Thể thao

Phát triển từ đầu tư thiết chế văn hóa - thể thao

08:18, 07/03/2016 (GMT+7)

Là một trong những đơn vị mạnh về phong trào nhưng một thời gian khá dài, thể thao Thanh Khê thiếu rất nhiều yếu tố để tạo nên sự phát triển bền vững. Cảnh chạy vạy, thuê mướn sân bãi thường xuyên đặt Thanh Khê vào thế bị động, nhất là trong quá trình chuẩn bị lực lượng tham gia giải thành phố hoặc tổ chức các hoạt động thể thao của quận. Mãi đến năm 2009, những vướng mắc của thể thao Thanh Khê mới dần được tháo gỡ, sau khi thành phố có chủ trương đầu tư thiết chế văn hóa - thể thao (VH-TT) cho các quận, huyện.

Từ cách làm và phát huy rất tốt hệ thống sân bãi, ngành thể dục  - thể thao Thanh Khê đã góp phần tạo sức sống mới rất sinh động cho phong trào thể dục - thể thao của quận.
Từ cách làm và phát huy rất tốt hệ thống sân bãi, ngành thể dục - thể thao Thanh Khê đã góp phần tạo sức sống mới rất sinh động cho phong trào thể dục - thể thao của quận.

Từ sân bóng đá 11 người cho đến cụm sân tennis, rồi nhà thi đấu đa năng lần lượt được xây dựng và đưa vào sử dụng, giúp bộ mặt của thể thao Thanh Khê có thêm sinh khí. Gần đây nhất, hạng mục bể bơi cũng đang được thi công, hứa hẹn góp phần để thể thao Thanh Khê có nền tảng tốt nhất cho sự phát triển trong tương lai.

Giám đốc Trung tâm VH-TT quận Thanh Khê Vương Tuấn Kiệt thừa nhận, so với các quận, huyện, Thanh Khê là đơn vị có cơ sở vật chất tương đối đầy đủ. Từ khi các thiết chế thể thao được đưa vào sử dụng, hoạt động của phong trào thể thao cơ sở ở Thanh Khê sôi động hẳn.

Hằng ngày, không dưới 300 lượt người tham gia tập luyện thường xuyên, từ đi bộ, chơi bóng đá, cầu lông đến tập tennis, võ thuật… Không những thế, các đội tuyển bắn cung của Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Đà Nẵng, Trung tâm Huấn luyện - Đào tạo VĐV Đà Nẵng cũng thường xuyên đến tập luyện tại đây.

Cơ sở vật chất là yếu tố cần nhưng để tạo được sức sống cho phong trào, điều cốt yếu vẫn bắt nguồn từ việc tổ chức hoạt động, sử dụng các thiết chế với mục tiêu phục vụ tốt nhất cho nhu cầu rèn luyện thân thể, tập luyện và thi đấu thể thao của quần chúng nhân dân.

Ông Vương Tuấn Kiệt cho biết, dù cần phải tạo nguồn thu để sửa chữa, nâng cấp các thiết bị, hệ thống sân bãi nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, nhưng Trung tâm VH-TT quận Thanh Khê luôn đặt mục tiêu phục vụ lên hàng đầu.

Chính cách làm ấy của Thanh Khê đã thu hút được sự hợp tác, hỗ trợ của các doanh nghiệp như Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam, Ngân hàng Phương Đông, Công ty TNHH Phú Mỹ Thành…, cũng như trở thành điểm đến tin cậy khi rất nhiều các trường học trên địa bàn Đà Nẵng, các ban, ngành của thành phố đã chọn Thanh Khê làm địa điểm tổ chức luyện tập, thi đấu thể thao.

Thậm chí, không ít lần hệ thống sân bãi ở đây rơi vào tình trạng “quá tải” do lượng cơ quan, đơn vị, cá nhân đăng ký tập luyện, thi đấu vượt quá khả năng đáp ứng. Ông Vương Tuấn Kiệt thừa nhận, chính thái độ trách nhiệm trong công việc, sự cầu thị và biết rút kinh nghiệm để hoạt động ngày mỗi tốt hơn là cách tạo nên uy tín của Trung tâm VH-TT Thanh Khê.

Cũng từ sự hiệu quả trong hoạt động, lãnh đạo quận đã tin tưởng, tạo cơ chế hoạt động thuận lợi khi nguồn thu hằng năm từ các hoạt động của Trung tâm VH-TT Thanh Khê được giữ lại để tái đầu tư cơ sở vật chất. Bên cạnh việc tác động tích cực để phong trào phát triển bền vững, sự tin tưởng của lãnh đạo quận cũng là một “điểm cộng” đối với Trung tâm VH-TT quận Thanh Khê.

Nỗi lo sân bãi đã được giải quyết. Lúc này, chính cách vận hành, sử dụng các thiết chế ấy ra sao để thể thao Thanh Khê phát triển bền vững và mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai mới là điều mấu chốt.

Bài và ảnh: BẢO AN

.