Động lực để thể thao Đà Nẵng khẳng định mình

.

So với cả nước, Đà Nẵng là một trong những địa phương quan tâm đầu tư cho thể thao thành tích cao. Chỉ trong vòng 6 năm, thành phố có nhiều chính sách khen thưởng, hỗ trợ các HLV, VĐV đạt thành tích xuất sắc trên cả đấu trường trong nước lẫn quốc tế. Qua đó, tạo thêm động lực cho các đội tuyển khi bước vào các giải đấu.

Từ việc được hưởng chế độ hỗ trợ bởi thành tích huy chương Vàng ASIAD với chu kỳ 4 năm, cùng việc được định hướng tương lai, vận động viên Phạm Thị Huệ (phía trước) hoàn toàn yên tâm cống hiến trước khi giã từ thi đấu cho đua thuyền Đà Nẵng. 						                Ảnh: BẢO AN
Từ việc được hưởng chế độ hỗ trợ bởi thành tích huy chương Vàng ASIAD với chu kỳ 4 năm, cùng việc được định hướng tương lai, vận động viên Phạm Thị Huệ (phía trước) hoàn toàn yên tâm cống hiến trước khi giã từ thi đấu cho đua thuyền Đà Nẵng. Ảnh: BẢO AN

Giám đốc Trung tâm Huấn luyện - Đào tạo VĐV (Trung tâm HL-ĐT VĐV) Nguyễn Đông Hải rất phấn chấn khi HĐND thành phố vừa ban hành Nghị quyết số 33/2021/NQ-HĐND về quy định chế độ tiền thưởng áp dụng đối với HLV, VĐV thuộc thành phố Đà Nẵng. “Ngoài chế độ đãi ngộ theo Nghị quyết 106/2015/NQ-HĐND, việc thành phố vận dụng Nghị định 152/2018/NĐ-CP của Chính phủ cũng như điều chỉnh mức thưởng dành cho HLV, VĐV có thành tích xuất sắc tại các giải quốc gia đã tác động tích cực đến các HLV, VĐV. Nhờ đó, các đội tuyển tích cực hơn trong tập luyện để chuẩn bị cho các giải đấu”, ông Hải nói.

Chỉ tính riêng các giải vô địch quốc gia từ năm 2016 đến 2020, số HCV tăng lần lượt từ 169 HCV (2016), 177 HCV (2017) lên 190 HCV (2018) rồi 210 HCV (2019) và 215 HCV (2020), cho thấy sự phát triển đều đặn và vững chắc của thể thao thành tích cao Đà Nẵng. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Trọng Thao khẳng định: “Phải làm được thì mới thuận lợi trong việc đề xuất các chế độ, chính sách phù hợp. Đặc biệt, đối với VĐV thể thao, do tuổi nghề rất ngắn so với các ngành nghề khác nên sự quan tâm của thành phố càng đáng quý”.

Từ chính sách đãi ngộ và VĐV được hưởng theo chu kỳ của các giải đấu, các VĐV Phạm Thị Huệ (Đua thuyền, HCB ASIAD), Hoàng Quý Phước (Bơi), Nguyễn Thị Thanh Phúc (Điền kinh), Trần Thị Ánh Tuyết (Taekwondo, cùng  hưởng chế độ HCV SEA Games) hay các VĐV vô địch Đông Nam Á, vô địch châu Á, vô địch thế giới ở một số môn đã có được cuộc sống riêng thư thả hơn so với trước. Những VĐV từ giã thi đấu cũng được tạo điều kiện để có việc làm ổn định theo nguyện vọng như những “kình ngư” một thời  Nguyễn Văn Tý, Phạm Trường Giang, Châu Bá Anh Tư được bố trí huấn luyện các tuyến VĐV Bơi lội của thành phố.

HLV Trần Anh Hiệp, Trưởng bộ môn Điền kinh (thuộc Trung tâm HL-ĐT VĐV) cho biết: “Trước đây, thành tích HCV đại hội TD-TT hay giải vô địch quốc gia chỉ được thưởng 5 triệu đồng/huy chương, thì nay mức thưởng đã tăng lần lượt là 12 triệu đồng và 10 triệu đồng. Bên cạnh, với chính sách hỗ trợ cũng như việc thành phố vận dụng Nghị định 152/2018/NĐ-CP để khen thưởng HLV, VĐV đạt thành tích xuất sắc, bằng 50% mức thưởng của Trung ương, không khó để thấy các HLV, VĐV xuất sắc của Đà Nẵng được hưởng chính sách đãi ngộ vượt trội so với nhiều địa phương trong cả nước. Chúng tôi thi đấu không chỉ để được khen thưởng mà còn vì “màu cờ, sắc áo” của thể thao Đà Nẵng, vì danh dự của bản thân, của tập thể nhưng chính sự quan tâm của thành phố đã tiếp thêm động lực cho từng HLV, VĐV khi ra sân tập luyện, thi đấu”.

Từ quyết tâm vốn có cùng sự quan tâm của thành phố, thể thao Đà Nẵng đang tràn đầy tự tin để bước vào các giải thi đấu quốc gia sắp khởi tranh. Và quan trọng hơn, đấu trường SEA Games 31 cũng như Đại hội TD-TT toàn quốc lần thứ 9 (2022) sẽ là cơ hội để các HLV, VĐV Đà Nẵng tiếp tục khẳng định mình.

BẢO AN

;
;
.
.
.
.
.