Thể thao Đà Nẵng và mùa quả ngọt

.

Với thành tích 31 HCV, 27 HCB, 44 HCĐ và thứ hạng 5 toàn đoàn tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 8 đã khẳng định Thể thao Đà Nẵng không hề “thua chị, kém em” ở đấu trường trong nước. Bên cạnh đó, các VĐV Đà Nẵng cũng mang về cho quê hương 19 HCV, 11 HCB, 15 HCĐ ở các giải đấu quốc tế trong năm.

Niềm vui chiến thắng của các VĐV Đua thuyền Đà Nẵng. Ảnh: ANH VŨ
Niềm vui chiến thắng của các VĐV Đua thuyền Đà Nẵng. Ảnh: ANH VŨ

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Nguyễn Trọng Thao đầy phấn chấn khi chia sẻ: “Sự quan tâm của thành phố đã tạo động lực rất lớn cho toàn thể HLV, VĐV trong quá trình chuẩn bị, thi đấu ở mọi đấu trường. Không chỉ chế độ, chính sách ưu đãi mà chính sự quan tâm cụ thể ấy tạo một mối liên kết về tình cảm để từng HLV, VĐV nhận thức được trách nhiệm của mình khi khoác chiếc áo đội tuyển Đà Nẵng”.

Có lẽ, điều đó đã giúp Phạm Thị Huệ (Đua thuyền), Nguyễn Thị Thanh Phúc (Điền kinh) sớm trở lại đường đua và gặt hái những thành công, ngay sau khi vừa làm mẹ. Hay đó là ước muốn từ những VĐV tự do của đội tuyển Bowling đã tự liên hệ ngành TDTT để được khoác áo đội tuyển thành phố như tâm sự của VĐV Nguyễn Hà Phương:

“Là những VĐV tự do nên chúng tôi từng khoác áo rất nhiều địa phương để thi đấu các giải quốc gia. Khi biết có Đại hội TDTT toàn quốc 2018 và là người con của Đà Nẵng, chúng tôi đã liên hệ ngành TDTT chỉ để được khoác áo đội tuyển quê hương mà không cần bất cứ điều kiện nào ngoài mong muốn đóng góp vào thành tích chung của thể thao thành phố”.

Không còn nỗi lo “cơm áo - gạo tiền” cũng như đau đáu về một ngày mai chông chênh sau khi kết thúc sự nghiệp VĐV, giờ đây, chỉ cần cống hiến hết mình, đạt thành tích xuất sắc, các VĐV hoàn toàn có thể yên tâm về cuộc sống tương lai. Bởi Đà Nẵng “nói là làm” khi từ năm 2015, thành phố đã ban hành hẳn một nghị quyết quy định chế độ đãi ngộ dành cho HLV, VĐV thành phố Đà Nẵng.

Gần đây, khu nhà tập luyện 3 tầng dành cho các môn võ, bóng chuyền, cầu lông, đá cầu, cử tạ… thuộc Khu liên hợp Thể thao Hòa Xuân đã được bàn giao và đưa vào sử dụng, phục vụ nhu cầu tập luyện của các đội tuyển thành phố.

Cũng với cách làm đặc thù ấy, Đà Nẵng tạo được hấp lực và niềm tin đáng kể không chỉ với những tài năng thể thao mà còn với các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Khi tham gia tài trợ cho Bóng ném Đà Nẵng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bách Đạt Hoàng Thị Kim Châu bày tỏ, từng là VĐV bóng ném và là người con Đà Nẵng nên khi có điều kiện, chị luôn ao ước muốn được đóng góp vào sự phát triển của Bóng ném Đà Nẵng nói riêng và thể thao Đà Nẵng nói chung.

Vì thế, công ty đã tài trợ toàn bộ kinh phí cho đội tuyển Bóng ném Đà Nẵng tham gia thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 8 (2018). Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun World Dương Phú Nam khẳng định, chính sự quan tâm của lãnh đạo thành phố cũng như những bước phát triển bền vững của thể thao Đà Nẵng là cơ sở niềm tin để tập đoàn hỗ trợ cho sự phát triển của quần vợt Đà Nẵng.

Nhờ đó, Trung tâm Đào tạo quần vợt Đà Nẵng (DTTC) được hình thành và chỉ sau 3 tháng hoạt động, Quần vợt Đà Nẵng đã gặt hái được những thành quả ban đầu hết sức lạc quan với chiếc HCV cá nhân nữ của tay vợt người Hungary gốc Việt Fodor Scilla cùng chiếc HCV đôi nữ của Fodor Scilla và tay vợt Phan Thị Thanh Bình.

Bên cạnh, ông Phạm Ngọc Chu - thành viên Ủy ban Olympic Hungary cùng các CLB Đua thuyền Musegyeter Evezos, Kolonics Gyorgy Vízisport Központ, CLB Bơi BVSC - Zuglo (Hungary) thường xuyên hỗ trợ tích cực và đầy hiệu quả cho các môn thể thao dưới nước của Đà Nẵng.

Một mùa quả ngọt và thể thao Đà Nẵng có thể vui mừng về những thành công đã gặt hái. Tuy nhiên, thành quả hôm nay chỉ là sự khởi đầu của ngày mai và sự nỗ lực của ngành TDTT, của từng HLV, VĐV sẽ không thể có điểm dừng bởi những mục tiêu luôn ở phía trước.

NGUYÊN AN

;
;
.
.
.
.
.