Nền tảng để thể thao Đà Nẵng vươn tầm

.

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 1-12-2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục - thể thao đến năm 2020, thể thao thành tích cao Đà Nẵng có những bước phát triển đáng kể và từng bước tạo được vị thế tại đấu trường quốc nội cũng như đóng góp vào thành tích chung của thể thao Việt Nam trên trường quốc tế.

Nguyễn Hữu Kim Sơn, một trong những “kình ngư” xuất sắc của Bơi lội  Việt Nam đã được tuyển chọn từ cách làm linh hoạt của thể thao Đà Nẵng.  Ảnh: ANH VŨ
Nguyễn Hữu Kim Sơn, một trong những “kình ngư” xuất sắc của Bơi lội Việt Nam đã được tuyển chọn từ cách làm linh hoạt của thể thao Đà Nẵng. Ảnh: ANH VŨ

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Nguyễn Trọng Thao đánh giá, công tác tuyển chọn VĐV, xây dựng lực lượng là một trong những yếu tố quan trọng phát triển thể thao thành tích cao: “Để gặt hái những kết quả đáng khích lệ, bên cạnh nguồn lực đầu tư, cơ chế, chính sách, trình độ HLV, công tác tuyển chọn đào tạo, huấn luyện VĐV là nhiệm vụ quan trọng và được thực hiện thường xuyên. Vì thế, thời gian qua, Sở VH&TT quan tâm chỉ đạo Trung tâm Huấn luyện - Đào tạo VĐV (Trung tâm HL-ĐT VĐV) tập trung chú trọng trong công tác tuyển chọn, đào tạo và sử dụng tài năng thể thao”. Trong đó, không thể không nói đến sự phát triển của thể thao quần chúng góp phần quan trọng để Trung tâm HL-ĐT VĐV phát hiện, tuyển chọn được những nhân tố xuất sắc cho các đội tuyển cấp thành phố. Từ các giải thể thao cấp thành phố, Hội khỏe Phù Đổng, giải Thể thao học sinh cho đến các hoạt động của các CLB thể thao tư nhân, nhiều VĐV bóng bàn, cầu lông, taekwondo, judo hay cờ… được tuyển chọn vào các đội tuyển thành phố hay các tuyến VĐV trẻ.

Tuy nhiên, đối với các môn thể thao mang tính đặc thù, không phù hợp tố chất, thể lực của người Đà Nẵng, công tác tuyển chọn VĐV hết sức khó khăn, nếu không nói là gần như không thể. Trưởng bộ môn Điền kinh Trần Anh Hiệp từng thừa nhận, dù rất cố gắng nhưng ở một số nội dung như chạy cự ly ngắn, điền kinh Đà Nẵng không thể tuyển chọn và đào tạo những VĐV đủ sức tranh chấp huy chương ở các giải đấu quốc gia. Vì thế, Trung tâm HL-ĐT VĐV phải mở rộng địa bàn tuyển sinh ra nhiều địa phương trong cả nước.

Giám đốc Trung tâm HL-ĐT VĐV Nguyễn Đông Hải cho biết: “Thời gian qua, với các môn boxing hay các môn võ, đua thuyền, bơi lặn, wushu, pencak silat… việc tuyển sinh được mở rộng cả nước. Sau khi tuyển chọn, công tác đào tạo được chú trọng. Theo đó, Trung tâm HL-ĐT VĐV tiến hành theo kế hoạch chuyên môn ngắn, trung và dài hạn kết hợp công tác kiểm tra, đánh giá theo các tiêu chí, chỉ số chuyên môn và tiến hành bổ sung, điều chỉnh lực lượng VĐV kịp thời, phù hợp với xu thế chung. VĐV được kiểm tra thường xuyên, nhờ đó chúng tôi bảo đảm việc xây dựng lực lượng phù hợp, tạo nền tảng phát triển thể thao thành tích cao Đà Nẵng qua từng năm”.

Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến nay, mỗi năm, Trung tâm HL-ĐT VĐV đều xây dựng kế hoạch trọng điểm cho 60 VĐV chủ lực và 80 VĐV trẻ tiềm năng. Trong đó, nhóm VĐV chủ lực hướng đến mục tiêu tại các giải đấu cấp quốc gia, khu vực, châu lục và thế giới; nhóm VĐV trẻ có tiềm năng làm nhiệm vụ tại các giải trẻ. Nhờ đó, thể thao thành tích cao Đà Nẵng phát triển khá ổn định và bền vững. Đáng kể hơn khi thể thao Đà Nẵng quan tâm đầu tư các môn, phân môn trong hệ thống Olympic và cũng là trọng điểm như rowing, bơi, điền kinh, taekwondo, cử tạ… góp phần đáng kể vào thành tích chung của thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018, SEA Games 2019.

Với cách làm khoa học, chặt chẽ và linh hoạt, thể thao thành tích cao Đà Nẵng từng bước vươn tầm và khẳng định được mình tại các giải vô địch quốc gia hay các giải đấu quốc tế. Vì thế, hy vọng các VĐV Đà Nẵng trong màu áo đội tuyển Việt Nam tại SEA Games 31 hay ASIAD 2022 tiếp tục làm rạng danh thể thao Việt Nam ở các giải đấu sắp tới.

NGUYÊN AN

;
;
.
.
.
.
.