Thể thao

U-23 Việt Nam và bài học lớn

09:58, 22/01/2016 (GMT+7)

Chia tay vòng chung kết giải Bóng đá U-23 châu Á 2016 sau 3 trận thua không phải là một thảm kịch với thầy trò HLV Toshiya Miura. Bởi đơn giản, sự chênh lệch về đẳng cấp là nguyên nhân khiến U-23 Việt Nam không thể gặt hái được một kết quả khả quan trước U-23 Jordan, U-23 Australia và U-23 UAE.

Sự khác biệt về đẳng cấp khiến Tuấn Anh (áo đỏ) cùng các đồng đội không thể tạo nên bất ngờ trước U-23 UAE của Abdulla Ali (áo trắng).  		            Ảnh: AFC
Sự khác biệt về đẳng cấp khiến Tuấn Anh (áo đỏ) cùng các đồng đội không thể tạo nên bất ngờ trước U-23 UAE của Abdulla Ali (áo trắng). Ảnh: AFC

Điều duy nhất giúp người hâm mộ hài lòng là sự khởi sắc của các học trò ông Miura sau từng trận đấu. Tuy nhiên, cần đánh giá khách quan để nhận thấy sự khác biệt của U-23 Việt Nam tại giải đấu lần này; thay cho cách nghĩ, các học trò của ông Miura sớm “lột xác” khi “thua U-23 UAE trong thế thắng và chỉ thất bại do kém may” (!).

Trong trận đấu ra quân trước U-23 Jordan, trong tình thế các đội đều bắt đầu ở vạch xuất phát, sự thận trọng của HLV Miura lẫn đội tuyển U-23 Việt Nam không thừa. Vì thế, việc phải chấp nhận lối đá phòng ngự - phản công là tất yếu.

Vấn đề của các cầu thủ U-23 Việt Nam, theo phân tích của chuyên gia Nguyễn Sĩ Hiển: “Khi đối phương vượt trội về nhiều mặt, đá áp sát thì U-23 Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, các cầu thủ của chúng ta chỉ thể hiện được kỹ thuật cá nhân khi đối phương chơi thả lỏng. Thi thoảng, chúng ta cũng có những pha phối hợp tốt nhưng không xuống được biên để chuyền sệt vào phía trong vì bị đối thủ “đón lõng”. Khi tìm cách chuyển bổng thì cũng bị Jordan cướp mất vì bạn có ưu thế chiều cao”.

Cùng thất bại ở trận ra quân nên cả U-23 Việt Nam và U-23 Australia đều phải chấp nhận một trận đấu “mở”. Nhờ đó, đội bóng của HLV Miura đã có một trận đấu đáng xem nhưng cũng qua đó, nhận thấy được những khiếm khuyết quá lớn cùng khoảng cách không dễ san lấp trước Australia.

Việc thủ môn Minh Long là cầu thủ hay nhất của U-23 Việt Nam ở trận đấu đó cho thấy tất cả và nếu thủ môn U-23 Việt Nam không xuất sắc, khoảng cách chung cuộc giữa hai đội không dừng ở tỷ số 1-3.

Trước U-23 UAE trong trận đấu khuya 20-1 vừa qua, sự chủ quan của đội bạn cùng tâm lý “không còn gì để mất” của các cầu thủ U-23 Việt Nam đã giúp đoàn quân của HLV Miura có một trận đấu bùng nổ thực sự. Không bố trí lực lượng ra sân tốt nhất cùng tâm lý nhập cuộc có phần khinh suất và những sự thay đổi người ngoài dự kiến - bởi chấn thương của đội trưởng Ahmed Barman (phút 12), Salim Ali (phút 21), Saif Rashid (phút 34) - suýt chút nữa, U-23 UAE trả giá đắt khi lần đầu tiên bị thủng lưới tại giải lần này cũng như, lần đầu tiên, U-23 Việt Nam vươn lên dẫn trước đối thủ tại vòng chung kết U-23 châu Á 2016.

Tuy nhiên, khi đội bạn giành lại thế trận và đẩy cao tốc độ trận đấu từ đầu hiệp hai, rất dễ thấy sự khác biệt về đẳng cấp và trình độ giữa hai đội bóng. Vì thế, việc U-23 UAE có được chiến thắng chung cuộc 3-2 là một kết quả hoàn toàn hợp lý.

Chuyên gia Trịnh Minh Huế từng đúc kết sau hai thất bại của U-23 Việt Nam trước U-23 Jordan và U-23 Australia, cũng như đưa ra dự báo về trận đấu cùng U-23 UAE: “Vấn đề ở đây là đẳng cấp. Ta thua Jordan vì đẳng cấp, ta thua Úc cũng vì đẳng cấp, dù hai cách thua rất khác nhau.

Trước U-23 UAE thì thắng làm sao được - hơi buồn vì tôi đành phải dự đoán như thế”. Hay nói như chuyên gia Nguyễn Sĩ Hiển: “Có ra sân chơi châu lục thế này, mới thấy bóng đá Việt Nam kém toàn diện”.

Đã có những bài học lớn. Nhưng để thay đổi, không chỉ từ lứa cầu thủ hôm nay bởi sự phát triển của một nền bóng đá không chỉ đến từ mỗi Tuấn Anh, Xuân Trường hay Minh Long...

NGUYÊN AN

.