Nơi "đất lành, chim đậu"

.

Nói về công tác tuyển VĐV cho thể thao thành tích cao của Đà Nẵng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện - Đào tạo VĐV (Trung tâm HL-ĐT VĐV) Nguyễn Đông Hải không giấu niềm vui: "Dù chế độ chưa phải cao nhất nước nhưng hầu hết những VĐV về đầu quân cho thành phố đều cảm nhận được môi trường tập luyện, thi đấu rất tốt, có điều kiện phát triển chuyên môn. Bên cạnh đó, sự minh bạch về chế độ, chính sách càng tạo được sự tin tưởng để các VĐV có thể cống hiến tối đa cho thể thao Đà Nẵng".

Với những tài năng thể thao như Nguyễn Hữu Kim Sơn (ảnh), Đà Nẵng luôn là một vùng
Với những tài năng thể thao như Nguyễn Hữu Kim Sơn, Đà Nẵng luôn là một vùng "đất lành" để anh luôn có cơ hội tỏa sáng và đóng góp cho thể thao thành phố. Ảnh: ANH VŨ

Hay nói cách khác, Đà Nẵng là nơi chắp cánh cho không ít các VĐV thành danh và có được thành công trong sự nghiệp thi đấu của mình. Phó Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Nguyễn Trọng Thao đánh giá: "Hiện nay, các chế độ, chính sách dành cho HLV, VĐV của Đà Nẵng được thực hiện ngang bằng với các quy định do Trung ương ban hành. Bên cạnh đó, các VĐV, HLV thành phố tiếp tục được hưởng chế độ đãi ngộ về tiền hỗ trợ hằng tháng, chế độ hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm khi lập thành tích xuất sắc tại các giải quốc gia, quốc tế theo Nghị quyết số 106/2015/NQ-HĐND (ngày 9-7-2015) của HĐND thành phố Đà Nẵng".

Một thời, do nhận thức chung của xã hội nên phần lớn phụ huynh hướng cho con em tập trung học văn hóa, hạn chế theo thể thao chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, dù hệ thống thi đấu các giải thành phố được duy trì thường xuyên nhưng hiệu quả tuyển chọn VĐV thông qua các giải đấu chưa cao. Mặt khác, việc tổ chức tập luyện cho các đối tượng thanh - thiếu niên, học sinh đã có chuyển biến nhưng chưa được thực hiện rộng rãi, cơ sở vật chất còn thiếu, chương trình giáo dục phổ thông chưa chú trọng nhiều đến hình thức dạy các môn tự chọn theo sở thích, các hoạt động ngoại khóa theo hình thức CLB thể thao tại trường học chưa phát triển mạnh… nên thể thao gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hút các đối tượng tham gia tập luyện cũng như tuyển chọn vào thi đấu thể thao chuyên nghiệp.

HLV trưởng đội tuyển Taekwondo thành phố Hà Hiền Huy cho biết: "Một số VĐV Taekwondo Phú Yên từng đầu quân cho Đà Nẵng được tạo điều kiện tốt nhất, cả trong thi đấu lẫn học tập. Nhờ đó, sau khi giã từ thi đấu, các VĐV ấy đã tốt nghiệp Đại học Thể dục - Thể thao và khi trở về Phú Yên, đều có công việc ổn định". Chính với cách làm ấy, nên khi đầu quân cho thể thao Đà Nẵng, tất cả các VĐV đều nỗ lực hết mình trong tập luyện, thi đấu; thường xuyên chấp nhận sống xa gia đình bởi không phải lo lắng về kinh tế cũng như tương lai.

Hiện tại, Trung tâm HL-ĐT VĐV vẫn mở rộng địa bàn tuyển chọn trên cả nước; dĩ nhiên, với những VĐV có trình độ tương đối tốt, dù ở bất kỳ độ tuổi nào. Trong đó, "ưu tiên những VĐV có khả năng nhưng không được địa phương chủ quản đánh giá cao hoặc không nhận được sự đầu tư phù hợp" như khẳng định của Giám đốc Trung tâm HL-ĐT VĐV Nguyễn Đông Hải. Vẫn còn không ít bất cập khi kinh phí chi các chế độ thường xuyên của HLV, VĐV; kinh phí đầu tư phát triển chuyên môn… chỉ mới đáp ứng cho một số môn trọng điểm và VĐV chủ lực. Dù vậy, với những Trần Ngọc Tuấn hay Trương Thị Nhớ (Taekwondo), Đinh Dô Na (Kickboxing) hay Phạm Thị Huệ (Đua thuyền), Nguyễn Hữu Kim Sơn (Bơi)…, nơi đây vẫn là một vùng "đất lành" mà ở đó, họ có cơ hội tỏa sáng để có những đóng góp đáng kể cho thể thao Đà Nẵng.   

NGUYÊN AN

;
;
.
.
.
.
.