Sau thời gian giãn cách xã hội, đều đặn mỗi tuần 3 buổi, những thành viên của CLB Cờ vây Đà Nẵng (thuộc Trung tâm Huấn luyện và đào tạo vận động viên Đà Nẵng) lại tề tựu về Trà thất Bồ đề đạt ma tại 36/17 Phạm Văn Nghị (quận Hải Châu) để cùng nhau luận bàn cờ thế, thi đấu sôi nổi bên những quân cờ đen - trắng.
Một buổi sinh hoạt cờ vây tại CLB Cờ vây Đà Nẵng. Ảnh: K.B |
Người tham gia sinh hoạt có nhiều lứa tuổi, từ trẻ em cho đến trung niên. Nòng cốt của CLB là những người có kinh nghiệm đấu cờ vây lâu năm và giàu nhiệt huyết với môn thể thao trí tuệ này. Trong số đó có những kỳ thủ của Đội tuyển Cờ vây thành phố Đà Nẵng như Đỗ Khánh Bình, Nguyễn Minh Thắng, Trần Quang Duy, Lê Anh Quang… Chủ nhiệm CLB Đỗ Khánh Bình là một trong những kỳ thủ cờ vây hàng đầu của Đà Nẵng và Việt Nam khi gặt hái nhiều thành công, như hạng 9 đến hạng 14 cá nhân tại giải Vô địch Cờ vây thế giới - Cúp Thủ tướng Hàn lần thứ 6, thứ 8 và thứ 10 tại Hàn Quốc; HCV đơn nam và HCB đồng đội tại giải Vô địch Cờ vây Đông Nam Á mở rộng lần thứ nhất tại Malaysia; HCV đơn nam và HCB đồng đội nam tại giải Vô địch Cờ vây LS - Việt Nam… Vừa chơi cờ vây, anh vừa cùng bạn bè “truyền lửa”, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của môn này đến mọi lứa tuổi, đặc biệt là thế hệ trẻ thông qua các buổi hướng dẫn, tập luyện tại CLB Cờ vây Đà Nẵng. Những kinh nghiệm có được trong hơn chục năm thi đấu được Bình truyền lại cho những em nhỏ. Anh chia sẻ, bản thân luôn mong muốn cờ vây có được thế hệ mới đầy tài năng trong tương lai gần. “Thông qua các buổi sinh hoạt ở CLB, chúng tôi đưa ra những bài tập về cờ cho mọi người, tổ chức những giải đấu cờ nội bộ trong các dịp lễ, Tết… để tăng sự giao lưu và tìm ra những cái tên tiềm năng, nổi bật. Để từ đây chọn ra nòng cốt cho cờ vây thành phố. Hiện CLB chú tâm hướng dẫn những em nhỏ độ tuổi học sinh tiểu học, thường từ lớp 3 trở lên, có em đã bộc lộ được khả năng và nếu được gia đình tạo điều kiện lâu dài có thể tiến bộ hơn nữa”, anh Bình cho biết.
Số người sinh hoạt ở CLB Cờ vây Đà Nẵng có lúc đông nhất đến 35-40 người, hiện tại dao động trong khoảng 15-20 người. Bản thân mỗi kỳ thủ tham gia CLB đều ra sức lan tỏa môn cờ vây đến với cộng đồng. Như kỳ thủ Trần Quang Duy thành lập CLB Cờ vây UDA của Trường Đại học Đông Á và hướng dẫn cờ vây cho sinh viên thông qua hình thức trực tuyến trong thời gian giãn cách xã hội. Anh Duy cho biết: “CLB Cờ vây UDA đang có gần 20 thành viên. Sắp đến chúng tôi sẽ tổ chức sinh hoạt, chơi cờ vây trực tiếp tại nhà sinh hoạt của Trường Đại học Đông Á và sẽ thi đấu giao lưu với CLB Cờ vây Đà Nẵng như một hình thức phổ biến môn này”.
Chơi cờ vây từ khi thiếu niên cho tới khi trở thành kỳ thủ của đội tuyển thành phố, anh Nguyễn Minh Thắng chia sẻ: “Cờ vây không chỉ là môn thi đấu trí tuệ đơn thuần mà còn dạy người chơi nhiều điều ý nghĩa, như sự nhẫn nại, tinh thần học hỏi, khả năng suy luận… Chính vì thế, mỗi buổi sinh hoạt của CLB là dịp giao lưu, nâng cao tinh thần cho mọi lứa tuổi”.
Theo anh Đỗ Khánh Bình, cái khó của đào tạo cờ vây cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng hiện nay là môn này chưa có sự phổ biến và được tạo điều kiện phát triển, thi đấu rộng rãi như cờ vua hay cờ tướng; nhiều phụ huynh chưa có định hướng để con em đi theo con đường kỳ thủ chuyên nghiệp, mà chỉ muốn con học cờ như một môn giải trí sau giờ học chính khóa. “Tôi thích đọc bộ truyện tranh Nhật Bản “Hikaru No Go - kỳ thủ cờ vây” khi còn là cậu học trò cấp 2, dần có cảm hứng với môn này, rồi may mắn được học cờ từ những người thầy kỳ cựu như Hoàng Nam Thắng, Trần Thế Tâm… và có cơ hội thi đấu, gặt hái thành tích trong và ngoài nước. Có lẽ, để tạo nên một lứa kỳ thủ tài năng cần nhất sự đầu tư, tập luyện, thi đấu cọ xát từ khi còn nhỏ, từ đó phát triển kỹ năng và phong cách chơi cho tới khi trưởng thành. Đặc biệt môn cờ vây nên được đưa vào thi đấu tại các giải học sinh như Hội khỏe Phù Đổng để mở rộng phong trào”, anh Bình cho biết.
XUÂN SƠN