Thể thao

Cuộc thi Marathon Quốc tế Đà Nẵng 2016: Tạo hiệu ứng xã hội lớn

18:07, 06/08/2016 (GMT+7)

ĐNĐT - Cuộc thi Marathon Quốc tế Đà Nẵng 2016 (DNIM 2016) đã diễn ra khá sôi động trong hai ngày 5 và 6-8, tại Công viên Biển Đông. Trong đó, ngoài Ngày hội Gia đình vui khỏe (Family Fun Day) như một hoạt động phụ trợ được tổ chức vào ngày 5-8, Ban tổ chức mong muốn, DNIM 2016 không chỉ đơn thuần là một cuộc thi đấu thể thao mà còn mang ý nghĩa xã hội. 

Được xuất phát từ rất sớm, các VĐV đã thuận lợi hơn trên đường chạy khi không phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết trong những ngày này.
Được xuất phát từ rất sớm, các VĐV đã thuận lợi hơn trên đường chạy khi không phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết trong những ngày này.

Vì thế, ngoài cự ly marathon 42km và bán marathon 21km, những nhà tổ chức là Sở Văn hóa - Thể thao Đà nẵng và Công ty Pulse Active còn đưa cự ly 10km vào nội dung thi đấu, nhằm đáp ứng nhu cầu thử thách bản thân với những người đã từng chinh phục thành công cự ly 5km ở những giải đấu trước, trước khi hướng đến việc tham gia thi đấu các cự ly 21km và 42km.

Đặc biệt hơn, ở cự ly phong trào 5km, các VĐV đăng ký tham gia sẽ đóng góp mức phí từ 50.000 đồng/người đến 200.000 đồng/người để giúp đỡ 10 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và hỗ trợ Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng. Cụ thể, Hội được hỗ trợ 30 triệu đồng và mỗi gia đình khó khăn nhận 10 triệu đồng tiền mặt ủng hộ từ cuộc thi.

Không chỉ hướng đến thành tích, niềm vui của các VĐV được thể hiện rất rõ khi được trải nghiệm những ngày lý thú tại Đà Nẵng.
Không chỉ hướng đến thành tích, niềm vui của các VĐV được thể hiện rất rõ khi được trải nghiệm những ngày lý thú tại Đà Nẵng.

Đồng thời, ông Dennis Zaborac - một cựu chiến binh người Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, từng tham gia DNIM 2013 - tiếp tục góp mặt và đã quyên góp được 4.500 USD, hỗ trợ cho Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng, Làng Hy Vọng (Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng) và Hội Người Khuyết tật thành phố Đà Nẵng, mỗi đơn vị nhận được 1.500 USD.

Về chuyên môn, việc cho cuộc đua xuất phát từ khá sớm khi cự ly marathon bắt đầu từ 4 giờ 30 tạo thuận lợi lớn cho các VĐV, tránh được thời tiết nắng nóng của Đà Nẵng trong những ngày này. Các cự ly còn lại (21km, 10km) cũng lần lượt xuất phát cách nhau 10 phút càng tạo thêm sự hào hứng trên đường đua ngay từ những km đầu tiên.

Được chạy trên những con đường ven biển rất đẹp cũng như những cây cầu hiện đại của thành phố cũng mang đến những sự thú vị cho các VĐV.
Được chạy trên những con đường ven biển rất đẹp cũng như những cây cầu hiện đại của thành phố cũng mang đến những sự thú vị cho các VĐV.

Ở nội dung marathon (42km) dành cho nam, với thời gian 2 giờ 40 phút 03 giây, VĐV Masuda Kentaro (Nhật Bản) xứng đáng giành ngôi thứ nhất. Các VĐV Trần Duy Quang (Việt Nam) và Takashi Ishida (Nhật Bản) chia nhau hai vị trí nhì và ba. Trên đường chạy marathon nữ, các VĐV Otsuka Kyoko (Nhật Bản), Adderley Louise (Úc) và Sodergards Anneli (Thụy Sĩ) lần lượt chia nhau các thứ hạng nhất, nhì, ba. Ba thứ hạng nhất, nhì, ba cự ly 21km nam lần lượt thuộc về các VĐV Lê Tấn Lâm (Việt Nam), Đặng Văn Bảo (Việt Nam) và Smith Simons (Anh).

Trong khi đó, các VĐV Lin Ashley (Mỹ), Shore Rebecca (Mỹ) và Dương Thị Khánh (Việt Nam) chiếm ba thứ hạng đầu của cự ly 21 km nữ. Các thứ hạng nhất, nhì ba cự ly 10 km nam thuộc về các VĐV Sesemann Philip (Anh), Nguyễn Đức Hữu (Việt Nam), Trần Hữu Hoanh (Việt Nam) và ba thứ hạng đầu của cự ly 10km nữ lần lượt thuộc về các VĐV Mai Thị Loan (Việt Nam), Nguyễn Thị Hoài (Việt Nam), Saiko Tomoko (Nhật Bản).

Tin và ảnh: NGUYÊN AN

.