Bản lĩnh Allyson Felix

.

Ngày 7-8, Allyson Felix đi vào lịch sử Olympic sau khi cùng đội chạy tiếp sức 4x400 mét nữ Hoa Kỳ giành bộ HCV tại Tokyo 2020. Thành tích này đưa Allyson Felix thành nữ VĐV có nhiều huy chương nhất trong lịch sử điền kinh Olympic. Thế nhưng, đằng sau thành công ấy là những nỗ lực với bản lĩnh, sự kiên trì cùng quyết tâm rất lớn...

Thành công của Allyson Felix (ảnh) không chỉ có ý nghĩa về mặt thể thao mà còn có ý nghĩa lớn hơn trong việc xác định lại giá trị của các nữ VĐV sau khi có gia đình. Ảnh: Reuters
Thành công của Allyson Felix không chỉ có ý nghĩa về mặt thể thao mà còn có ý nghĩa lớn hơn trong việc xác định lại giá trị của các nữ VĐV sau khi có gia đình. Ảnh: Reuters

Tháng 11-2018, cô phải vật lộn với chứng tiền sản giật và trải nghiệm lần sinh nở đầy biến động, suýt cướp đi sinh mạng của cô và con gái Camryn. Di chứng của lần sinh mổ gấp ở tuần thứ 32 khiến cô rất khó khăn để đi lại nhưng Allyson không từ bỏ ước muốn đến Tokyo 2020, dù quá trình chuẩn bị không suôn sẻ.

Đặc biệt, việc trở thành một người mẹ càng tạo thêm động lực để Allyson hướng đến Tokyo 2020 như cô chia sẻ với CNN: “Giải đấu này rất khác biệt. Tôi không quá bận tâm tới việc giành thêm huy chương. Điều lớn nhất với tôi là sự trở lại đường chạy. Tôi xem lại một số video ghi lại cảnh tôi nằm trong bệnh viện cùng Camryn và đó là động lực để tôi phải cố gắng. Giờ đây, điều tôi muốn khẳng định là cách mà mình vượt qua được nghịch cảnh”.

Trước đây, Allyson luôn khao khát chiến thắng, đến độ cô từng thừa nhận sẵn sàng đổi những danh hiệu vô địch thế giới chỉ để lấy một trong những chiếc HCV Olympic. Thế nhưng, tại Tokyo 2020, Allyson muốn chạy vì bé Camryn, chạy để truyển cảm hứng cho những phụ nữ hy sinh sự nghiệp và cả vẻ đẹp cơ thể để trở thành người mẹ. Cô còn chạy để chứng minh rằng, Nike đã sai lầm khi cắt giảm đến 70% giá trị hợp đồng khi cô mang thai. Hơn thế nữa, Allyson còn chứng minh, ở tuổi 35, sau một lần sinh nở suýt mất đi mạng sống và rất khó khăn để đi lại, cô vẫn có thể đến với Olympic để tranh huy chương như rất nhiều VĐV khác.

Trong cuộc trao đổi cùng ESPN, Allyson thừa nhận, cô học được nhiều hơn từ những mất mát của mình và cảm nhận được những giá trị trong hành trình hướng tới mục tiêu chứ không chỉ đạt mục tiêu đó. Allyson cho rằng, các VĐV không cần khẳng định bản thân bằng số huy chương đạt được, nhất là những VĐV nữ. Giá trị của họ được xác định bằng sự nỗ lực mỗi ngày đối với cả sự nghiệp và gia đình. Vì vậy, đừng để sự kỳ vọng của mọi người tạo áp lực lên mình khi mỗi người đều có cuộc sống của riêng mình. Bước vào thi đấu, cần cảm nhận niềm vui, thay vì nỗi sợ hãi thua cuộc. Cách đây 17 năm, Allyson có màn ra mắt tại Olympic ở tuổi 18 và cô đã mơ về những chiếc HCV. Nhưng lần này, cô ước mơ được chia sẻ với mọi người cũng như ước mơ góp phần xóa bỏ những định kiến đối với VĐV nữ, khi họ cũng có quyền làm mẹ như bao người phụ nữ bình thường khác.

Tại các giải vô địch điền kinh thế giới, Allyson giành 18 huy chương, trong đó có 13 HCV, nhiều hơn bất kỳ VĐV nào từ trước đến nay. Ở Olympic, cô cũng sở hữu 11 huy chương các loại với 7 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ và chỉ xếp sau nam VĐV người Phần Lan Paavo Johannes Nurmi đang nắm giữ danh hiệu VĐV giành nhiều huy chương nhất mọi thời đại với tổng cộng 12 huy chương trong thời gian thi đấu từ 1920 đến 1928.

NGUYÊN AN

;
;
.
.
.
.
.