Quyền tự quyết và cơ hội cho đội tuyển Việt Nam

.

Cho đến thời điểm hiện tại, quốc gia chủ nhà cho các trận còn lại của vòng loại (thứ 2) bảng G (khu vực châu Á) World Cup 2022 vẫn chưa được xác định.

Dù dễ dàng đánh bại Indonesia (áo đỏ) 3-1 trên sân Kapten I Wayan Dipta (Bali) ở lượt đi nhưng Tiến Linh (áo trắng) và các đồng đội vẫn không thể chủ quan trong trận tái đấu, vào tháng 6 này.  Ảnh: ĐỨC CƯỜNG
Dù dễ dàng đánh bại Indonesia (áo đỏ) 3-1 trên sân Kapten I Wayan Dipta (Bali) ở lượt đi nhưng Tiến Linh (áo trắng) và các đồng đội vẫn không thể chủ quan trong trận tái đấu, vào tháng 6 này. Ảnh: ĐỨC CƯỜNG

Dù nhật báo Thairath (Thái Lan) có thông tin, cùng với UAE, Thái Lan đang nỗ lực giành quyền đăng cai các trận đấu còn lại ở bảng G, song điều đó không ảnh hưởng nhiều đến cơ hội của đội tuyển Việt Nam. Mặt khác, việc Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) quyết định 8 trận đấu còn lại của bảng G phải thi đấu tập trung, thầy trò HLV Park Hang-seo cũng có được những thuận lợi đáng kể, so với 3 đối thủ chủ yếu trong bảng là Malaysia (9 điểm/5 trận), Thái Lan (8 điểm/5 trận) và UAE (6 điểm/4 trận).

Theo lịch thi đấu trước đây, đội tuyển Việt Nam đến sân Bukit Jalil gặp đội chủ nhà Malaysia vào ngày 30-3. SVĐ này là một “chảo lửa” thực sự khi với sức chứa gần 90.000 khán giả, mọi đối thủ của đội tuyển Malaysia đều cảm nhận được sức ép rất lớn. Vì thế, trong một trận đấu có tính quyết định cùng Malaysia, được thi đấu trên sân trung lập giúp đội tuyển Việt Nam không phải đối mặt với áp lực khủng khiếp từ hàng vạn cổ động viên Malaysia vốn rất cuồng nhiệt. Ở 2 trận đấu còn lại, thầy trò HLV Park Hang-seo chỉ được tiếp đón Indonesia (ngày 7-6) và phải làm khách trên sân UAE (ngày 15-6). Với tất cả những lý do trên, nếu thi đấu tập trung tại Thái Lan hay UAE cũng không phải là vấn đề quá lớn đối với đội tuyển Việt Nam.

Về lịch thi đấu, trong khi truyền thông Việt Nam đều đưa tin, đội tuyển Việt Nam lần lượt gặp Indonesia (ngày 7-6), trước khi gặp Malaysia (ngày 11-6) và UAE (ngày 15-6) thì nhật báo Thairath lại cho biết, đối thủ lần lượt của thầy trò HLV Park Hang-seo gồm Malaysia (ngày 7-6), Indonesia (ngày 11-6) và UAE (ngày 15-6). Thế nhưng, dù gặp đội bóng của HLV Shin Tae-yong trước hay sau trận đấu cùng Malaysia, đội tuyển Việt Nam vẫn phải nỗ lực cao nhất với mục tiêu hướng đến chiến thắng khi đối đầu Indonesia.

Một số phương tiện truyền thông Việt Nam quá lạc quan khi cho rằng, việc đánh bại Indonesia vốn không còn mục tiêu sau 5 trận toàn thua là tất yếu. Và chiến thắng đó sẽ tạo đà tâm lý rất tốt cho đội tuyển Việt Nam, trước khi bước vào trận đấu quan trọng cùng Malaysia. Song, cần lưu ý, đến thời điểm hiện tại, lịch thi đấu chính thức 8 trận còn lại của bảng G vẫn chưa được Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) ban hành chính thức. Mặt khác, với tâm lý “không có gì để mất”, Indonesia hoàn toàn có thể rất đáng lo ngại nên đội tuyển Việt Nam không thể chủ quan trước đoàn quân của HLV Shin Tae-yong.

Để có thể làm nên lịch sử, thầy trò HLV Park Hang-seo phải nỗ lực giành 6 điểm tối đa, hoặc tối thiểu 4 điểm trong 2 trận đấu cùng Indonesia và Malaysia. Bởi lẽ, với việc các đội UAE, Thái Lan, Malaysia… còn phải gặp nhau thì cơ hội mở ra với đội này, cũng sẽ khép lại với đội kia. Khó khăn lớn nhất cho HLV Park Hang-seo là việc phải tính toán hợp lý để các tuyển thủ Việt Nam có được phong độ cao nhất trước mật độ thi đấu khá dày, với 4 ngày/trận. Song điều quan trọng nhất là việc đội tuyển Việt Nam cần tận dụng tốt nhất những cơ hội có thể để tự quyết định số phận của mình, trước khi khép lại vòng đấu cuối cùng với cuộc đối đầu cùng UAE để lần đầu tiên lọt vào vòng loại cuối cùng của một kỳ World Cup.

NGUYÊN AN

;
;
.
.
.
.
.