Cầu thủ nhập tịch và vấn đề của bóng đá Việt Nam

.

Khi nói đến việc Malaysia lẫn UAE bổ sung một loạt cầu thủ nhập tịch trước khi các trận còn lại của vòng loại (thứ 2, bảng G, khu vực châu Á) World Cup 2022 khởi tranh trở lại, HLV Park Hang-seo không giấu sự lo lắng. Song, cũng từ đó mới thấy rằng, câu chuyện cầu thủ nhập tịch đã trở thành vấn đề với bóng đá Việt Nam.

Khi còn khoác áo CLB SHB Đà Nẵng, Đỗ Merlo (áo cam) từng bày tỏ ước muốn được khoác áo  đội tuyển Việt Nam. Ảnh: ANH VŨ
Khi còn khoác áo CLB SHB Đà Nẵng, Đỗ Merlo (áo cam) từng bày tỏ ước muốn được khoác áo đội tuyển Việt Nam. Ảnh: ANH VŨ

Kể từ khi V-League chính thức hình thành từ mùa giải 2000-2001 và sau đó, các CLB được phép sử dụng cầu thủ nhập tịch, các CLB tận dụng tối đa quy chế để tăng cường sức mạnh cho đội bóng mình. Khoảng thời gian đầu, chất lượng cầu thủ nhập tịch được đánh giá cao như Huỳnh Kesley Alves, Phan Văn Santos, Đinh Hoàng Max, Nguyễn Rogerio… Và sau này, vẫn có những Đỗ Merlo, Hoàng Vũ Samson…

Quá khứ, đội tuyển Việt Nam mở cửa đón nhận những cầu thủ nhập tịch và thủ môn như Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max, Huỳnh Kesley hay Phan Văn Santos đều từng có cơ hội thể hiện khả năng của mình trong màu áo đội tuyển. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì, bóng đá Việt Nam không tận dụng nguồn lực này để từng bước nâng cao chất lượng đội tuyển quốc gia. Đã có nhiều ý kiến về việc nên hay không sử dụng cầu thủ nhập tịch trong thành phần đội tuyển Việt Nam.

Những ý kiến ủng hộ nêu ra lý lẽ, bản thân các CLB đã tự xoay xở phần khó nhất về thủ tục nhập tịch. Trên sân cỏ, các cầu thủ nhập tịch đều có cơ hội thể hiện khả năng chuyên môn hằng tuần, đủ để giới chuyên môn đánh giá năng lực thực sự của từng người. Trong khi đó, việc đi tìm các cầu thủ gốc Việt đang thi đấu ở nhiều nước tăng cường cho đội tuyển quốc gia không chắc mang lại hiệu quả mong muốn.

Ở chiều ngược lại, nhiều ý kiến lo ngại việc sử dụng các cầu thủ nhập tịch ảnh hưởng đến động lực đào tạo bóng đá trẻ - nền tảng phát triển nền bóng đá của một quốc gia.

Song chính điều này lại cho thấy những mâu thuẫn trong công tác quản lý của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Có vẻ như, theo quan điểm của những quan chức VFF, việc cầu thủ nhập tịch không mang nhiều ý nghĩa và tất cả chỉ giúp các CLB có điều kiện tăng cường nhân sự hơn là nghĩ đến lợi ích quốc gia. Phải chăng, những vấn đề của cá nhân Phan Văn Santos như sai lầm của anh khiến đội tuyển Việt Nam thua Turkmenistan ở giải giao hữu sau đó (tháng 10-2008) đã ảnh hưởng đến quyết định của VFF?

Trước đây, một quan chức VFF từng thừa nhận, đã có “lệnh miệng” trong việc không đưa cầu thủ nhập tịch lên đội tuyển và đến lúc này, “lệnh miệng” ấy vẫn còn nguyên giá trị.

Trở lại thực tế, hầu như các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đều sử dụng cầu thủ nhập tịch nhằm đạt được mục tiêu thành tích. Ngay như Thái Lan không là ngoại lệ khi gần đây, bóng đá nước này tuyển mộ những cầu thủ có nguồn gốc châu Âu nhưng mẹ là người Thái Lan như Marco Ballini (Italy), Manuel Tom Bihr, Philip Roller (Đức) hay Tristan Do có ông nội là người Việt Nam. Chuẩn bị cho các trận đấu với đội tuyển Việt Nam, Malaysia lẫn Indonesia và UAE tiến hành nhập tịch hàng loạt cầu thủ gốc châu Âu hay Nam Mỹ. Điều này đang tạo nên những lo ngại nhất định cho HLV Park Hang-seo.

Nhìn ra thế giới, ngay những nền bóng đá hàng đầu đều không ngần ngại sử dụng những cầu thủ có nguồn gốc châu Phi như Pháp, hay nguồn gốc Ba Lan như Đức, nguồn gốc Brazil như Tây Ban Nha… Và có lẽ, đã đến lúc bóng đá Việt Nam cần nhìn nhận lại câu chuyện cầu thủ nhập tịch. Dường như chúng ta đang tự tước bỏ cơ hội của chính mình.

NGUYÊN AN

;
;
.
.
.
.
.