Việc nữ VĐV thể dục dụng cụ Simone Biles (Hoa Kỳ) rút lui khỏi Tokyo 2020 được xem là động thái quan trọng, giúp cứu nhiều VĐV hơn khi cô gái 24 tuổi ấy đánh động để bảo vệ “sức khỏe tâm thần”.
Việc Simone Biles (ảnh) chia tay Tokyo 2020 gióng lên hồi chuông cảnh báo quan trọng về vấn đề sức khỏe tâm thần của các VĐV. Ảnh: Reuters |
Từ rất lâu, hầu như tất cả đều chỉ quan tâm đến thành tích thể thao hơn là yếu tố “con người” của một VĐV. Chính điều đó khiến các VĐV chịu áp lực ngày càng lớn, nhất là những ngôi sao. Và dường như, họ phải “gánh cả sức nặng của thế giới” như cách ví von của nhà vô địch Rio 2016 người Anh Christopher James Mears. Để rồi, sau thành công ấy, anh rơi vào trạng thái trầm cảm rất lâu, phải nhờ sự hỗ trợ của các bác sĩ tâm lý mới có thể trở lại với đời sống bình thường.
Cựu VĐV lừng danh thế giới về nhảy xa người Anh Gregory James “Greg” Rutherford (vô địch Olympic London 2012, vô địch thế giới 2015 về nhảy xa) thừa nhận, VĐV không phải là những con người “siêu phàm”, thế nhưng chưa một ai quan tâm đến suy nghĩ và hoàn cảnh thực tế của các VĐV. Bản thân Rutherford từng phải thi đấu tại Olympic Bắc Kinh 2008 dù anh đang có người thân vừa qua đời tại quê nhà. Sau buổi sáng thi đấu, anh gục ngã trên hố nhảy xa, phải cấp cứu khi đổ quỵ tại Làng Olympic.
Việc Simone Biles rút lui khỏi các cuộc thi của đội tuyển thể dục dụng cụ Hoa Kỳ là động thái quan trọng, đánh động những nhà chuyên môn khi hầu như các VĐV dần biến thành những "chiếc máy sản xuất” huy chương. Đặc biệt, áp lực này càng lớn với những tên tuổi nổi bật, bởi mọi đối thủ luôn mong muốn đánh bại họ. Vì thế, những VĐV hàng đầu luôn phải lao vào tập luyện với cường độ khủng khiếp, tần suất cao và chiến thắng trở thành mục tiêu duy nhất.
Trao đổi với CNN, Simone Biles cho biết, tại American Cup 2016, khi cô trao đổi với điều phối viên đội tuyển Hoa Kỳ về nỗi sợ hãi, điều phối viên này khẳng định, không thể tồn tại sự sợ hãi trong suy nghĩ của những VĐV ưu tú. Nhưng Biles đã không thực hiện động tác Produnova trong môn nhảy ngựa bởi đơn giản, cô không muốn chết. Trong khi đó, với áp lực muốn thể hiện tài năng cùng khả năng cạnh tranh huy chương, nhiều VĐV ưu tú dưới sự dẫn dắt của điều phối viên nói trên đều cố gắng luyện tập động tác Produnova, bất chấp có thể bị chấn thương nặng hoặc thậm chí tử vong nếu tiếp đất không chính xác.
Có thể, vấn đề sức khỏe tâm thần không xa lạ với các VĐV thể thao, đặc biệt là các ngôi sao. Nhưng hầu như mục tiêu lớn nhất của bản thân VĐV cũng như những nhà chuyên môn là thành tích nên hầu như không mấy ai đề cập đến vấn đề này. Với Biles thì khác. Từng là một trong hàng chục VĐV bị lạm dụng tình dục, phải sống với chứng trầm cảm và sức khỏe tâm thần tồi tệ trong một thời gian dài, chắc hẳn cô gái 24 tuổi này hiểu hơn ai hết thời điểm cần lên tiếng. Chưa kể, một VĐV từng giành 30 huy chương Olympic và giải vô địch thế giới, được xem là một trong những VĐV thể dục dụng cụ vĩ đại nhất mọi thời đại, phát biểu của Biles rõ ràng có giá trị rất lớn.
Sau quyết định của Biles, Giám đốc Điều hành Ủy ban Olympic và Paralympic Hoa Kỳ (USOPC) Sarah Hirshland thừa nhận, USOPC sẽ tôn trọng mọi quyết định của VĐV này khi họ “không sống trong hoàn cảnh của cô ấy”. Và chắc rằng, các tổ chức thể thao cũng cần chú trọng hơn đến việc tư vấn sức khỏe tâm thần cho các VĐV. Bởi suy cho cùng, những VĐV ưu tú, những siêu sao cũng chỉ là con người.
NGUYÊN AN