Thể thao

Đi bộ đến vinh quang!

08:59, 28/09/2015 (GMT+7)

Đến với thể thao để gia đình… bớt một miệng ăn. Song, nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân đã đưa Nguyễn Thị Thanh Phúc chạm vào vinh quang theo cách ấn tượng nhất.

Từ nỗ lực để thoát khỏi sự nghèo khó, Thanh Phúc đã đến với vinh quang sau những khổ luyện của chính mình.
Từ nỗ lực để thoát khỏi sự nghèo khó, Thanh Phúc đã đến với vinh quang sau những khổ luyện của chính mình.

Là con thứ tư trong một gia đình có đến 7 người con (5 trai, 2 gái) ở xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), từ nhỏ, Phúc đã biết sẻ chia khó khăn cùng gia đình. Cả nhà chỉ trông chờ vào 5 sào ruộng khoán nên ba mẹ của Phúc phải làm thêm rất nhiều việc để đủ cái ăn cho 9 người. Ngay cả chị em Thanh Phúc sau giờ học cũng phải trèo đèo, lội suối mỗi ngày để bứt đót, hái chè cho mẹ mang đi bán. Đã vậy, chuyện phải nhịn ăn sáng, rồi chị em dắt díu nhau đến trường trên quãng đường hơn 2 cây số là hết sức bình thường.

Cái nghèo, cái khó cứ đeo đẳng để con đường đến với thể thao của Nguyễn Thị Thanh Phúc như một định mệnh.

Năm 2004, theo chân chị là Nguyễn Thị Tuyết Diễm, VĐV chạy 5.000 mét nữ của đội tuyển trẻ Đà Nẵng, gia nhập điền kinh Đà Nẵng, trong Thanh Phúc chỉ suy nghĩ đơn giản: “Xin đi tập thể thao để gia đình… bớt một miệng ăn”. Cho nên, khi được chọn vào tổ chạy cự ly dài 5.000 mét và 10.000 mét, Phúc chẳng hề ngại ngần. Chỉ sau vài tháng, HLV Trần Anh Hiệp phát hiện ở Phúc có những tố chất phù hợp với môn đi bộ. Thế là Phúc bắt đầu “bén duyên” cùng đội tuyển đi bộ.

Chẳng phải mọi thứ suôn sẻ như lúc này, bởi trong khoảng thời gian đầu, cứ sau mỗi buổi tập, toàn bộ cơ thể của Thanh Phúc như rã rời. Song, tất cả vẫn không thể đánh gục ý chí của cô gái nhỏ nhắn này. Ngoài những ám ảnh của cái nghèo, cái khó từ thuở ấu thơ, Phúc còn tâm niệm: “Đã bước chân đi, nguyện gắn bó với thể thao thì vất vả, khó khăn đến mấy cũng phải làm nên chuyện. Chứ bỏ cuộc nửa chừng thì còn mặt mũi nào để nhìn ba mẹ, nhìn mọi người!”.

Vượt qua chính mình, đến lượt Thanh Phúc phải đối mặt với những điều tiếng từ những người hàng xóm lẫn sự xót xa của mẹ. Song, cô đã biết cách vượt qua khi mục đích lúc này không chỉ là “miếng cơm, manh áo” mà còn giành vinh quang cho thể thao Đà Nẵng.

Sau chiếc HCV đi bộ đầu đời ở giải trẻ năng khiếu mục tiêu năm 2005, Thanh Phúc trở thành “độc cô cầu bại” ở các giải đấu trong nước. Không những thế, cô gái Đà Nẵng này còn lập được “hat-trick” với 3 lần liên tiếp đăng quang tại các kỳ SEA Games 26, 27 và 28.

Đã một lần Thanh Phúc có ý định giã từ đường đua do suýt mất chiếc HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 5 (2006) khá oan uổng khi một đồng đội của cô… phạm quy trên đường đua. Sau đó, nhờ sự phán xét công minh của ông Nguyễn Hồng Minh, lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, Tổng trọng tài, thành tích HCV của Thanh Phúc mới được công nhận. Tại SEA Games 27, cô cũng suýt mất danh hiệu vô địch khi trên đường đua, VĐV của nước chủ nhà Myanmar là Saw nar Lar New “vừa đi, vừa chạy” để chạm đích trước. Tuy nhiên, công bằng cũng được trả lại khi Lar New bị tước HCV do dương tính với doping và Thanh Phúc được nhận chiếc HCV, dù… muộn đến 2 năm.

Giành khá nhiều danh hiệu nhưng có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất với Thanh Phúc vẫn là lần tham gia tranh tài tại Olympic London 2012.

Không được nằm trong nhóm VĐV được đầu tư trọng điểm và khi tham gia giải Đi bộ 20km vô địch châu Á hồi tháng 3-2012 ở Nomi Shi, cũng chỉ để cọ xát, tích lũy kinh nghiệm. Thế nhưng, Thanh Phúc lại giành HCĐ, cùng thành tích vượt qua chuẩn B. Trên đất Anh, từ cái tự ái “không muốn để người ta chê người Việt kém cỏi”, Thanh Phúc cũng hoàn thành khá tốt bài thi của mình với thời gian 1 giờ 33 phút 36 giây để về đích ở thứ hạng 36/61 VĐV; đồng thời, phá kỷ lục quốc gia do chính cô lập nên tại Nomi Shi trước đó.

Tương lai không xa, Thanh Phúc sẽ giã từ đường Đi bộ. Và cô gái nhỏ nhắn ấy lại tiếp tục đối mặt những thử thách phía trước với hy vọng sẽ chinh phục thành công như đã từng thành công…

Bài và ảnh: NGUYÊN AN

.