.

Thể thao không chỉ là những danh hiệu…

.

Sau ngày chia tách tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, thể thao Đà Nẵng gần như phải làm lại từ đầu khi phần lớn những VĐV xuất sắc lúc bấy giờ lần lượt vào Quảng Nam. Tuy nhiên, từ sự quan tâm đầu tư của thành phố, thể thao Đà Nẵng từng bước chuyển mình với những tín hiệu lạc quan.

Dù chưa trở lại với phong độ đỉnh cao nhưng đô cử Trần Lê Quốc Toàn cũng từng bước khẳng định lại giá trị trên sàn đấu quốc gia và quốc tế.
Dù chưa trở lại với phong độ đỉnh cao nhưng đô cử Trần Lê Quốc Toàn cũng từng bước khẳng định lại giá trị trên sàn đấu quốc gia và quốc tế.

Hệ thống sân bãi được nâng cấp hoặc xây mới, công tác huấn luyện - đào tạo VĐV đỉnh cao bắt đầu được định hướng phát triển đúng quy chuẩn. Với mục tiêu đưa thể thao Đà Nẵng vươn lên, tương xứng vị thế một thành phố đang phát triển, ngành Thể dục-Thể thao (TDTT) Đà Nẵng cũng xây dựng chiến lược phát triển thể thao thành tích cao.

Nhờ đó, lần đầu tiên Đà Nẵng đóng góp cho thể thao Việt Nam chiếc HCV SEA Games 20 (1999) của VĐV Karatedo Vũ Kim Anh. Và lần lượt Hoàng Quý Phước (Bơi lội), chị em Nguyễn Thị Thanh Phúc - Nguyễn Thành Ngưng (Điền kinh), Trần Lê Quốc Toàn (Cử tạ)… tiếp tục góp phần làm rạng danh thể thao Đà Nẵng, không những trên đấu trường quốc gia mà ở cả đấu trường quốc tế.

Với sự đầu tư đúng đắn của thành phố, Hoàng Quý Phước (mũ đen) đã tìm lại được cảm hứng trên “đường đua xanh” sau thời gian tập huấn tại Hungary.
Với sự đầu tư đúng đắn của thành phố, Hoàng Quý Phước (mũ đen) đã tìm lại được cảm hứng trên “đường đua xanh” sau thời gian tập huấn tại Hungary.

Do yêu cầu chỉnh trang đô thị, không ít cơ sở vật chất phục vụ huấn luyện, đào tạo trên địa bàn thành phố bị giải tỏa như sân vận động Chi Lăng, nhà tập luyện Taekwondo, khu nhà ở của VĐV. Vì thế, một thời gian dài, các VĐV phải tập luyện phân tán tại các cơ sở thuê, mượn không đúng công năng.

Để bảo đảm tốt nhất yêu cầu tập luyện, đào tạo các đội tuyển, thành phố đã có chủ trương xây dựng Nhà tập luyện đa năng cho các bộ môn thuộc Trung tâm Huấn luyện - Đào tạo VĐV (Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT)) tại khu Liên hợp thể thao Hòa Xuân. Mới đây, công trình sân vận động Hòa Xuân được Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp chính thức bàn giao cho Sở VH-TT thành phố để kịp đưa vào sử dụng khi mùa giải V-League 2017 sắp được khởi tranh.

Trong năm 2016, sự nỗ lực rất lớn của cán bộ, HLV, VĐV mang về cho Đà Nẵng 197 HCV, 224 HCB, 278 HCĐ; trong đó có 29 HCV, 18 HCB, 9 HCĐ tại các giải quốc tế cũng như Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG 5 - 2016).

Từ những sự kiện thể thao quốc tế như DNIM, Ironman, Clipper Race, ABG 5, Đà Nẵng có cơ hội quảng bá tốt hơn “thương hiệu” của mình đến bạn bè quốc tế.
Từ những sự kiện thể thao quốc tế như DNIM, Ironman, Clipper Race, ABG 5, Đà Nẵng có cơ hội quảng bá tốt hơn “thương hiệu” của mình đến bạn bè quốc tế.

Những năm gần đây, với Đà Nẵng, thể thao không đơn thuần là những danh hiệu, những tấm huy chương mà còn là “chiếc cầu” để đưa bạn bè quốc tế đến cùng thành phố bên sông Hàn. Nói cách khác, sau mỗi một sự kiện, thể thao Đà Nẵng lại góp phần quảng bá tốt hơn cho “thương hiệu” Đà Nẵng.

Phó Giám đốc Sở VH-TT Nguyễn Phúc Linh chia sẻ: “Tổ chức những sự kiện thể thao quốc tế vừa giúp thể thao thành phố hội nhập thế giới, vừa là cơ hội quảng bá đất nước Việt Nam nói chung, con người và thành phố Đà Nẵng nói riêng. Các sự kiện như VNG Ironman 70.3, Cuộc thi Marathon quốc tế Đà Nẵng (DNIM), Đường chạy sắc màu hay gần đây nhất là Cuộc đua thuyền buồm quốc tế Clipper Race 2015-2016, Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG 5 - 2016)… tạo sức hút với du khách trong và ngoài nước”.

Vận động viên Nguyễn Thị Thanh Phúc trong cuộc thi Đi bộ 20Km nữ. 	 			Ảnh: Báo Phụ nữ
Vận động viên Nguyễn Thị Thanh Phúc trong cuộc thi Đi bộ 20Km nữ. Ảnh: Báo Phụ nữ

Thực tế, những VĐV nước ngoài khi tham gia các sự kiện thể thao quốc tế tại Đà Nẵng đều có những ấn tượng rất đẹp với con người và thành phố bên sông Hàn. Sau một thời gian dừng chân bên bờ sông Hàn, bà Denise Oakley (người Úc, thành viên của đội Mission Performance trong cuộc đua Clipper Race 2015-2016) bày tỏ: “Thành phố và người dân Đà Nẵng mang lại những cảm giác ấm áp và gần gũi với tất cả chúng tôi ngay từ đầu. Những ngày sống ở Đà Nẵng rất tuyệt vời. Chúng tôi hết sức khó khăn khi chia tay các bạn…”.

Gần đây nhất, chỉ sau hơn 10 ngày có mặt tại Đà Nẵng, song gần 7.000 quan chức, cán bộ kỹ thuật và đội ngũ HLV cũng như lực lượng VĐV của các đoàn thể thao tham gia thi đấu tại ABG 5 đều có được cảm giác “ở nhà”.

Ngay như Dennis Zaborac (cựu binh Mỹ 68 tuổi, có thời gian đồn trú tại Đà Nẵng giai đoạn 1969-1971), từng rất e ngại khi lần đầu trở lại Đà Nẵng tham gia DNIM nhưng đến nay ông đã bị chinh phục bởi những ánh mắt chân tình, những nụ cười thân thiện. Với Dennis, Đà Nẵng đã trở thành quê hương thứ hai và ông hẹn sẽ trở lại Đà Nẵng trong một ngày gần nhất...

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.