Thể thao

Từ "bài học" Phương Trâm

09:36, 24/12/2015 (GMT+7)

Dù vẫn phải chờ đợi đến ngày 30-12 mới có kết quả cuối cùng khi gia đình “kình ngư” Nguyễn Diệp Phương Trâm và Trung tâm Thể thao dưới nước Yết Kiêu (thành phố Hồ Chí Minh) gặp nhau tại TAND quận 1 (thành phố Hồ Chí Minh), nhưng đến lúc này, tương lai của VĐV này dường như đã có lối ra.

Thiện chí của ngành TDTT thành phố Hồ Chí Minh và phía gia đình đã giúp tương lai của Phương Trâm tìm được lối ra.
Thiện chí của ngành TDTT thành phố Hồ Chí Minh và phía gia đình đã giúp tương lai của Phương Trâm tìm được lối ra.

Là một tài năng trẻ do thành phố Hồ Chí Minh phát hiện và đào tạo từ năm 2010, khi mới 9 tuổi, nhưng sau khi tham gia đấu trường SEA Games 28 (2015) tại Singapore, Phương Trâm đã được một HLV trong đội tuyển bơi Việt Nam “tác động”.

Vì thế, phía gia đình Phương Trâm đã có đơn xin cho cô nghỉ thi đấu với lý do “đi du học”. Sở VH-TT&DL thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận cho Phương Trâm nghỉ với lý do nêu trên nhưng nếu cô đầu quân cho đơn vị khác, gia đình Phương Trâm phải bồi thường chi phí đào tạo - thi đấu lên đến 744 triệu đồng. Sau nhiều lần gặp gỡ, hai bên thống nhất mức bồi thường 400 triệu đồng.

Sau buổi làm việc mới đây, ngành TDTT thành phố Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ thiện chí khi muốn thương lượng với gia đình Phương Trâm để VĐV này tiếp tục ở lại, khoác áo đội tuyển thành phố Hồ Chí Minh.

Muốn giữ chân Phương Trâm, ngành TDTT thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chấp nhận có những điều chỉnh phù hợp. Theo đó, VĐV này sẽ ở tuyến dự tuyển và nhận mức tiền ăn, tiền công hơn 7 triệu đồng/tháng, cộng với các khoản hỗ trợ khác khá cao.

Đồng thời, ngành TDTT thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ đề xuất Tổng cục TDTT cũng như lãnh đạo địa phương để có cơ chế thỏa đáng, đáp ứng nguyện vọng của Phương Trâm là được đi tập huấn ở Mỹ như Nguyễn Thị Ánh Viên. Như thế, không chỉ gia đình Phương Trâm mà cả ngành TDTT thành phố Hồ Chí Minh cùng người hâm mộ đều thở phào nhẹ nhõm.

Tuy nhiên, từ sự việc của Phương Trâm, đã có những “bài học” đắt giá bởi chất nghiệp dư rất rõ nét của thể thao Việt Nam. Từ rất lâu, việc đơn vị này, địa phương nọ chèo kéo, mua chuộc VĐV của đơn vị, địa phương khác chẳng phải mới mẻ.

Chỉ có điều, phần lớn những VĐV ấy không thuộc hàng “của hiếm” như Nguyễn Diệp Phương Trâm nên tất cả đều chìm trong im lặng. Chính cách lôi kéo ấy đã tạo nên một “hậu trường” thể thao không trong sáng bởi không ít VĐV đã chây ì trong tập luyện, không nỗ lực cao nhất trong thi đấu để đơn vị chủ quản... phát chán và buộc phải chia tay (!). Không những thế, nhờ lôi kéo được những VĐV xuất sắc như Phương Trâm nên không ít các đơn vị, địa phương cũng chẳng lưu tâm nhiều đến công tác đào tạo trẻ của mình.

Mặt khác, chắc chắn những đơn vị, địa phương muốn có được những tài năng thể thao xuất sắc như Phương Trâm hẳn phải có những chế độ đãi ngộ rất đáng kể mới nhận được sự đồng ý của các tài năng đó. Và với cách “tuyển mộ nhân tài” như thế, vô hình trung đã tạo nên một khoảng cách rất lớn về chế độ, chính sách giữa những tài năng được lôi kéo về với những VĐV được đào tạo tại chỗ. Hẳn nhiên, đó là nguyên nhân dẫn đến những vấn đề nội bộ mà chắc rằng, không ít đơn vị, địa phương từng nếm trải.

Đã đến lúc ngành TDTT cần có biện pháp xử lý đối với những trường hợp chèo kéo VĐV không minh bạch như từng xảy ra với Phương Trâm. Nếu không, sự việc này sẽ tạo thành một tiền lệ xấu và ảnh hưởng rất lớn đến thể thao Việt Nam nếu những tranh chấp không đáng có xảy ra, dẫn đến những tài năng thể thao bị mai một!

Bài và ảnh: BẢO AN

.