộng tác viên ở 5 phường; đồng thời thường xuyên cử cán bộ chuyên môn đến theo dõi và hỗ trợ các đơn vị cơ sở để công tác huấn luyện, đào tạo đạt hiệu quả tốt nhất”.
Nỗ lực là vậy nhưng nói như Giám đốc Trung tâm VH-TT quận Huỳnh Tám, ngành TDTT vẫn rất cần được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ nhu cầu luyện tập, thi đấu thể thao của cư dân Liên Chiểu. Bởi lẽ, số lượng sân cỏ nhân tạo đã vượt “cầu” nhưng toàn bộ số sân bãi ấy đều của tư nhân. Hay việc các đơn vị quân đội, Trung tâm Giáo dục thể chất (Đại học Đà Nẵng) nhiệt tình hỗ trợ phong trào nhưng để chủ động trong hoạt động, ngành TDTT Liên Chiểu không thể mãi trong cảnh “ăn chực, nằm nhờ”. Vì thế, dù khó khăn nhưng đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành TDTT cũng phải cố gắng tối đa, tìm giải pháp phù hợp để duy trì và phát triển phong trào. Tuy nhiên, đội ngũ cộng tác viên TDTT phần lớn không phải là “người Nhà nước”, nên chẳng thể buộc họ hoạt động phong trào chỉ bằng sự đam mê mà phải có sự hỗ trợ vật chất, trang thiết bị…
Đã 18 năm kể từ khi quận Liên Chiểu được thành lập đến nay, thiết chế VH-TT của quận vẫn chưa có những chuyển biến tích cực. Trong bối cảnh “tay trắng” ấy, ngành TDTT quận cũng gặt hái được không ít thành công; thay vì, chấp nhận “trắng tay”. Dù vậy, những nỗ lực cao nhất, cũng đều đến một giới hạn nhất định.
Để TDTT Liên Chiểu không “thua chị, kém em”, rất cần sự đầu tư căn cơ, mạnh mẽ hơn nữa.
Bài và ảnh: BẢO AN