Thể thao

Có một Vũ Văn Tư trong tôi

08:22, 15/12/2015 (GMT+7)

Những ai từng gắn bó với ông, không quá khó để nhận thấy một Vũ Văn Tư khá trầm, cả trên sân cỏ lẫn cuộc sống đời thường. Khi chiến thắng, hiếm ai thấy ông xuất hiện để tận hưởng vinh quang cùng học trò. Lúc thất bại, cũng chẳng nghe một lời gay gắt từ ông với lứa cầu thủ dưới quyền. Chỉ với nụ cười, nhưng ông có thể chuyển tải mọi tình cảm đến với người đối diện. Nụ cười buồn hầu như đã trở thành thường trực với ông.

Một trong những hình ảnh hiếm hoi khi HLV Vũ Văn Tư dẫn dắt đội Công nhân Quảng Nam - Đà Nẵng. Ảnh tư liệu
Một trong những hình ảnh hiếm hoi khi HLV Vũ Văn Tư dẫn dắt đội Công nhân Quảng Nam - Đà Nẵng. Ảnh tư liệu

Thất bại khó tin của đội Công nhân Quảng Nam - Đà Nẵng ở trận chung kết giải Vô địch quốc gia 1991 chưa nguôi, tiếp đến “sự cố” 11 tuyển thủ (với 6 cầu thủ Công nhân Quảng Nam - Đà Nẵng) tự ý bỏ về địa phương trong quá trình chuẩn bị SEA Games như một “bản án” dành cho Vũ Văn Tư.

Nỗi buồn chẳng phải là việc Sở Thể dục Thể thao (TDTT) Quảng Nam - Đà Nẵng có cái cớ tốt nhất để “trảm” ông, nhưng nỗi cay đắng tận cùng là không ít học trò đã quay lưng lại với ông.

Ngày đội Công nhân Quảng Nam - Đà Nẵng đăng quang ngôi vô địch giải bóng đá toàn quốc 1992, rồi đoạt Cúp Quốc gia chỉ sau đó một năm, người ta quá hân hoan để không mấy người nhớ đến công gầy dựng của ông.

Chia tay Gia Lai - Kon Tum giữa thập niên 1980, về dẫn dắt đội bóng đất Quảng theo lời mời của Giám đốc Sở TDTT Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ là ông Mai Xuân Phán, Vũ Văn Tư đã biết cách tạo nên dấu ấn đậm chất của mình. Không chỉ hiệu quả, mà Trần Minh Toàn, Phan Công Thìn, Phan Thanh Hùng, Bùi Thông Tân… còn mang đến cho người xem sự thích thú bởi những nét tài hoa, ngẫu hứng.

Chẳng ngẫu nhiên khi quãng thời gian đó, đội Công nhân Quảng Nam - Đà Nẵng luôn nhận được sự ủng hộ, yêu mến của đông đảo người hâm mộ toàn quốc.

Lúc bấy giờ, đội bóng dưới tài dẫn dắt của Vũ Văn Tư gần như không có đối thủ. Đến độ các cầu thủ Công nhân Quảng Nam - Đà Nẵng muốn thắng ai và thắng bao nhiêu bàn cũng hoàn toàn có thể. Nhưng khi có một số bài báo dùng những mỹ từ để nói về ông, Vũ Văn Tư vẫn không thừa nhận mình là “phù thủy”, hay theo ông, “tôi chẳng có chiếc đũa thần nào cả!”.

Có thể cái trực tính ấy của ông không “được lòng” những người mà lẽ ra ông phải biết “lấy lòng”. Vì thế, những điểm đến sau đó cũng không đủ sức giữ chân ông, sau ngày chia tay bóng đá đất Quảng… Sau này, khi bóng đá Đà Nẵng được tạo dựng trở lại, ông từng được ngỏ lời mời về dẫn dắt đội Đà Nẵng.

Tuy nhiên, khi được đặt vấn đề “nộp lý lịch”, ông thẳng thừng từ chối vì: “Tôi có đi xin việc đâu mà phải như thế!”. Có lẽ sự kiêu hãnh khiến Vũ Văn Tư luôn cô đơn, lạc lõng giữa muôn người!

Sau này, khi chia tay với sự nghiệp cầm quân, Vũ Văn Tư gần như đoạn tuyệt với bóng đá, ít nhất trong những câu chuyện bên bàn cà-phê trước sân vận động Chi Lăng. Nhưng nếu tinh ý và hiểu rõ hơn về Vũ Văn Tư, không khó để cảm nhận một nỗi buồn sâu thẳm trong ông.

Bởi ở đó, ông đã góp phần rất lớn để tạo dựng nền móng vững chắc cho bóng đá Đà Nẵng hôm nay. Cũng ở đó, ông biết cách tạo dựng tên tuổi của mình trong những ngày đầu xuôi Nam lập nghiệp. Nhưng cũng tại đây, ông đã bị phản bội bởi niềm tin đặt không đúng chỗ.  

Ngày 10-12 vừa qua, niềm vui và nỗi buồn đã khép lại vĩnh viễn với Vũ Văn Tư khi ông chia tay cuộc đời, vốn dĩ buồn nhiều hơn vui của mình. Buổi sáng đưa tang ông (14-12), vẫn chỉ có Trần Minh Toàn cùng Phan Công Thìn, những cầu thủ gắn bó với ông suốt giai đoạn hoàng kim của bóng đá đất Quảng.

Một sự trống vắng đến nao lòng khi không ít người trong “thế hệ vàng” của bóng đá Quảng Nam - Đà Nẵng quá vô tâm với lần tiễn đưa người thầy của mình lần cuối! Có lẽ, nếu biết, ông cũng chẳng buông lời trách móc và chắc cũng vẫn hiện hữu nụ cười buồn...

HLV Vũ Văn Tư sinh năm 1938, quê quán Nam Trực (tỉnh Nam Định).

Ông bắt đầu sự nghiệp cầu thủ vào năm 1955 ở đội Cảng - Hải Phòng. Năm 1966, ông giã từ sự nghiệp cầu thủ và chuyển sang làm công tác huấn luyện cho đội Cảng Hải Phòng; đến đầu những năm 1980, vào huấn luyện cho đội Gia Lai - Kon Tum trước khi về dẫn dắt đội Công nhân Quảng Nam - Đà Nẵng (1985-1991).

Ông qua đời lúc 13 giờ 45 ngày 10-12-2015 tại nhà riêng (K25/79 Hà Huy Tập, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng), thọ 78 tuổi.

BẢO AN

.