Cô gái khuyết tật gốc Việt tham dự Paralympic Tokyo 2020

.

ĐNO - Năm 2004, một vụ tự sát của đôi vợ chồng trẻ gây chấn động xã Tiên Ngọc (Tiên Phước, Quảng Nam). Như một phép màu, nằm giữa cha mẹ nhưng đứa con gái 14 tháng tuổi Đỗ Thị Thúy Phượng chỉ bị bắn xa khoảng 9 mét và vẫn sống sót. Bỏng nặng với mảnh đạn găm vào đầu cùng đôi chân dập nát không thể ngăn Phượng thực hiện hành trình kỳ diệu để 16 năm sau, trở thành một trong 24 nữ VĐV của đoàn thể thao Hoa Kỳ, thi đấu tại Paralympic Tokyo 2020.

Niềm hạnh phúc của Haven không chỉ là chiến thắng với những chiếc huy chương. ảnh LOVEWHATMETTERS
Niềm hạnh phúc của Haven không chỉ là chiến thắng với những chiếc huy chương. Ảnh: LOVEWHATMETTERS

Vào thời điểm đó, tại thành phố Carthage (Missouri, Hoa Kỳ) cách Tiên Phước hơn 13.000 km, ông Bob Shepherd đang trong trạng thái trầm cảm nặng sau cái chết của người anh ruột Terry và cha của ông là Gary.

Trong một lần tham gia diễn đàn Quỹ Touch A Life do vợ chồng người bạn là Pam và Randy Cope sáng lập. Bob được thuyết phục sang thăm Việt Nam như một cách để giải tỏa những u uất.

Với Thúy Phượng, sau sự cố, cô bé buộc phải cắt bỏ cả hai chân từ bên dưới đầu gối. Do quá nghèo khó, ông bà ngoại của cô bé phải nhờ vào sự giúp đỡ của cộng đồng mới có thể chi trả viện phí cho Phượng.

Trong lần gặp gỡ vợ chồng Pam và Randy vào tháng 10-2004, ông bà ngoại của cô bé mong muốn Phượng sẽ được nuôi dạy tại một trung tâm trẻ em khuyết tật tại Việt Nam. Song Pam và Randy lại sắp xếp để Phượng được một gia đình ở Hoa Kỳ nhận làm con nuôi vì điều kiện chăm sóc sẽ tốt hơn.

Niềm vui của Bob, Haven và Shelly (từ trái sang) khi họ đã “cứu” lẫn nhau. ảnh NBCSPORTS
Niềm vui của Bob, Haven và Shelly (từ trái sang) khi họ đã “cứu” lẫn nhau. Ảnh: NBCSPORTS

Không có ý định sẽ nhận con nuôi khi đã có 6 đứa con, thế nhưng tất cả đã thay đổi chóng vánh với vợ chồng Bob và Shelly. Trong cuộc trao đổi cùng BBC, bà Shelly cho biết: “Ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên, cô bé đã nhào vào lòng tôi ngay khi tôi đưa tay ra. Một cảm giác quen thân bắt đầu từ khoảnh khắc ấy”.

Những ngày lưu lại Đà Nẵng, cô bé luôn muốn được Bob bế, mọi lúc, mọi nơi. Bà Shelly hy vọng, sự quyến luyến của Phượng và Bob có thể giúp ông tìm lại được niềm vui trong cuộc sống.

Với sự hỗ trợ của gia đình, Haven đã tìm thấy được chính mình. ảnh ASSEMBLY
Với sự hỗ trợ của gia đình, Haven đã tìm thấy được chính mình. Ảnh: ASSEMBLY

Phượng được đoàn tụ với gia đình Bob vào ngày 19-11-2004 với cái tên mới Haven Shepherd. Trao đổi cùng nhật báo Kansas City, bà Shelly thừa nhận: “Chúng tôi đã cứu Haven và cô bé cũng cứu chúng tôi, đưa Bob trở lại với gia đình”.

Yêu thương Haven nhưng bà Shelly vẫn có những định kiến về khuyết tật của cô nên không muốn hướng cô bé đến với thể thao. Ngược lại, Haven lại rất thích thú khi được chơi thể thao cùng 6 anh chị của mình. Đến năm lên 9, Haven không còn ưa thích những cuộc chạy bộ bởi đôi chân giả khiến cô bị đau đớn và có ý định bỏ cuộc. Song, ông bà Shepherd luôn muốn Haven theo đuổi một môn thể thao khác và bơi lội là lựa chọn của cả Haven lẫn bố mẹ.

Từ bể bơi gia đình, Haven đã tiến bộ và gia nhập CLB Webb City’s Berzerker Swimming để bắt đầu trở thành 1 VĐV bơi lội ưu tú của đội tuyển Paralympic Hoa Kỳ ở tuổi 12.

Trả lời phỏng vấn của trang Assembly, Haven khẳng định: “Quy tắc của gia đình là, không một ai là nạn nhân và không ai phải cảm thấy có lỗi với bản thân. Chính thái độ của mọi người trong gia đình đã giúp cho tôi đủ can đảm để thử thách và trở thành một VĐV như hôm nay”.

Cô thừa nhận, có những ngày không muốn tập luyện nhưng vẫn làm “những gì cần làm” để đạt được mục tiêu. Và đến khi kết thúc sự nghiệp thi đấu, những gì còn lại là sự tích lũy những bài học, thay vì những chiếc huy chương.

Dù vậy, đến lúc này, Haven đã gặt hái được không ít thành công với 5 HCV tại giải Bơi lội Paralympic Hoa Kỳ mở rộng 2017; 2 HCV tại World Para Swimming World Series 2018; 2 HCB, 1 HCĐ tại Parapan American Games 2019; 1 HCB, 1 HCĐ tại giải Vô địch World Para Swimming World Series 2019.

Tại Paralympic Tokyo 2020, Haven sẽ thi đấu 2 nội dung 100 mét Ếch và 200 mét Tự do ở hạng Khuyết tật S8, SB7, SM8. Có thể thành công, có thể thất bại nhưng với cô gái gốc Quảng Nam Haven Shepherd: “Nếu tôi ngẩng cao đầu rời Tokyo, điều đó còn đáng giá hơn 1 HCV”. Haven còn muốn truyền thông điệp đến với tất cả như trao đổi với tạp chí People: “Nếu có niềm tin vào bản thân, bạn có thể vượt qua tất cả”.

NGUYÊN AN

;
;
.
.
.
.
.