Thể thao

Liên đoàn Bóng bàn Đà Nẵng

Tạo dựng nền tảng cho tương lai

15:20, 21/01/2016 (GMT+7)

Một thời, bóng bàn Đà Nẵng từng tạo được tiếng vang với những tên tuổi như: Mai Công Trí, Lê Thị Hoa. Thế nhưng, do nhiều yếu tố, bóng bàn Đà Nẵng dần mai một và gần như thành “vùng trắng”.

Mãi đến những năm 2000, với cả đam mê và trách nhiệm, những người yêu thích đã tập hợp, tổ chức và vực lại bóng bàn Đà Nẵng. Để đến lúc này, dù chưa được xem là một trung tâm mạnh nhưng so với trước, từng bước, bóng bàn Đà Nẵng đã có được “tiếng nói” trên đấu trường quốc gia.

Với cách làm phù hợp của LĐBB thành phố, bóng bàn Đà Nẵng đã từng bước hồi sinh và phát triển.
Với cách làm phù hợp của LĐBB thành phố, bóng bàn Đà Nẵng đã từng bước hồi sinh và phát triển.

Chủ tịch Liên đoàn Bóng bàn Đà Nẵng (LĐBB Đà Nẵng) Lê Minh Hùng bộc lộ rõ niềm vui từ những đóng góp của LĐBB đối với phong trào: “Dù rất khó khăn nhưng hằng năm, LĐBB thành phố vẫn duy trì thường xuyên bốn giải đấu gồm: giải Bóng bàn Đồng đội, giải Thiếu niên - Nhi đồng, giải Bóng bàn các CLB và giải Các cây vợt xuất sắc.

Đặc biệt, chúng tôi rất quan tâm đến việc tổ chức giải Thiếu niên - Nhi đồng nhằm góp phần cùng ngành Giáo dục & Đào tạo tạo được sự chuyển biến quan trọng trong công tác giáo dục thể chất cho các em học sinh. Hơn nữa, thời điểm diễn ra giải trong mùa hè sẽ giúp các em học sinh có được một sân chơi bổ ích”.

Với cách làm mang tính đặc thù khi xây dựng phong trào sâu rộng và tiếp tục dựa vào phong trào để thúc đẩy sự phát triển của bóng bàn Đà Nẵng, LĐBB thành phố đã tạo được một “mặt chân đế” khá vững chắc.

Chỉ từ vài “lò” nhỏ lẻ, đến nay, toàn thành phố có hơn 20 CLB Bóng bàn hoạt động khá bài bản, quy củ như các CLB Bóng bàn Quân khu 5, CLB BMB, CLB Thanh Khê, CLB Hòa Thuận Tây, CLB Z 258, Liên Chiểu, Đại học Bách khoa… Có thể, con số hơn 20 CLB chưa quá lớn nhưng quan trọng, vẫn là chất lượng hoạt động ở từng CLB để có thể đạt hiệu quả khi tham gia thi đấu các giải thường niên do LĐBB tổ chức.

Nổi bật trong hoạt động của bóng bàn Đà Nẵng những năm qua là giải Premiership, đã bước sang năm thứ tư. Đây là giải đấu do LĐBB thành phố tổ chức với các trận đấu được tiến hành hằng tuần. Thành tích của các VĐV, các CLB căn cứ vào điểm số tích lũy được sau quá trình thi đấu, kéo dài từ 3 đến 6 tháng mỗi giải.

Cũng từ các giải đấu, những tay vợt măng non lần lượt được phát hiện và dần trở thành lứa VĐV Bóng bàn đầu tiên của Đà Nẵng ở thời kỳ mới. Đó là những Võ Hữu Quốc (17 tuổi) hay những tài năng tương lai như Đặng Lê Anh Tuấn (13 tuổi), Nguyễn Minh Triết (14 tuổi), Trần Ngọc Thức (14 tuổi)…

Đánh giá về sự phát triển của phong trào từ các giải đấu trong hệ thống, Tổng thư ký LĐBB Đà Nẵng Lê Thị Mỹ Hạnh khẳng định, chất lượng chuyên môn của các giải đấu cũng như trình độ của các tay vợt từng bước được nâng lên rõ rệt. Trong năm 2015, tay vợt Võ Hữu Quốc đã xuất sắc giành 2 HCĐ tại giải Bóng bàn Trẻ Đông Nam Á lần thứ 10 (tháng 6-2015) tại Brunei.

Chính sức hấp dẫn trong việc tổ chức hoạt động của LĐBB đã tạo được sự lan tỏa không nhỏ. Điều này thể hiện rất rõ trong việc không ít VĐV đã chuyển từ tennis hay cầu lông sang chơi bóng bàn và mỗi giải đấu do LĐBB tổ chức, thu hút từ 100 đến 200 tay vợt tham gia thi đấu.

Từ sự phát triển của phong trào, LĐBB đã mạnh dạn vay ngân hàng đến 600 triệu đồng để nâng cấp, sửa chữa CLB Phan Châu Trinh, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, mua bàn bóng đúng chuẩn. Đồng thời, mỗi năm, cùng với ngành TDTT thành phố, LĐBB Đà Nẵng đều nỗ lực đăng cai một giải đấu trong hệ thống của LĐBB Việt Nam, xem đây là một chất “xúc tác” cần thiết với phong trào.

Có thể, vẫn còn những khó khăn phía trước, vẫn chưa hài lòng với những gì đã làm được nhưng với cách làm khá linh hoạt, LĐBB thành phố đã tạo dựng được nền tảng cho tương lai bóng bàn Đà Nẵng…

Bài và ảnh: BẢO AN

.