Cú đập tay của tuổi 13

.

Chiều hè Tokyo hửng nắng. Tiếng vỗ tay hào hứng khuấy động không gian thoáng đãng dù khán đài thưa thớt người trong mùa dịch. Hai cô bé trong tuổi học sinh cấp 2 với miệng cười rạng rỡ, mắt chan chứa trao nhau lời chúc mừng sau cái ôm nồng thắm về một sự kiện độc đáo trong đời mình. Họ vừa lần lượt giành giải nhất và giải nhì của một cuộc tranh tài mang tầm quốc tế tại vận hội thể thao lớn nhất hành tinh.

Momiji Nishiya (người Nhật Bản) vui mừng khi giành huy chương vàng môn ván trượt đường phố tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Reuters
Momiji Nishiya (người Nhật Bản) vui mừng khi giành huy chương vàng môn ván trượt đường phố tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Reuters

Chân chất, đơn sơ và gần gụi, cảnh tượng dễ khiến nhiều người liên tưởng đến một cuộc tranh tài thể thao ở sân chơi học đường, nếu trên cổ của hai cô bé lúc này không có tấm huy chương vàng và bạc với dây đeo hiển hiện dòng chữ “Olympic Tokyo 2020”.

Cùng ở tuổi 13, Momiji Nishiya (người Nhật Bản) với huy chương vàng và Rayssa Leal (người Brazil) giành huy chương bạc, vừa trở thành hai vận động viên trẻ nhất đoạt huy chương Olympic ở môn thể thao mang tên vừa lạ, vừa quen: ván trượt đường phố.

Là một thú chơi, một hình thức vận động phổ biến dành cho giới trẻ ở nhiều xứ sở, đặc biệt là các nước phương Tây, ván trượt đường phố chính thức xuất hiện lần đầu trong danh mục các môn thi đấu tại Olympic Tokyo 2020. Dễ hiểu vì sao môn thể thao này nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người trẻ.

Chỉ với một chiếc ván trượt nhỏ nhắn, người chơi trổ tài bật nhảy, giữ thăng bằng, nhào lộn qua các chướng ngại vật gồm những vật dụng dễ bắt gặp trong cuộc sống hằng ngày như bậc thang, ống sắt, thành bê-tông… để cùng chiếc ván tung tăng trên sàn đáp cuối cùng. Rất gần gũi đời thường nhưng lại đòi hỏi người chơi nhiều phẩm chất gợi lên lòng dũng cảm, tính cách đương đầu với gian nan, thách thức với không ít phiêu lưu mạo hiểm. Nghe kể một ông bố của các thiếu niên này từng giận dữ bẻ đôi tấm ván trượt vì không muốn con mình phải chấp nhận hiểm nguy.

Không cầu kỳ, nghiêm trang đến độ căng thẳng như ở nhiều môn thi đấu khác, người chơi bước vào cuộc tranh tài nhẹ nhàng, lắm lúc pha chút nghịch ngợm khiến thao trường bật lên những tràng cười thú vị. Mặc kệ các bộ huy chương óng ánh chờ chực trên bục trao giải, nhiều lúc khán giả chứng kiến từ phía vận động viên các pha biểu diễn lãng tử hơn là một trận thi thố căng thẳng, quyết liệt. Thật chẳng ngoa khi có người ví von hai cô bé vừa quàng vào cổ mình tấm huy chương danh giá nhất kia chẳng khác nào hai nữ sinh vui nhộn đang ríu rít chơi đùa với chúng bạn vào dịp nghỉ hè.

Thế cho nên trên bục nhận giải chẳng hề có nước mắt cùng ánh nhìn buồn bã của người về nhì hay tiếng hét điên cuồng vì quá phấn khích của kẻ chiến thắng. Sân chơi đường phố không hề có ranh giới, sự hồn nhiên luôn chia đều cho tuổi thơ. Từ sàn diễn đến bục nhận huy chương, mọi thứ diễn ra nhẹ nhàng, chân chất, với nét bẽn lẽn, ngượng ngùng của người trẻ lần đầu được tôn vinh.

Và bằng hình ảnh giàu cảm kích này, nhà vô địch và á quân nhắc nhớ với không riêng Olympic Tokyo 2020 mà cả các kỳ tranh tài thế vận hội mai sau về các giá trị bền vững của thể thao: không nặng toan tính hơn thua, không kỳ thị gièm pha, thay vào đó là tinh thần thượng võ, là niềm vui cùng nhau, bên nhau thi thố tài nghệ hướng đến cái đẹp.

Sẽ mãi còn khoảnh khắc Momiji Nishiya và Rayssa Leal bên nhau trên bục nhận giải giữa chiều hè thủ đô nước Nhật, cùng hí hửng đập tay ăn mừng theo phong cách quen thuộc của tuổi nhỏ bây giờ. Cú đập tay như lời nhắn gửi tranh tài trước hết vì niềm vui. Nó thật gần với điều mà nhà quý tộc Pháp Pierre de Coubertin - cha đẻ của Olympic hiện đại - ấp ủ khi đề xuất thành lập Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) vào năm 1894: “Điều quan trọng nhất của Thế vận hội không phải là giành chiến thắng mà là việc được tham gia. Cũng như điều quan trọng nhất trong cuộc sống không phải là sự thành công mà là những thử thách cam go”.

ĐÌNH XÊ

;
;
.
.
.
.
.