Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có VĐV điền kinh Việt Nam nào giành được suất tham gia tranh tài tại Olympic Tokyo 2020. Tuy nhiên, theo quy định của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), những quốc gia không có VĐV giành được quyền đến Olympic thông qua thi đấu thì được trao 1 suất đặc cách, thay vì 1 suất dành cho nam, 1 suất dành cho nữ như trước. Và điền kinh Việt Nam đã quyết định trao suất đặc cách này cho VĐV Quách Thị Lan.
Sau khi giành HCV ASIAD 2018, Quách Thị Lan (giữa) tiếp tục lên ngôi vô địch nội dung chạy 400 mét rào tại giải Vô địch Điền kinh châu Á 2019 và cô xứng đáng được đại diện điền kinh Việt Nam tại Tokyo 2020. Ảnh: XIHUANET |
Thông thường, ở các kỳ Olympic trước, IOC có hai mốc chuẩn A và B nhưng kể từ Tokyo 2020, các VĐV chỉ còn một chuẩn duy nhất để giành quyền tham gia tranh tài. Sau khi Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF) công bố chuẩn Olympic Tokyo 2020 hồi tháng 3-2019, hầu như các VĐV điền kinh Việt Nam đều cảm nhận được thử thách không thể vượt qua.
Ngay HCV ASIAD 2018 Bùi Thị Thu Thảo cũng chỉ mới đạt thành tích tốt nhất trên hố nhảy xa là 6,68 mét, so với chuẩn Tokyo 2020 là 6,82 mét. Ở các nội dung chạy cự ly ngắn, nữ VĐV Lê Tú Chinh có thành tích cá nhân tốt nhất với 11,40 giây trên đường chạy 100 mét hay 23,30 giây ở đường chạy 200 mét. Tuy nhiên, để đạt chuẩn 11,15 giây (100 mét) hay 22,80 giây (200 mét) là hoàn toàn không thể.
Chưa kể, những trở ngại do dịch bệnh khiến Tú Chinh chỉ có thể tập huấn trong nước, đánh mất cơ hội được học hỏi nhiều hơn ở những chuyên gia đào tạo chạy tốc độ hàng đầu của Mỹ. Trong khi đó, 2 chị em VĐV Nguyễn Thị Thanh Phúc và Nguyễn Thành Ngưng hầu như không có cơ hội. Bởi thành tích tốt nhất của Thanh Phúc là 1 giờ 33 phút 36 giây, so với chuẩn là 1 giờ 31 phút và với Thành Ngưng là 1 giờ 23 phút 29 giây, so với chuẩn là 1 giờ 21 phút.
Trong số những VĐV điền kinh hàng đầu Việt Nam, Quách Thị Lan (nội dung chạy 400 mét và 400 mét rào nữ) được xem là nhân tố sáng giá nhất. Ở nội dung chạy 400 mét, thành tích tốt nhất mà Quách Thị Lan đạt được là 52 giây 46, vẫn có khoảng cách khá lớn với chuẩn Tokyo 2020 là 51 giây 35. Nhưng trên đường chạy 400 mét rào, với thông số giúp cô giành HCV ASIAD 2018 là 55 giây 30, rõ ràng khả quan hơn khi so với chuẩn là 55 giây 40.
Dĩ nhiên, Quách Thị Lan hoàn toàn không có cơ hội tranh chấp tại Tokyo 2020. Bởi để giành quyền vào chung kết nội dung chạy 400 mét vượt rào tại Rio 2016, các VĐV đều phải đạt chỉ số dưới 55 giây. Vì thế, dù nỗ lực tối đa, mục tiêu cao nhất của Quách Thị Lan cũng chỉ là vào bán kết.
Tại Tokyo 2020, những quốc gia không có VĐV giành suất chính thức được IOC trao 1 suất đặc cách, ngoại trừ các nội dung chạy 3.000 mét vượt chướng ngại vật và 7 môn phối hợp. Và Điền kinh Việt Nam hoàn toàn có lý do để dành cho Quách Thị Lan vinh dự này, căn cứ vào những thông số khá tốt, so với những VĐV còn lại.
Chưa kể với việc không thể thi đấu Giải các nội dung Tiếp sức thế giới vừa diễn ra hồi đầu tháng 5 vừa qua, Điền kinh Việt Nam không còn giải đấu nào để tìm kiếm suất thi đấu tại Tokyo 2020. Nếu không có những thay đổi vào phút chót, Quách Thị Lan là cái tên được Việt Nam đề cử lên IOC vào ngày 21-6 và IOC sẽ có hồi âm trong tháng 7 tới. Sự có mặt ở Tokyo 2020 chắc chắn sẽ giúp Quách Thị Lan có cơ hội học hỏi nhiều hơn để tích lũy kinh nghiệm cho những cuộc thi vừa tầm hơn trong tương lai.
NGUYÊN AN