Đó là khẳng định của Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Nguyễn Trọng Thao trong cuộc trao đổi cùng Báo Đà Nẵng về việc thực hiện "Chiến lược phát triển thể thao thành tích cao thành phố Đà Nẵng từ năm 2011 đến năm 2020" (Chiến lược 2011-2020).
Các VĐV Điền kinh Đà Nẵng tập luyện tại sân vận động Chi Lăng. Ảnh: ANH VŨ |
* Ông đánh giá thế nào về thành quả của thể thao thành tích cao của Đà Nẵng sau 10 năm thực hiện Chiến lược 2011-2020?
- Chiến lược 2011-2020 rất quan trọng, tác động trực tiếp việc định hướng mục tiêu, xác định các chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển thể thao thành tích cao Đà Nẵng.
Trong tuyển sinh, ngoài việc phát hiện và tuyển chọn VĐV vào các đội tuyển thành phố từ thể thao phong trào, nhất là thể thao học đường, các bộ môn đã xây dựng mối quan hệ tốt với một số địa phương để mở rộng tuyển sinh các môn đòi hỏi yếu tố đặc thù về tố chất con người, bảo đảm tuyển được VĐV phù hợp, đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu huấn luyện, đào tạo.
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất từng bước được đầu tư sửa chữa, tạo điều kiện cho các đội tuyển có địa điểm tập luyện. Đặc biệt, ngoài các chế độ, chính sách dành cho HLV, VĐV theo các quy định của trung ương, các VĐV, HLV tiếp tục được hưởng chế độ đãi ngộ về tiền hỗ trợ hằng tháng, chế độ hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm khi lập thành tích xuất sắc tại các giải quốc gia, quốc tế theo Nghị quyết số 106/2015/NQ-HĐND ngày 9-7-2015 của HĐND thành phố Đà Nẵng.
Công tác huấn luyện, đào tạo VĐV được tiến hành theo kế hoạch chuyên môn; kết hợp kiểm tra, đánh giá theo các tiêu chí, chỉ số chuyên môn và bổ sung, điều chỉnh kịp thời lực lượng. Theo từng giai đoạn của chiến lược, từ 29 bộ môn năm 2011, đến nay đã có 36 môn thể thao; trong đó phát triển ổn định 18 môn trong chương trình Olympic, ASIAD và SEA Games. Đồng thời, từ năm 2016, ngành thể dục - thể thao đã quy hoạch được 60 VĐV chủ lực làm nhiệm vụ quốc gia, quốc tế và 80 VĐV trẻ tiềm năng làm lực lượng kế thừa.
Nhờ đó, trong 5 kỳ SEA Games (2011 đến 2019), thể thao thành tích cao Đà Nẵng đã đóng góp nhiều VĐV và HLV các môn trọng điểm như Điền kinh, Bơi, Rowing, Judo, Cầu lông, Quần vợt, Taekwondo, Cử tạ… cho Thể thao Việt Nam và giành được 14 HCV, 15 HCB, 24 HCĐ. Tại Olympic London 2012, Cử tạ đoạt được 1 HCĐ của VĐV Trần Lê Quốc Toàn (hạng 56kg nam). Ngoài ra, tại các kỳ ASIAD, các giải Vô địch thế giới, các VĐV Đà Nẵng giành được 3 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ. Cũng trong giai đoạn 2011-2020, ở đấu trường trong nước, thể thao thành tích cao Đà Nẵng gặt hái rất nhiều thành công, được đánh giá là đơn vị dẫn đầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên và nằm trong tốp 5 - 7 các đơn vị dẫn đầu của thể thao thành tích cao Việt Nam.
* Những giải pháp nào để phát triển thể thao thành tích cao của Đà Nẵng trong thời gian đến, thưa ông?
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian đến theo "Đề án phát triển thể thao thành tích cao thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045", căn cứ từng giai đoạn, chúng tôi sẽ phát triển 39-45 môn thể thao với từ 995 đến 1.415 VĐV; ưu tiên đầu tư phát triển 13-18 môn thể thao trong chương trình thi đấu Olympic, ASIAD, có môn thường xuyên có tại SEA Games và chú trọng phát triển mạnh các môn thể thao biển.
Về lực lượng HLV, sẽ bổ sung phù hợp theo tỷ lệ 1 HLV/5 VĐV. Đồng thời, đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, huấn luyện, nghỉ ngơi, sinh hoạt cho VĐV và văn phòng làm việc của Trung tâm Huấn luyện - Đào tạo VĐV tại Khu liên hợp Thể dục - Thể thao Hòa Xuân; tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho CLB Thể thao biển…
Mặt khác, xây dựng và hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo VĐV, HLV theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, bền vững; tập trung đầu tư trọng điểm các VĐV chủ lực và VĐV trẻ xuất sắc cùng với việc đẩy mạnh hợp tác trong nước, quốc tế và nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong việc tuyển chọn, đào tạo và phát triển tài năng thể thao. Bên cạnh đó, ngành thể dục - thể thao tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa công tác tuyển chọn VĐV từ nhiều nguồn và tăng cường phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, bảo đảm cho công tác đào tạo VĐV tài năng thể thao thành tích cao.
Ngoài ra, thể thao Đà Nẵng cũng phải tận dụng những lợi thế sẵn có về biển để đạt mục tiêu dẫn đầu cả nước về các môn thể thao biển, hướng tới khai thác dịch vụ để tái đầu tư cho thể thao thành tích cao Đà Nẵng một cách bền vững.
* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
BẢO AN