Chất lượng cầu thủ ngoại ở V-League liên tục xuống dốc trong những mùa giải gần đây. Nếu như lấy bàn thắng làm thước đo chất lượng ngoại binh (phần lớn là tiền đạo) thì con số thống kê khá tệ: Vua phá lưới mùa giải 2020 chỉ có 12 bàn, mùa trước đó được 15 bàn, mùa 2018 và 2017 cùng được 17 bàn.
Tiền đạo Hà Đức Chinh được đánh giá cao ở V-League. Ảnh: VFF |
Có sự khác biệt lớn về chất lượng giữa cầu thủ ngoại 4 mùa giải gần đây với quãng thời gian dài trước đó của V-League. Gaston Merlo (SHB Đà Nẵng) có tới 24 bàn năm 2016. Samson (Hà Nội) có 23 bàn năm 2014. Hay Almeida (SHB Đà Nẵng) ghi 23 bàn mùa 2008… Ngoài những chân sút gạo cội, V-League còn chứng kiến những cầu thủ chơi ở các vị trí khác xuất sắc như tiền vệ Rogerio (SHB Đà Nẵng), thủ môn Santos (Đồng Tâm Long An)… Đó là lý do các đội chạy đua nhập tịch cho những ngoại binh này nhằm có chỗ để tăng cường thêm sức mạnh ngoại binh cho đội bóng.
Những đại gia rút dần khỏi bóng đá như bầu Trường ở Ninh Bình, bầu Long ở Hòa Phát… nên những vụ chuyển nhượng hay lót tay hàng tỷ đồng không còn nữa. Điều này dẫn tới nguồn cung cấp cầu thủ ngoại cũng không dồi dào và chất lượng như trước. Các đội bóng không còn trực tiếp sang nước ngoài lựa chọn cầu thủ như SHB Đà Nẵng hay mời các đội nước ngoài sang thi đấu để “coi mắt” cầu thủ như Becamex Bình Dương.
Dù ngoại binh chất lượng kém đi rất nhiều nhưng top 10 chân sút tốt nhất V-League 2020 có đúng 1 nội binh là Công Phượng. Điều đó cho thấy có sự chênh lệch khá lớn giữa cầu thủ ngoại và nội trên hàng công. Thị trường chuyển nhượng ngoại binh cho V-League 2021 không sôi động như mong đợi. Phần lớn các đội trao đi đổi lại các cầu thủ đã chơi ở mùa trước như Rafaelson từ Nam Định sang SHB Đà Nẵng, Pinto từ Quảng Nam ra Thanh Hóa… CLB Sài Gòn mới đặt bút ký hợp đồng với cựu tuyển thủ Nhật Bản Daisuke Matsui nhưng tiền vệ này đã 39 tuổi càng cho thấy V-League không còn là mảnh đất hứa hẹn cho các ngoại binh chất lượng cao.
Người hâm mộ bóng đá Việt Nam đang rất kỳ vọng vào khả năng bùng nổ của cầu thủ nội ở thời điểm ngoại binh sa sút. Các HLV trước đây đều xác định ngoại binh tuy chỉ có tối đa 3 người song chiếm tới hơn 50% sức mạnh đội bóng thì nay tỷ lệ đó được định mức ở khoảng 30% và các nội binh đang dần chiếm được “sàn diễn”. Rõ nhất là ở Hoàng Anh Gia Lai khi bầu Đức tin dùng lứa cầu thủ đầu tiên được đào tạo với sự kết hợp Arsenal (Anh) trong nhiều mùa giải vừa qua. Hà Nội cũng đào tạo được những cầu thủ xuất sắc liên tiếp những năm qua như Quang Hải, Hùng Dũng và Văn Hậu.
Trung tâm Đào tạo trẻ PVF ở Hưng Yên liên tục cho “ra lò” mỗi mùa hơn 10 cầu thủ đi tới các đội bóng ở V-League. Những tên tuổi đã được khẳng định ở sân chơi cao nhất Việt Nam như Đức Chinh, Tiến Dụng, Hồng Sơn, Thái Quý… Một khi các cầu thủ ngoại không thể tạo ra được sự khác biệt như Merlo, Almeida, Keysley thì sự cổ vũ cho cầu thủ nội tỏa sáng rất hợp lý bởi đó là nền tảng cho HLV Park Hang Seo xây dựng lực lượng cho hai giải đấu quan trọng trong năm 2021 là bảo vệ chức vô địch AFF Cup và bảo vệ tấm HCV SEA Games được tổ chức trên sân nhà.
TỊNH BẢO